Thế giới nỗ lực sống chung an toàn với Covid-19

Thứ Bảy, 05/03/2022 12:17 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến theo chiều hướng tích cực, nhiều quốc gia trên thế giới đang từng bước nới lỏng các biện pháp phòng dịch, đồng thời tiếp tục chạy đua nghiên cứu thuốc và vaccine trong nỗ lực trở lại nhịp sống bình thường thời kỳ trước COVID-19.

Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận hơn 1.460.100 ca mắc Covid-19 mới

Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận hơn 1.460.100 ca mắc Covid-19 mới

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 3/3 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 440.112.129 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.991.922 ca tử vong.

Nới lỏng biện pháp phòng dịch   

Mặc dù vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do COVID-19 nhưng Mỹ đã bãi bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong tòa nhà của Bộ Quốc phòng, cho phép tăng số người làm việc trực tiếp tại phòng lên 50%. Trước đó, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã nới lỏng các khuyến nghị về đeo khẩu trang đối với hầu hết người dân nước này.   

Từ ngày 1/4/2022, Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) của Anh sẽ ngừng việc cung cấp miễn phí bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 và xét nghiệm PCR, ngoại trừ đối với những người trên 80 tuổi, những người dễ bị tổn thương và bệnh nhân tại các nhà dưỡng lão. Việc xét nghiệm hai lần một tuần cho nhân viên và học sinh không triệu chứng ở hầu hết các cơ sở giáo dục và chăm sóc trẻ em, cũng như việc xét nghiệm hàng loạt tại trường học sẽ kết thúc. Với việc dỡ bỏ mọi hạn chế phòng dịch, việc đeo khẩu trang, kể cả trên các phương tiện giao thông công cộng, tại Anh giờ đây không còn là quy định bắt buộc.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho trẻ em ở Brooklyn, New York (Mỹ). Ảnh: The New York Times/TTXVN

Thay vào đó, các doanh nghiệp và cá nhân sẽ tự quyết định cách tiếp cận phòng dịch, đồng nghĩa với việc các rạp hát và cửa hàng vẫn có thể yêu cầu nhân viên và khách hàng đeo khẩu trang. Chính phủ cũng khuyến cáo người dân tiếp tục đeo khẩu trang trong không gian kín và đông người nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh. Từ ngày 1/4, chính phủ cũng hủy bỏ yêu cầu hộ chiếu vaccine, tuy nhiên vẫn để ngỏ khả năng áp dụng quy định này cho các doanh nghiệp, rạp hát và các địa điểm công cộng khác.   

Tại Đức, trong bối cảnh kỳ nghỉ lễ Phục sinh đang đến gần, chính phủ đang xem xét nới lỏng các quy định nhập cảnh và biện pháp hạn chế nhằm giúp việc đi lại trong và ngoài nước trở nên thuận tiện hơn. Dự kiến, quy tắc đi lại sẽ được nới lỏng kể từ ngày 4/3/2022, những thay đổi liên quan chính sách nhập cảnh sẽ được đưa ra theo các tiêu chí phụ thuộc vào quốc gia xuất phát đó có bị coi là địa điểm “rủi ro cao” hay không.

Một thay đổi nữa là trẻ em dưới 12 tuổi sẽ có thể được xét nghiệm miễn phí ngay sau khi trở về từ khu vực có nguy cơ cao ở nước ngoài và sẽ không phải thực hiện quy định cách ly bắt buộc nếu có kết quả âm tính. Theo quy định mới, bất kỳ ai từ nước ngoài trở lại Đức đều phải xuất trình chứng nhận 3G (đã tiêm chủng, đã phục hồi sau khi mắc COVID-19 hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2). Chính phủ Đức hôm 27/2 đã thông báo đã đưa gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ ra khỏi danh sách các khu vực có nguy cơ dịch COVID-19 cao, có nghĩa là du khách từ các quốc gia này sẽ không phải thực hiện các yêu cầu nhập cảnh nghiêm ngặt khi đi du lịch đến Đức.         

Pháp dự kiến trong tháng 3 này sẽ chấm dứt hầu hết các quy định hạn chế được áp dụng để phòng chống COVID-19, đồng thời bãi bỏ việc kiểm tra chứng nhận tiêm chủng ở các nhà hàng, quán bar, hoặc tại các sự kiện văn hóa. Kể từ ngày 14/3, chứng nhận tiêm vaccine được cấp cho các trường hợp đã tiêm 3 mũi vaccine phòng COVID-19 sẽ không còn cần thiết nữa. Tuy nhiên, chứng nhận tiêm chủng sẽ vẫn được áp dụng đối với các trường hợp đến bệnh viện hoặc viện dưỡng lão nhằm bảo vệ các đối tượng dễ bị tổn thương nhất ở những địa điểm này. Cũng kể từ ngày 14/3, khẩu trang sẽ chỉ được yêu cầu sử dụng trên các phương tiện giao thông công cộng. Điều này có nghĩa là người dân không bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi làm việc, công sở hoặc trường học.   

Chú thích ảnh
Người dân tự lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ở Trouville-sur-Mer, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Slovenia kể từ ngày 7/3 sẽ bãi bỏ quy định đeo khẩu trang tại trường học được áp dụng trong 1 năm qua để phòng chống dịch. Slovenia đã bắt đầu nới lỏng từng bước các biện pháp phòng dịch kể từ ngày 19/2, trong đó có việc chấm dứt áp dụng chứng nhận tiêm chủng đối với du khách khi nhập cảnh hoặc đối với người tham gia các sự kiện trong nhà. Tuy nhiên, việc đeo khẩu trang vẫn bắt buộc tại hầu hết các địa điểm công cộng trong không gian kín.   

Bộ Y tế Hy Lạp thông báo từ ngày 5/3 sẽ không bắt buộc người dân đeo khẩu trang ở các khu vực ngoài trời nhưng vẫn khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang khi tập trung đông người.   

Kể từ ngày 1/3, Israel đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp xã hội trong phòng chống dịch COVID-19, bao gồm việc nới lỏng quy định đối với du khách nhập cảnh và quy định xét nghiệm đối với học sinh. Hồi tháng 2/2022, Israel đã bãi bỏ nhiều quy định khác về giãn cách xã hội, bao gồm Thẻ Xanh (giấy chứng nhận miễn dịch) và quy định về số lượng người tối đa trong các tụ điểm công cộng, trừ một số tụ điểm có nguy cơ cao. Quy định phổ biến nhất vẫn được duy trì là việc đeo khẩu trang bắt buộc trong không gian kín.      

Tại châu Á, Nhật Bản từ ngày 14/3 sẽ nới lỏng hơn nữa các biện pháp kiểm soát biên giới khi nâng số lượng người được phép nhập cảnh từ mức 5.000 người/ngày hiện nay lên 7.000 người/ngày. Trong giai đoạn này, Nhật Bản sẽ ưu tiên cấp phép nhập cảnh cho các sinh viên nước ngoài vì nhu cầu nhập cảnh của các doanh nhân không cao. Mặc dù nới lỏng kiểm soát biên giới nhưng ở trong nước, chính phủ Nhật Bản vẫn giữ quan điểm thận trọng về dịch COVID-19 khi quyết định gia hạn các biện pháp phòng dịch trọng điểm thêm hai tuần ở 18 trong tổng số 31 tỉnh/thành. Như vậy, các biện pháp phòng dịch trọng điểm sẽ hết hạn ở 13 tỉnh/thành vào ngày 6/3 tới, nhưng tiếp tục có hiệu lực ở 18 địa phương khác, trong đó có thủ đô Tokyo và tỉnh Osaka, cho tới ngày 21/3.   

Lào hôm 2/3 tiếp tục nới lỏng các quy định cấp phép nhập cảnh và ra mắt cổng thông tin thị thực trực tuyến chính thức, cho phép du khách nước ngoài và công dân Lào ở nước ngoài nộp đơn xin thị thực trực tuyến. Người đã được cấp thị thực có thể nhập cảnh Lào, xét nghiệm PCR tại chỗ và chờ không quá 48 giờ tại khách sạn chỉ định trước khi thực hiện tự theo dõi tại nhà trong 7 ngày. Tại Hàn Quốc, các trường từ cấp tiểu học đến trung học đã chính thức bắt đầu kỳ học mới, kỳ mùa Xuân, với việc mở cửa trở lại để dạy và học trực tiếp. Bộ Giáo dục Hàn Quốc khuyến cáo học sinh từ mẫu giáo đến trung học thực hiện các xét nghiệm kháng nguyên nhanh ở nhà trước khi đến trường với tần suất hai lần một tuần.         

Trong khi đó, Chile đã nối lại các lớp học bắt buộc trực tiếp từ ngày 2/3 đối với tất cả học sinh trong nước, đồng thời dỡ bỏ quy định số học sinh tối đa tham gia học tập tại mỗi lớp. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang ngoài trời; với không gian kín, người dân nước này sẽ không phải đeo khẩu trang nếu đảm bảo khoảng cách an toàn. Albania cũng bãi bỏ lệnh giới nghiêm, tuy nhiên vẫn thực hiện một số biện pháp phòng dịch như cách ly 5 ngày đối với người mắc COVID-19, đeo khẩu trang tại không gian kín, hạn chế số lượng người tập trung tại các địa điểm công cộng như sân vận động, rạp chiếu phim hay nhà hát ở mức 30%.          

Ở Ấn Độ - quốc gia ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao thứ hai thế giới sau Mỹ, các khu chợ ở bang Gujarat đã hoạt động trở lại sau một thời gian dài đóng cửa. Tương tự, những khu vực khác trên khắp Ấn Độ cũng có dấu hiệu dần trở lại nhịp sống bình thường trước đây. Các đường phố đông đúc khi người dân trở lại làm việc, trong khi các rạp chiếu phim ghi nhận số lượng khách tăng vọt.        

Cuộc đua thuốc và vaccine không ngừng nghỉ         

Ngoài việc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, trong nỗ lực bình thường hóa cuộc sống không thể thiếu sự xuất hiện của các loại thuốc và vaccine nhằm chống lại những biến thể mới của virus SARS-CoV-2.   

Hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) đã xúc tiến sản xuất thuốc Paxlovid - phương pháp điều trị COVID-19 mới - từ tháng 6/2021. Cuối năm 2021, Paxlovid bị hạn chế nguồn cung và hãng phải mất thêm nhiều tháng cho công tác sản xuất. Pfizer cho biết đang mở rộng sản xuất và kỳ vọng sẽ thu được lợi nhuận lớn trong vài tháng tới, đồng thời sẵn sàng ứng phó nếu tiếp tục xuất hiện làn sóng lây nhiễm mới của bệnh COVID-19. Paxlovid là loại thuốc dạng viên đầu tiên được cấp phép để điều trị COVID-19 tại Mỹ, được sản xuất ở khoảng 20 nhà máy tại hơn 10 quốc gia.

Chú thích ảnh
Thuốc Paxlovid điều trị COVID-19 của hãng Pfizer (Mỹ). Ảnh: AFP/TTXVN

Các công đoạn đầu để bào chế Paxlovid mất tới 3 tháng để thực hiện, trong đó một số phản ứng hóa học cần nhiều ngày để phát triển ở nhiệt độ và áp suất được kiểm soát. Sau đó, các thành phẩm của công đoạn này được chuyển đến một địa điểm khác, để tạo nên thành phần hoạt tính - thành phần chính của thuốc. Quá trình này sẽ kéo dài trong khoảng 3 tháng.

Tiếp đó, các thành phần hoạt tính được đưa tới nhà máy khác để nén thành dạng viên và đóng gói. Công đoạn này có thể mất 6 tuần và sau đó là 1 tuần để kiểm tra chất lượng và thử nghiệm. Trên thực tế, Pfizer đã cắt giảm thời gian sản xuất Paxlovid xuống trung bình chỉ còn khoảng 7 tháng, so với mốc 9 tháng ban đầu. Bên cạnh đó, hãng cũng đang triển khai thêm nhiều địa điểm sản xuất và đóng gói, phấn đấu tiếp tục cắt giảm thời gian sản xuất mà không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.         

Cũng tại Mỹ, kết quả thử nghiệm lâm sàng loại thuốc RHB-107 điều trị COVID-19 đường uống của hãng dược phẩm Redhill Biopharma Inc (Mỹ) cho thấy thuốc làm gián đoạn quá trình virus SARS-CoV-2 xâm nhập các tế bào vật chủ, từ đó giúp các bệnh nhân COVID-19 không bị chuyển nặng. Theo Redhill, RHB-107 của hãng có khả năng ngăn chặn hoạt động của các protein có tên gọi là enzyme thủy phân serine trong virus, vốn có chức năng chuẩn bị cho các protein gai của virus xâm nhập vào tế bào vật chủ và gây bệnh. Hiện Redhill đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên quy mô lớn hơn để cho đánh giá sâu hơn.   

Trên lĩnh vực vaccine phòng COVID-19, công ty công nghệ sinh học Moderna của Mỹ thông báo tháng 8/2022 (trước khi bước sang mùa Thu, thời điểm được cho là nhạy cảm với những người dễ bị tổn thương vì COVID-19), hãng có thể sẽ ra mắt loại vaccine đặc hiệu phòng ngừa biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 và được dùng để tiêm mũi tăng cường.

Hiện Moderna đang thu thập dữ liệu để so sánh hiệu quả của mũi tăng cường bằng vaccine đặc hiệu với mũi thứ ba bằng phiên bản vaccine hiện có. Hồi tháng 2/2022, Moderna đã bắt đầu giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đối với loại vaccine dùng làm mũi tăng cường được thiết kế đặc biệt để chống biến thể Omicron. Tuy nhiên, kết quả sơ bộ từ các cuộc thử nghiệm trên khỉ cho thấy hiệu quả bảo vệ của vaccine này có thể không cao hơn so với mũi thứ 3 của loại vaccine lưu hành hiện nay của hãng.         

Trong khi đó, công ty dược phẩm Afrigen của Nam Phi cho biết đã sử dụng trình tự đã được công bố của vaccine mRNA của hãng Moderna để bào chế phiên bản vaccine riêng ngừa COVID-19. Dự kiến, loại vaccine này sẽ được thử nghiệm lâm sàng trước cuối năm nay.

Đây sẽ là ứng viên vaccine đầu tiên trên thế giới được bào chế dựa trên một loại vaccine đã được sử dụng rộng rãi mà không có sự hỗ trợ hay cấp phép từ phía nhà phát triển. Đây cũng là loại vaccine sử dụng công nghệ mRNA đầu tiên được thiết kế, phát triển và sản xuất trong phạm vi phòng nghiên cứu ở châu Phi.         

Tại Cuba, Trung tâm Kỹ thuật Di truyền và Công nghệ Sinh học (CIGB) tái khẳng định quan tâm đến việc nộp đơn đề nghị Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt vaccine Abdala ngừa COVID-19 do cơ quan này nghiên cứu và phát triển. CIGB khẳng định những thành tựu mà Cuba gặt hái được trong lĩnh vực vaccine là nhờ vào hệ thống chính trị, sự thống nhất giữa các cơ quan nghiên cứu và kinh nghiệm khoa học tích lũy qua nhiều năm, đồng thời đảm bảo Cuba có đủ các thiết bị cần thiết và nguồn cung dự trữ để tập trung phát triển các dự án này.

Cuba được xem là “điểm sáng” về vaccine của Mỹ Latinh trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại khu vực này. Đây là quốc gia Mỹ Latinh duy nhất tự sản xuất vaccine ngừa COVID-19, với các vaccine Abdala, Soberana 02 và Soberana Plus, cùng 2 chế phẩm đang được thử nghiệm lâm sàng là Mambisa và Soberana 01.   

Ai Cập cũng đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng loại vaccine ngừa COVID-19 nội địa thứ 2 có tên gọi Egy-Vax, đồng thời lên kế hoạch sản xuất 1,6 triệu liều vaccine/ngày.

Minh Trà/TTXVN (tổng hợp)

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›