(Thethaovanhoa.vn) - Sử dụng thẻ thu phí không dừng cho xe hơi là trải nghiệm được chia sẻ sôi nổi nhất của các chủ xe hơi trong mùa Tết này.
Tính tiện lợi và an toàn của thẻ thu phí tự động hay thu phí không dừng (ETC - Electronic Toll Collection) - xe đi qua các trạm thu phí không cần dừng, mở cửa lấy vé và trả tiền, tránh tiếp xúc trực tiếp với bên ngoài, đặc biệt an toàn trong mùa Covid - giúp dịch vụ này ngày càng được nhiều chủ xe lựa chọn. Việc này còn giúp giảm nguy cơ ách tắc qua các trạm. Và đây cũng là một trong những lựa chọn bắt buộc của chủ sở hữu xe hơi trong tương lai. Gần nhất, từ 5/5/2022, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ trở thành cao tốc đầu tiên tại Việt Nam chỉ thu phí tự động không dừng và từ chối các xe không dán thẻ ETC, đồng nghĩa với việc nếu xe bạn không dán thẻ thu phí tự động mà muốn đi từ Hà Nội về Hải Phòng và ngược lại thì chỉ có thể đi quốc lộ 5 mà thôi. Tiến tới năm 2025, về cơ bản cổng thu phí tự động sẽ được phủ tại tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc và xoá bỏ các làn thu phí sử dụng tiền mặt.
Tuy nhiên, trong dịp du xuân vừa qua, không ít chủ xe mua thêm bực mình vào thân với thẻ thu phí tự động vì barie tại một số trạm không chịu mở dù xe đã dán thẻ và tài khoản dư tiền, hoặc mở với thẻ này mà không mở với thẻ khác!?
Hiện nay có 2 loại thẻ ETC đang được sử dụng là Etag do công ty TNHH thu phí tự động VETC quản lý, và ePass do công ty cổ phần giao thông số VDTC (thuộc Viettel) quản lý. Về lý thuyết, cả hai loại thẻ này (được dán trên kính hoặc đèn xe) có giá trị như sau khi qua trạm, tuy nhiên thực tế sử dụng chúng có một số điểm khác nhau mà người sử dụng cần lưu ý:
1. Để dán thẻ (lưu ý từ năm nay việc dán thẻ không còn miễn phí như trước mà phải trả phí 135.000 đồng/lần dán)
- eTag: Có thể dán tại trạm thu phí do VETC quản lý (hiện có 79 trạm, trạm đăng kiểm hoặc đại lý dán thẻ
- ePass: Có thể dán tại trạm thu phí do VDTC quản lý (35 trạm), tại các cửa hàng Viettel hoặc đăng ký dán thẻ trên trang web của ePass để được dán tại nhà.
Để dán 1 trong 2 loại thẻ này, khách hàng cá nhân cần chuẩn bị: bộ giấy tờ xe (đăng ký, đăng kiểm), CMND/CC công dân, nếu là xe công ty cần thêm giấy giới thiệu và giấy uỷ quyền mở tài khoản. Mỗi xe sẽ được cấp 1 tài khoản để nạp tiền và theo dõi biến động khi sử dụng.
2. Để thanh toán, nạp tiền và theo dõi biến động tài khoản
- eTag: bạn cần có một khoản tiền lớn hơn số tiền trả qua 1 trạm thu phí trong tài khoản. Để nạp thêm tiền có thể thực hiện trên app của VETC theo nhiều hình thức và có trả phí 0,7% - 1% khi nạp tiền. Để không mất khoản phí này, bạn có thể chọn cách chuyển khoản qua tài khoản của VETC ở ngân hàng BIDV (16010000000626) với nội dung thông tin: Biển số xe hoặc số tài khoản giao thông [cách] Tên khách hàng.
Để theo dõi biến động tài khoản, bạn có thể đăng ký nhận thông tin qua tin nhắn SMS có trả phí. Để tiết kiệm khoản này, bạn có thể theo dõi số dư tài khoản qua app, tuy nhiên hơi bất tiện. Nếu để tài khoản không đủ số dư khi qua trạm, hiện nay bạn có thể bị phạt nếu vẫn đi vào làn ETC.
- ePass: Nạp tiền vào tài khoản trên app tương tự như eTag. Song có thêm tiện ích là liên kết trực tiếp với thẻ ngân hàng hoặc ví Viettel Money nên chủ xe có thể không cần quan tâm nhiều tới việc duy trì một số tiền trong tài khoản.
3. Khi qua trạm
Dù là thẻ eTag hay ePass song hệ thống ETC trên hầu hết các trạm thu phí đều sử dụng công nghệ RFID (Radio Frequency Identification) - sử dụng sóng radio để nhận diện tự động xe thông qua thẻ định danh dán trên kính hoặc đèn xe nên không có sự khác biệt về giá trị sử dụng của hai loại thẻ này khi qua trạm. Sự cố hàng trăm xe, chủ yếu xe dán thẻ ePass không qua được làn tự động trong dịp Tết vừa qua, được xác định là lỗi kỹ thuật ở hệ thống của VETC. Cụ thể, ổ cứng bị đầy khiến hệ thống không lưu được đầu vào cho xe dán thẻ ePass, do đó đầu ra không có dữ liệu để tính phí và mở cho xe có dán thẻ ePass qua trạm (xe dán thẻ eTag của VETC không bị ảnh hưởng). Với số lượng xe dán thẻ ETC tăng mạnh trong thời gian tới (mục tiêu của Bộ GTVT tới tháng 6 năm nay tối thiểu 90% xe ô tô sẽ dán thẻ ETC để sử dụng dịch vụ thu phí không dừng), hệ thống kỹ thuật hạ tầng chắc chắn phải tăng tốc nâng cấp, mở rộng “làn” mới có thể đáp ứng hạn chế sự cố.
Ngoài ra, hệ thống cũng đang tồn tại một bất cập khác là trên 4 cao tốc gồm TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và cao tốc Bến Lức - Long Thành lại không sử dụng công nghệ RFID nói trên mà là công nghệ DSRC bắt buộc sử dụng OBU - On Board Unit gắn trên xe, tài khoản lưu trong thẻ IC, do đó hiện nay, trước khi việc thống nhất công nghệ hoàn tất, qua 4 cao tốc này cả hai loại thẻ eTag và ePass vẫn chưa thể phát huy tác dụng.
Phan Ka (tổng hợp)
- Từ quí 2/2022, mỗi trạm thu phí trên cả nước chỉ còn duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp. - Xe chưa dán thẻ, chưa nạp tiền vào tài khoản hoặc tài khoản không đủ tiền trả phí mà vẫn đi vào làn ETC lái xe sẽ bị phạt từ 1-2 triệu đồng, tước bằng lái 1-3 tháng. |