(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc bầu cử thượng viện Nhật Bản ngày 21/7 đã mang lại chiến thắng như dự báo đối với liên minh đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền và đảng Công minh, giành hơn 50% số ghế tại thượng viện (141 ghế trong số 245 ghế), nhưng không hội đủ đa số 2/3 số ghế cần thiết để thực hiện những tham vọng chính sách mà Thủ tướng Shinzo Abe đang theo đuổi, trong đó có việc sửa đổi Hiến pháp.
Ở chiều ngược lại, phe đối lập giành được tổng cộng 74 ghế, nâng tổng số ghế tại thượng viện lên 104 ghế. Riêng đảng Dân chủ Lập hiến Nhật Bản (CDPJ) - đảng đối lập chính - đã giành thêm 17 ghế, nâng tổng số ghế lên 32, tăng 8 ghế so với trước bầu cử.
Việc LDP tiếp tục nhận được sự ủng hộ lớn của cử tri, trong khi đảng Công minh giành được 14 ghế, tăng 3 ghế, cho thấy người dân Nhật Bản đã lựa chọn sự ổn định về chính trị, bởi cuộc bầu cử thượng viện luôn được coi là đợt “bỏ phiếu tín nhiệm” đối với đảng cầm quyền. Trong tình hình hiện nay, khi chính sách đối nội và đối ngoại của Nhật Bản đều đối diện với những thách thức mới, việc duy trì một chính phủ ổn định, liên tục là nhu cầu tất yếu. Điều đó đã phần nào giúp liên minh cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe vượt qua "cuộc kiểm tra toàn diện" lần này.
Bên cạnh đó, chiến thắng của liên minh cầm quyền cũng là minh chứng cho sự ghi nhận của cử tri đối với những thành tựu mà chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe đạt được. Kể từ khi ông Abe quay trở lại chiếc ghế thủ tướng vào năm 2012, ông đã lãnh đạo liên minh cầm quyền giành thắng lợi lớn trong 5 cuộc bầu cử quốc hội liên tiếp, trong đó có 3 cuộc bầu cử hạ viện và 2 cuộc bầu cử thượng viện. Hiện nội các của Thủ tướng Shinzo Abe vẫn đạt được tỷ lệ ủng hộ khá vững chắc. Chính sách kinh tế Abenomics đã đem lại chu kỳ tăng trưởng kinh tế kéo dài mà Chính phủ Nhật Bản khẳng định là dài nhất trong lịch sử thời hậu Chiến tranh Thế giới thứ Hai.
Chính sách đối ngoại chủ động và khôn khéo của Thủ tướng Shinzo Abe giúp Tokyo gia tăng uy tín và ảnh hưởng trên trường quốc tế. Phát biểu sau cuộc bầu cử, Thủ tướng Abe, người cũng đang giữ chức Chủ tịch LDP, khẳng định việc liên minh cầm quyền tiếp tục chiếm đa số ghế tại thượng viện đã trao cho ông quyền để thúc đẩy các chương trình nghị sự về chính trị và ngoại giao.
Tuy nhiên, việc liên minh cầm quyền không thể nắm chắc 2/3 số ghế cần thiết tại thượng viện để có thể thông qua sửa đổi Hiến pháp, cũng phản ứng thực tế rằng các cử tri chưa hoàn toàn hài lòng với tình hình chính trị hiện nay hay cũng như chưa ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp. Điều đó sẽ tạo ra những khó khăn cho chính phủ của Thủ tướng Abe trong thời gian tới.
Một trong những chính sách đối nội ưu tiên sẽ là vấn đề thuế tiêu dùng. Theo kế hoạch, ngày 1/10 tới, Chính phủ Nhật Bản sẽ tăng thuế tiêu dùng từ mức 8% hiện nay lên 10%, với mục đích tăng thu cho ngân sách, qua đó cải thiện cán cân thu-chi và giảm tỷ lệ nợ công/GDP hiện ở mức cao nhất trong số các nền kinh tế phát triển, trong bối cảnh các số liệu kinh tế mới nhất cho thấy đà tăng trưởng của nền kinh tế nước này vẫn bấp bênh do tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và sự tăng giá của đồng yên trong thời gian gần đây. Đây là một trong những kế hoạch mà liên minh cầm quyền quyết tâm theo đuổi, bởi theo Thủ tướng Abe, tăng thuế tiêu dùng là để đảm bảo nguồn thu ngân sách nhằm ứng phó với tỷ lệ sinh giảm và đảm bảo quỹ an sinh xã hội. Nhưng các đảng đối lập đều phản đối việc tăng thuế, nhận định hành động này sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế đất nước.
Với tâm lý "chiến thắng" đang lên khi giành thêm ghế tại thượng viện, CDPJ và các đảng đối lập khác chắc chắn sẽ cản trở Thủ tướng Abe thực hiện kế hoạch này. Phát biểu sau cuộc bầu cử, ông Yukio Edano, Chủ tịch CDPJ, tuyên bố rằng "một số lượng đáng kể cử tri đã nói không với việc tăng thuế", vì vậy, đảng này sẽ xúc tiến các cuộc thảo luận tại quốc hội về tình hình kinh tế hiện nay, về cơ cấu tổng thể của hệ thống thuế cũng như việc làm thế nào để sử dụng nguồn thu từ thuế cho hệ thống an sinh xã hội.
Mặc dù vậy, với việc tiếp tục chiếm đa số ghế tại thượng viện, liên minh cầm quyền có thể sẽ không gặp nhiều khó khăn trong thực hiện kế hoạch tăng thuế tiêu dùng, bất chấp sự phản đối của phe đối lập. Tuy nhiên, LDP có thể sẽ phải đối mặt với vô vàn thách thức khi theo đuổi mục tiêu sửa đổi Hiến pháp.
Sau cuộc bầu cử thượng viện, phe ủng hộ kế hoạch sửa đổi Hiến pháp mà Thủ tướng Abe đặt mục tiêu hoàn thành vào năm 2020, bao gồm liên minh cầm quyền, đảng Duy tân Nhật Bản (JIP) và một số nghị sỹ độc lập, chiếm 160 ghế thượng viện, thiếu 4 ghế mới đủ 2/3 số ghế cần thiết để kế hoạch này có thể được thông qua. Tất nhiên, 4 ghế là một con số không lớn, nhưng điều quan trọng là bản thân đảng Công minh - đối tác của LDP trong liên minh cầm quyền - cũng không mặn mà với kế hoạch này. Một số nhà phân tích cho rằng dù có thêm sự ủng hộ của JIP tại thượng viện, liên minh cầm quyền có thể cũng không hội đủ 2/3 số phiếu cần thiết, và Thủ tướng Abe sẽ phải xây dựng một liên minh về sửa đổi Hiến pháp bao gồm cả số nghị sỹ của các đảng đối lập, trong đó có các nghị sỹ của đảng Dân chủ vì nhân dân (DPFP) hiện giữ 21 ghế thượng viện. Theo Giáo sư Masahiro Iwasaki của Đại học Nihon, Thủ tướng Abe có thể sẽ xây dựng lộ trình để hướng tới việc sửa đổi Hiến pháp, nhưng để nhận được sự tán thành từ quốc hội sẽ không hề dễ dàng chứ chưa nói gì đến công chúng.
Về chính sách đối ngoại, giới chuyên gia cho rằng do chính quyền Nhật Bản không có nhiều biến động chính sách đối ngoại cũng sẽ không có sự thay đổi lớn. Trong thời gian tới, Thủ tướng Abe sẽ tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực đạt được thỏa thuận thương mại mới với Mỹ, cải thiện quan hệ với Trung Quốc, tạo ra bước đột phá trong các cuộc thương lượng với Nga về một hiệp ước hòa bình và dàn xếp cuộc gặp trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Nếu hai nhiệm vụ đối ngoại với Mỹ và Trung Quốc được đánh giá là có thể hoàn thành, thì việc đạt được thỏa thuận hòa bình với Nga và tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh Nhật-Triều sẽ rất khó khăn. Các cuộc thương lượng về hiệp ước hòa bình với Nga vẫn đang bế tắc, trong khi tình hình bán đảo Triều Tiên dù được cải thiện vẫn chưa thể tạo đà cho một nỗ lực ngoại giao để cải thiện quan hệ giữa Nhật Bản với Triều Tiên. Ngoài ra, trong ngắn hạn, trước mắt Thủ tướng Abe phải đương đầu với việc xử lý quan hệ với Hàn Quốc, vốn đang căng thẳng do các vấn đề lịch sử và các biện pháp siết chặt quản lý xuất khẩu của Tokyo đối với ba nguyên liệu quan trọng cho ngành công nghiệp Hàn Quốc.
Có thể nói kết quả cuộc bầu cử thượng viện lần này cho thấy chính quyền của Thủ tướng Abe đã một lần nữa "vượt ải" cuộc sát hạch lòng tin của cử tri, nhưng có vẻ lòng tin này đã phần nào bị mai một sau những diễn biến bất lợi cả trong và ngoài nước thời gian qua. Trọng trách nặng nề của ông Abe là đưa Nhật Bản vượt qua các thách thức đối nội và đối ngoại hiện nay nếu muốn khôi phục lại lòng tin của cử tri.
Đào Tùng - Phóng viên TTXVN tại Nhật Bản
Tags