(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 15/7, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Tp. Hồ Chí Minh tổ chức thông xe nhánh hầm N2 tại nút giao thông An Sương. Việc thông xe cả hai nhánh hầm, các công trình chính của nút giao thông An Sương cơ bản hoàn thành giúp giải tỏa áp lực giao thông khu vực cửa ngõ Tây Bắc của Tp. Hồ Chí Minh.
Hầm chui tại nút giao thông An Sương là dự án trọng điểm của thành phố. Đây nơi giao nhau giữa hai tuyến đường huyết mạch là trục đường Quốc lộ 1 và Quốc lộ 22 (đường Xuyên Á) với mật độ lưu thông rất lớn, đặc biệt có nhiều xe tải nặng, container đi qua nên được xác định là điểm đen về tai nạn giao thông trong nhiều năm qua.
Dự án được Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh phê duyệt năm 2015 và khởi công xây dựng từ tháng 1/2017. Với tổng mức đầu tư khoảng 514 tỷ đồng, dự án có quy mô xây dựng hầm chui đôi nối đường Trường Chinh và Quốc lộ 22, mỗi hướng một hầm, mỗi hầm rộng 9m (đáp ứng hai làn xe). Tổng chiều dài 2 hầm là 830m; trong đó, phần hầm kín dài 250m, phần hầm hở dài 580m.
Nhánh N1, hướng từ trung tâm Tp. Hồ Chí Minh đi huyện Củ Chi dài 445m khởi công từ tháng 3/2017 và thông xe vào tháng 3/2018. Sau khi thông xe nhánh hầm này đã giải quyết tốt giao thông hướng từ đường Trường Chinh và QL22.
Trong khi đó, nhánh N2, hướng từ huyện Củ Chi đi trung tâm thành phố, dài 385m, thi công xong 11/18 đốt hầm từ tháng 12/2018, sau đó phải tạm ngưng chờ giải phóng mặt bằng. Sau khi bàn giao mặt bằng và hoàn thành di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, đầu năm 2020, dự án mới triển khai thi công các đốt hầm còn lại (gồm 1 đốt hầm kín và 6 đốt hầm hở).
Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Tp. Hồ Chí Minh, nhánh hầm N2 của nút giao thông An Sương đã cơ bản hoàn thành tất cả hạng mục chính. Một số hạng mục khác như cải tạo vỉa hè, mảng xanh, hoàn thiện mặt đường khu vực vòng xoay An Sương (phía trên đỉnh hầm)... sẽ được các đơn vị hoàn thành trong tháng 9/2020.
Khi hoàn thành, An Sương sẽ là nút giao thông 3 tầng với tầng hầm cho xe lưu thông theo hướng từ đường Trường Chinh qua Quốc lộ 22 và ngược lại; tầng trên mặt bằng nút giao có đảo tròn trung tâm, kết hợp hệ thống đèn tín hiệu giao thông cho các xe đi vào vòng xuyến rẽ trái, rẽ phải về các hướng; tầng trên cùng là cầu vượt cho xe đi thẳng theo hướng Quốc lộ 1. Khu vực này sẽ giảm giao cắt giữa các luồng xe trong nút, giúp tình hình giao thông ổn định.
Trong 5 năm tới, để tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống giao thông ở khu vực cửa ngõ Tây Bắc, tăng cường năng lực giao thông kết nối liên vùng, Tp. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục triển khai các dự án như cải tạo Quốc lộ 22, xây cầu vượt ở giao lộ Quốc lộ 22 - Nguyễn Ảnh Thủ, giao lộ Quốc lộ 22 - Nguyễn Văn Bứa, đường song hành Phan Văn Hớn và đặc biệt là tuyến cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Mộc Bài…
Tiến Lực/TTXVN
Tags