|
* Có nhiều ý kiến cho rằng, kinh doanh bất động sản đang ngày càng khó khăn, thời gian quay vòng vốn chậm nên đánh thuế 25% sẽ khiến doanh nghiệp không có lãi, thưa ông?
Vẫn biết rằng, đây là loại thuế đánh vào lợi nhuận và trên thực tế lợi nhuận cũng không đơn giản là lấy giá bán trừ giá mua mà bất kể doanh nghiệp hay tư nhân đầu tư vào bất động sản cũng mất chi phí, lãi suất vay vốn…
Tuy nhiên, theo tôi mức 25% là hợp lý, thậm chí có nhiều ý kiến cho rằng nên đánh mức cao hơn nữa, bởi về lý thuyết thì doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh bất động sản vẫn có lãi tới 75%.
* Nhưng đối với những chuyển nhượng không có mục đích kinh doanh thì như thế vẫn là quá cao?
Tôi cũng đã từng đề cập đến vấn đề này bởi đây là vấn đề khó. Hiện Nhà nước chủ trương cho phép người dân lựa chọn một trong 2 cách nộp thuế, hoặc là 2%/giá trị hợp đồng chuyển nhượng hoặc 25%/ phần chênh lệch giữa giá gốc và giá bán. Tuy nhiên, theo tôi, trong trường hợp ở nước ta mua bán không minh bạch, thanh toán bằng tiền mặt, chi phí không rõ ràng thì tốt nhất thu theo doanh thu (2%), còn 2% đó cao hay thấp thì phải bàn tiếp, có nghiên cứu thích hợp.
Trước đây Bộ Xây dựng cũng đã từng đề nghị đánh thuế giao dịch mua đi bán lại ở mức thấp nhằm khuyến khích doanh nghiệp và người dân giao dịch chính thống.
Nhưng hiện nay, hoạt động đầu tư kinh doanh, đầu cơ bất động sản đang ngày càng tăng nên đó sẽ là nguồn thu lớn, ổn định và lâu dài của Nhà nước nên cần phải đánh thuế ở mức có thể hạn chế đầu cơ, đồng thời điều tiết thu nhập giữa người giàu và người nghèo. Còn giao dịch không có mục đích đầu tư, kinh doanh nên đánh ở mức thấp.
* Còn chuyện xác định lãi và chi phí như thế nào là vấn đề không hề đơn giản và có thể nảy sinh tiêu cực, thưa ông?
Tôi cho rằng, doanh nghiệp thì khó làm sai lệch giá, nhưng giao dịch cá nhân rất dễ nảy sinh tiêu cực vì chúng ta giao dịch tiền mặt. Ở các nước người ta giao dịch 100% qua ngân hàng nên cá nhân cũng không khai sai được.
Hiện nay, nếu xác định qua giao dịch tiền mặt rất khó, nên phương án đánh thuế giá trị sẽ hạn chế được tình trạng xin cho, nếu đánh trên lợi nhuận thì có thể dễ dẫn đến tiêu cực. Chẳng hạn, nhân viên thuế có thể đồng ý khoản này là chi phí, nhưng nếu “xin – cho” thì cũng cho nó thành chi phí để được khấu trừ.
Còn khi điều tiết % giá trị chuyển nhượng nó chỉ có một mức nên không xin cho được.
* Có nhiều ý kiến cho rằng, chủ trương đánh thuế chuyển nhượng đối với cả những hợp đồng góp vốn vô tình đã khuyến khích cho việc “bán nhà trên giấy” phát triển?
Trước hết cần khẳng định, việc thu thuế là không sai vì hoạt động góp vốn của cá nhân thực chất là một hoạt động kinh doanh, khi chuyển nhượng lại phần vốn góp có phát sinh lợi nhuận thì phải nộp thuế.
Bên cạnh đó, hiện chúng ta quy định là tất cả các giao dịch bất động sản của doanh nghiệp phải qua sàn nhằm đảm bảo lợi ích cho khách hàng. Tuy nhiên, quy định này có một phần có thể chưa thỏa đáng đối với các doanh nghiệp. Thứ nhất, họ làm dự án nên họ có đối tác chiến lược góp vốn là hợp pháp và cần thiết.
Những người góp vốn được quyền ưu tiên mua bất động sản là chính đáng nhưng chúng ta vẫn bắt buộc bán qua sàn 100%.
Do đó, có thể chúng tôi sẽ điều chỉnh theo hướng cho phép một tỷ lệ nào đó 50/50 hay 30/70 dành quyền chủ động trực tiếp cho nhà đầu tư có thể bán trực tiếp không qua sàn, còn lại là phải bắt buộc qua sàn.
* Vậy, theo ông, việc đánh thuế này có hạn chế được tình trạng đầu cơ nhà, đất không?
Để hạn chế đầu cơ, chúng tôi đã có chủ trương đánh thuế lũy tiến trong quy định của Luật thuế nhà, đất. Tuy nhiên, chúng tôi xác định đây là vấn đề khá nhạy cảm và phức tạp, trong khi chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm. Luật thuế này sẽ đụng chạm đến 100% người dân bởi ai cũng có nhà đất.
Còn việc áp thuế chuyển nhượng ở một mức độ nào đấy cũng góp phần hạn chế đầu cơ, bởi nếu sau khi phải nộp thuế mà không có lãi nữa thì người ta cũng không muốn đầu cơ làm gì.