(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9h ngày 6/2 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 393.663.996 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.752.505 ca tử vong. Số ca bình phục là 312.796.540 ca. Hiện có 91.171 ca trong tình trạng nguy kịch.
Do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 lây lan mạnh và hầu hết bệnh nhân COVID-19 tử vong đều là người cao tuổi, Indonesia quyết định hạn chế người cao tuổi ra khỏi nhà. Theo đó, chính quyền nước này yêu cầu người dân từ 60 tuổi trở lên mắc các bệnh nền và chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 không được ra khỏi nhà trong tháng tới.
Đối với những trường hợp có biểu hiện nhẹ nên tự cách ly và điều trị tại nhà, nhưng những bệnh nhân thuộc nhóm người cao tuổi cần được đưa ngay đến bệnh viện hoặc khu cách ly tập trung. Theo thông báo ngày 5/2 của Bộ Y tế Indonesia, nước này ghi nhận thêm 33.729 ca nhiễm mới, tăng 6.595 ca so với một ngày trước đó, nâng tổng số ca bệnh từ đầu dịch đến nay lên 4.480.423 ca. Số người tử vong đã tăng thêm 44 ca, nâng tổng số bệnh nhân tử vong lên 144.497 ca.
Ngày 5/2, Singapore ghi nhận 10.390 ca nhiễm mới và 2 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh và tử vong trên cả nước lên lần lượt là 390.071 ca và 868 ca. Trong số những ca mắc COVID-19 có 1.068 trường hợp phải nằm viện, trong đó 23 ca phải chăm sóc tích cực.
Tại Hàn Quốc, số ca mắc COVID-19 đã vượt quá 1 triệu người, lên 1.009.688 ca sau khi có thêm 38.691 ca nhiễm mới ghi nhận trong 24 giờ qua - tính đến sáng ngày 6/2, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước đến nay ở nước này. Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới tăng vọt trong thời gian gần đây là do biến thể Omicron. Tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Hàn Quốc hiện tăng lên 6.873 sau khi có thêm 15 người không qua khỏi trong 24 giờ qua.
Trong khi đó, tại Nga, nhà chức trách nước này đã bãi bỏ quy định cách ly 14 ngày đối với những người tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19, còn gọi là F1. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 6/2.
Tuy nhiên, việc dỡ bỏ quy định cách ly đối với F1 cũng áp dụng cho những người đã bị cách ly trước khi văn bản có hiệu lực do đặc tính của biến thể Omicron có tốc độ lây nhiễm nhanh và một số lượng lớn người mang mầm bệnh không có triệu chứng. Mặc dù vậy, các biện pháp dịch tễ học sẽ thay đổi nếu xuất hiện biến thể khác của virus SARS-CoV-2.
- Biến thể 'Omicron tàng hình' xuất hiện ở nhiều quốc gia châu Phi
- WHO: 'Omicron tàng hình' đã xuất hiện tại 57 quốc gia
- Biến thể phụ BA.2 có thể lây nhanh gấp 1,5 lần Omicron
Tổng số ca mắc COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát tại Áo đến nay đã vượt 2 triệu người sau khi ghi nhận thêm 32.258 ca nhiễm mới vào ngày 5/2. Gần đây, Áo đã chứng kiến sự gia tăng số ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron. Số ca mắc hằng ngày ở nước này dao động khoảng 30.000 trường hợp trong 2 tuần qua.
Ngày 5/2 cũng là thời điểm chính sách tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 bắt buộc đối với tất cả người trưởng thành của Áo chính thức có hiệu lực. Nếu không tuân thủ, người dân có thể bị phạt. Tính đến ngày 4/2, 75,7% dân số Áo đã tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19.
Ngày 5/2, Italy ghi nhận 93.157 ca nhiễm mới và 375 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong vì COVID-19 lên lần lượt là 11,54 triệu ca và 148.542 ca.
Cùng ngày 5/2, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận 98.715 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 12.150.567. Nước này cũng có thêm 221 ca tử vong, đưa tổng số người không qua khỏi lên 88.533 người. Đến nay, hơn 57,48 triệu người ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tiêm ít nhất 1 liều vaccine, trong đó khoảng 52,5 triệu người đã tiêm 2 liều.
Ở châu Mỹ, Brazil ghi nhận 197.442 ca nhiễm mới và 1.308 ca tử vong, số người không qua khỏi vì COVID-19 trong một ngày cao nhất kể từ tháng 7/2021.
TTXVN
Tags