(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 5/4 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 492.277.254 ca mắc COVID-19 và 6.178.400 ca tử vong. Số ca hồi phục là 427.480.187 ca.
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 685.814 ca mắc và 2.248 ca tử vong. Hàn Quốc là quốc gia có số ca mắc mới cao nhất trên thế giới, với 127.190 ca, trong khi Nga đứng đầu về số ca tử vong, với 280 ca.
Trong bối cảnh số ca nhiễm mới trên toàn thế giới giảm đáng kể, nhiều nước trong đó có Nam Phi, Uruguay đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vốn được áp đặt cách đây hơn 2 năm nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19.
Cụ thể, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tuyên bố bãi bỏ tình trạng thảm họa trên toàn quốc kể từ 0h ngày 5/4. Trong thông điệp quốc gia được phát sóng trực tiếp, Tổng thống Ramaphosa cho biết việc ban bố tình trạng thảm họa vào tháng 3/2020 và các quy định phong tỏa, giãn cách xã hội đi kèm là hết sức cần thiết để phòng, chống sự lây lan của đại dịch COVID-19 một cách hiệu quả. Tuy nhiên, những quy định này “là tạm thời và có thời hạn” và chỉ nên được duy trì khi cần thiết.
Tổng thống Nam Phi nhấn mạnh tình hình hiện nay không còn đòi hỏi nước này phải duy trì thêm tình trạng thảm họa trên toàn quốc. Ông lưu ý người dân dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt, nên một số biện pháp phòng ngừa dịch bệnh trong thời gian chuyển tiếp sẽ được duy trì trong 30 ngày trước khi tự động không còn hiệu lực.
Trong khi đó, Tổng thống Uruguay Luis Lacalle Pou cũng thông báo chính phủ nước này đã quyết định dỡ bỏ lệnh tình trạng khẩn cấp được ban bố từ giữa tháng 3/2020 do đại dịch COVID-19 bùng phát.
Phát biểu trên Twitter, Tổng thống Uruguay cho biết ông sẽ ký sắc lệnh dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trong vài ngày tới. Với quyết định dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, việc đeo khẩu trang khi ở trong không gian kín sẽ là khuyến nghị chứ không còn là yêu cầu bắt buộc nữa. Ngoài ra, Chính phủ Uruguay sẽ chỉ thông báo số ca mắc và tử vong do COVID-19 theo tuần thay vì công bố hằng ngày như trước.
Bắt đầu từ ngày 1/4, Uruguay đã quyết định nới lỏng hạn chế y tế đối với du khách quốc tế đến nước này thông qua việc chấm dứt yêu cầu du khách nhập cảnh phải trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính với virus SARS-CoV-2 cũng như thực hiện khai báo y tế đầy đủ. Du khách quốc tế tới quốc gia Nam Mỹ này chỉ cần có giấy chứng nhận đã tiêm đủ liều cơ bản vaccine ngừa COVID-19.
Giới chức Israel khẳng định nước này sắp trở lại trạng thái bình thường do các chỉ số về dịch COVID-19 liên tục ghi nhận những dấu hiệu tích cực. Dữ liệu về dịch COVID-19 công bố ngày 4/4 cho thấy hệ số lây nhiễm tại Israel đã giảm xuống dưới 1 lần đầu tiên trong 2 tuần. Số bệnh nhân nặng cũng đã giảm xuống còn 254 trường hợp, mức thấp nhất trong 3 tháng.
Tại Nhật Bản, dù ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, song Chính phủ nước này vẫn khá thận trọng trước nguy cơ dịch có thể tái bùng phát.
Phát biểu tại họp báo sau hội nghị của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết tình hình dịch bệnh COVID-19 xuất hiện diễn biến mới, xu hướng giảm số ca mắc mới đã chững lại trong khi một số địa phương có số ca tăng dần trở lại. Người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo cân bằng giữa kiểm soát dịch bệnh và phục hồi các hoạt động kinh tế-xã hội tùy theo tình hình của từng địa phương.
- Tỷ lệ tử vong vì Covid-19 tại Mỹ ở người nghèo cao gần gấp đôi so với người giàu
- Tác động của Covid-19 đối với chức năng phổi của người trẻ
- Thế giới trên 491 triệu ca mắc Covid-19 trong đó hơn 6,1 triệu ca tử vong
Hiệp hội Thống đốc quốc gia Nhật Bản cũng đã họp trực tuyến với Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi Shigeyuki Goto để thảo luận các biện pháp cụ thể ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 tái bùng phát.
Ông Hirai Shinji, Thống đốc tỉnh Tottori kiêm Chủ tịch Hiệp hội Thống đốc quốc gia, kiến nghị chính phủ cần công bố một chiến lược cụ thể nhằm đảm bảo hỗ trợ kịp thời và linh hoạt cho các địa phương, trong đó xác định lộ trình của việc tiêm vaccine mũi bổ sung thứ 4 cũng như đảm bảo nguồn cung vaccine mũi thứ 3 cho đối tượng từ 12-17 tuổi. Một số ý kiến bày tỏ lo ngại sẽ bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ 7 khi Nhật Bản bước vào kỳ nghỉ dài cuối tháng 4 đầu tháng 5 sắp tới, còn gọi là “Tuần lễ Vàng”.
Ngọc Hà/TTXVN
Tags