Tuyển sinh đại học 2022: Thí sinh cẩn trọng khi lựa chọn phương thức xét tuyển

Thứ Bảy, 23/07/2022 15:09 GMT+7

Google News

Từ ngày 22/7-20/8 là khoảng thời gian các thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2022. Điểm mới năm nay là dù xét tuyển bằng hình thức nào thì tất cả các nguyện vọng đều được đăng ký lên hệ thống chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo để lọc ảo chung.

Tuyển sinh đại học năm 2022: Các mốc thời gian thí sinh cần lưu ý

Tuyển sinh đại học năm 2022: Các mốc thời gian thí sinh cần lưu ý

Thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh của các cơ sở đào tạo (CSĐT) trên đề án tuyển sinh của CSĐT và thực hiện các quy định của CSĐT về điều kiện, hồ sơ, quy trình, thời gian dự tuyển.

Các trường đại học không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm. Cùng với đó, sau khi biết điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông mới phải đăng ký nguyện vọng sẽ tạo thuận lợi hơn cho thí sinh. Tuy nhiên, chỉ tiêu xét tuyển từ  điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông có xu hướng giảm mạnh và tăng ở những phương thức tuyển sinh khác. Đây là điều mà thí sinh cần đặc biệt lưu tâm trong cuộc đua vào đại học.

Tăng chỉ tiêu tuyển sinh riêng

Năm nay, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội dành 30% chỉ tiêu để xét tuyển bằng kỳ thi đánh giá tư duy. Vì thế, cơ hội trúng tuyển cho thí sinh xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông vào trường này cũng giảm mạnh chỉ còn 20-30%.  

Ông Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội từ lâu đã mong muốn chủ động tạo ra một chuẩn đầu vào mà không phụ thuộc quá nhiều vào kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông hiện nay. Các thí sinh được chọn lựa qua kỳ thi riêng thì hoàn toàn yên tâm các em sẽ đủ năng lực học tập, đáp ứng yêu cầu khắt khe của nhà trường.

Tuy nhiên, năm 2022, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn tạo cơ hội cho thí sinh xét tuyển bằng các phương thức khác. Vì vậy, lời khuyên cho các thí sinh đó là sau khi biết kết quả từ kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, từ các kỳ thi đánh giá năng lực – tư duy, các em có thể cân nhắc lựa chọn phương thức xét tuyển nào là lợi thế.  

Chú thích ảnh
Thí sinh tới địa điểm thi tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội tham gia kỳ thi đánh giá tư duy. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Trong khi chờ đợi xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông (chiếm 50% chỉ tiêu) thì Trường Đại học Hà Nội đã tiến hành xét tuyển với phương thức xét kết hợp theo quy định của trường – xét từ các chứng chỉ ngoại ngữ, các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, học sinh các lớp chuyên, lớp song ngữ của các Trường Trung học Phổ thông chuyên… (45% chỉ tiêu). Dù nhiều em đủ điều kiện trúng tuyển với phương thức này nhưng trường vẫn phải chờ sau khi lọc ảo mới công bố kết quả.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội cho rằng, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc việc lọc ảo chung là rất phù hợp, đảm bảo tính công bằng giữa các trường. Thí sinh không phải phân vân lựa chọn việc xác nhận trúng tuyển ở trường A hay trường B… khi các trường có các mốc thời gian xét tuyển sớm khác nhau như trước đây. Đến hiện tại, tất cả thí sinh khi đăng ký ở các hình thức khác nhau, các trường khác nhau đều có cùng một khoảng thời gian để chốt đăng ký nguyện vọng của mình lên hệ thống lọc ảo chung của Bộ. Điều đó cho phép thí sinh có cùng thời điểm để suy nghĩ, cân nhắc lựa chọn của mình.

Ông Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh: Việc lọc ảo cũng tốt cho các trường vì khi áp dụng đồng bộ, các trường sẽ tính toán được chính xác nhất số lượng thí sinh đăng ký vào trường mình theo các phương thức xét tuyển khác nhau. Ví dụ như năm trước, do hình thức xét tuyển kết hợp được tiến hành trước nên tỷ lệ ảo cao, thí sinh trúng tuyển vào nhiều trường nhưng sau đó lại thay đổi nguyện vọng. Nhưng năm nay các trường sẽ xét tuyển cùng thời điểm, sử dụng chung một cơ sở dữ liệu.

Dành lời khuyên cho các thí sinh khi đăng ký xét tuyển, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội lưu ý: Các em nên cân nhắc thật kỹ khi sắp xếp các nguyện vọng. Nguyện vọng 1 nên là nguyện vọng đảm bảo cho mình cơ hội đỗ vào trường đại học cao nhất và đó là ngành, trường mà mình mong muốn, yêu thích nhất. Các nguyện vọng khác theo mức độ giảm dần, tương ứng với sự yêu thích, hài lòng cũng như sở trường của bản thân đối với ngành học đó.

Năm nay, mỗi phương thức, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều quy định một mã để đăng ký xét tuyển. Các trường đều gắn mã này cho từng đối tượng xét tuyển theo từng phương thức. Vì vậy, thí sinh cần đặc biệt lưu ý sử dụng chính xác mã phương thức để đăng ký.

Chú thích ảnh
Thí sinh tham gia Kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm

Trước việc một số trường đại học yêu cầu thí sinh phải cam kết đặt nguyện vọng đã trúng tuyển làm nguyện vọng 1, thậm chí bắt thí sinh nộp tiền đặt cọc để xác nhận nhập học sớm, bà Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, đây là việc làm vi phạm các nguyên tắc quy định trong Quy chế tuyển sinh 2022.

Cụ thể, nguyên tắc công bằng đối với thí sinh được quy định trong Điều 4, Quy chế: Về cung cấp thông tin, mỗi thí sinh quan tâm được cung cấp thông tin đầy đủ, rõ ràng, tin cậy, nhất quán và kịp thời để có quyết định phù hợp và chuẩn bị tốt nhất cho việc tham gia tuyển sinh.

Về cơ hội dự tuyển, không thí sinh nào bị mất cơ hội dự tuyển do những quy định không liên quan tới trình độ, năng lực (trừ những quy định của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng mang tính đặc thù trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh); hoặc do quy trình tuyển sinh gây phiền hà, tốn kém.

Về đánh giá năng lực, thí sinh phải được đánh giá khách quan, công bằng và tin cậy về khả năng học tập và triển vọng thành công, đáp ứng yêu cầu của chương trình và ngành đào tạo.

Về cơ hội trúng tuyển, thí sinh phải được tạo cơ hội trúng tuyển cao nhất và quyền xác định nguyện vọng ưu tiên trong số những chương trình, ngành đào tạo đủ điều kiện trúng tuyển.

Về thực hiện cam kết, cơ sở đào tạo phải thực hiện các cam kết đối với thí sinh; tư vấn, hỗ trợ và giải quyết khiếu nại, bảo vệ quyền lợi chính đáng của thí sinh trong những trường hợp rủi ro.

Khoản 2, 3, Điều 18 Quy chế đã quy định: Cơ sở đào tạo tổ chức xét tuyển cho những thí sinh đã hoàn thành thủ tục dự tuyển, nhưng không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm hơn lịch trình theo kế hoạch chung.

Trường hợp thí sinh đã được cơ sở đào tạo thông báo đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp Trung hoc Phổ thông) một nguyện vọng nhất định, thí sinh tự quyết định việc đặt thứ tự ưu tiên nguyện vọng khi đăng ký trên hệ thống (tùy thuộc thí sinh muốn được công nhận trúng tuyển nguyện vọng đó hay muốn mở rộng cơ hội trúng tuyển nguyện vọng khác).

Ngoài ra, Công văn 2598/BGDĐT-GDĐH ngày 20/6/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã yêu cầu các trường không được yêu cầu hoặc thỏa thuận với thí sinh việc cam kết, xác nhận nhập học sớm dưới bất kỳ hình thức nào (nộp kinh phí giữ chỗ, thu giữ các hồ sơ…).

Bà Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh: Nếu các cơ sở giáo dục vi phạm các quy định của Quy chế tuyển sinh và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có thể áp dụng các hình thức xử lý, xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 04/2021/NĐ-CP. Các thông tin phụ huynh và thí sinh có thể phản ánh tới Bộ Giáo dục và Đào tạo để kiểm tra và xử lý theo quy định của pháp luật (nếu có).

Ngoài trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo thì các Sở Giáo dục và Đào tạo tại các địa phương cũng có thể hỗ trợ thí sinh để có được thông tin đầy đủ, phối hợp với các trường để giải quyết các vướng mắc của thí sinh.

Thí sinh cần nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của các trường để có thông tin đăng ký xét tuyển. Khi đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển trên Hệ thống phải thực hiện đúng, đủ, hết quy trình theo hướng dẫn và nộp lệ phí theo quy định. Đặc biệt, các thí sinh lưu ý không nhầm lẫn thông tin đăng ký xét tuyển: mã trường, mã ngành, mã phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển… Với những thí sinh trúng tuyển có điều kiện, phải được đăng ký nguyện vọng chính xác trên hệ thống để không làm mất cơ hội trúng tuyển.

Việt Hà/TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›