(Thethaovanhoa.vn) - Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, trong khuôn khổ phiên họp lần thứ 41 của Đại Hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), tối 12/11, lễ kỷ niệm 75 năm chính thức đi vào hoạt động của tổ chức này đã diễn ra trọng thể tại trụ sở UNESCO ở thủ đô Paris, với sự hiện diện của lãnh đạo và quan chức chính phủ của các nước thành viên.
Phái đoàn Việt Nam do ông Mai Phan Dũng, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO - Bộ Ngoại giao, dẫn đầu đã tham dự sự kiện.
Trong thông điệp nhân dịp này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã ca ngợi vai trò của UNESCO trong việc thúc đẩy đối thoại và sự hiểu biết lẫn nhau trên thế giới.
Ông nêu rõ: "Vào thời điểm trên thế giới còn tồn tại sự bất bình đẳng, khủng hoảng môi trường, sự phân cực và đại dịch toàn cầu, vai trò của UNESCO càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong khôi phục lòng tin và sự đoàn kết, đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục nhiều hơn cho tất cả mọi người, thúc đẩy sự đa dạng văn hóa và tiến bộ công nghệ vì lợi ích lớn hơn".
Tổng Thư ký Guterres nêu rõ công việc mà UNESCO thực hiện đã chứng minh tầm quan trọng của cơ quan này trong một thế giới đa cực có tính bao trùm và hiệu quả hơn, mang lại lợi ích cụ thể cho mọi người dân trên toàn thế giới.
- UNESCO gây quỹ phục hồi Beirut về văn hóa, di sản và giáo dục
- UNESCO tổ chức cuộc thi ảnh về đa dạng văn hóa
Bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc vừa tái đắc cử của UNESCO, nhấn mạnh cơ quan thuộc LHQ này được thành lập "dựa trên niềm tin mạnh mẽ ... rằng hòa bình cần được thiết lập trên nền tảng của sự đoàn kết về trí tuệ và đạo đức của nhân loại." Bà nhấn mạnh tới vai trò của UNESCO, lưu ý rằng tổ chức này đóng vai trò là một "công cụ thiết yếu" trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Được thành lập vào tháng 11/1945 và chính thức đi vào hoạt động năm 1946, UNESCO là một trong những tổ chức chuyên môn lớn nhất của LHQ, có nhiệm vụ thắt chặt sự hợp tác giữa các nước trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học và văn hóa nhằm đảm bảo hòa bình và tôn trọng công lý, luật pháp, nhân quyền và tự do cơ bản cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, theo tinh thần Công ước của tổ chức này.
Hiện UNESCO có 193 quốc gia thành viên và 11 thành viên liên kết. Ngoài trụ sở chính tại Paris, Pháp, UNESCO còn có hơn 50 văn phòng, viện hay trung tâm trực thuộc tại nhiều nơi trên thế giới.
TTXVN
Tags