Xây dựng các quân đoàn chủ lực - Tầm nhìn chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

(Thethaovanhoa.vn) - Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911 - 2021) là danh tướng kiệt xuất thời đại, có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng dân tộc. Đặc biệt, ở những thời điểm lịch sử quan trọng, Đại tướng thường đưa ra quyết sách đúng đắn, sáng tạo, làm tiền đề giành thắng lợi quyết định. Việc tham mưu, chỉ đạo xây dựng các quân đoàn chủ lực ở giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là một trong những quyết sách như thế.

Nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2021), Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết: “Xây dựng các quân đoàn chủ lực (1973 - 1975) - Tầm nhìn chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp” của Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Khang, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Tập trung chỉ đạo xây dựng những quân đoàn chủ lực

Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, buộc Mỹ phải rút hết quân viễn chinh, quân một số nước đồng minh về nước, tôn trọng độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, mở ra bước ngoặt mới cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Nhưng với bản chất ngoan cố, hiếu chiến, Mỹ tiếp tục viện trợ kinh tế, quân sự, chỉ đạo chính quyền, quân đội Sài Gòn phá hoại Hiệp định Paris, liên tiếp mở những cuộc hành quân “bình định, lấn chiếm” trên phạm vi toàn miền Nam hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng, mở rộng vùng chiếm đóng.

Trước âm mưu và hành động của địch, tháng 7/1973, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 21, khẳng định: “Con đường của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng. Bất kể trong tình hình nào, ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công và chỉ đạo linh hoạt để đưa cách mạng miền Nam tiến lên” (trích Nghị quyết Hội nghị).

Chú thích ảnh
Ngày 5/5/1973, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm các đơn vị thông tin và quân y tham gia duyệt binh ngày 1/5/1973. Ảnh: Vũ Tạo-TTXVN

Thực hiện đường lối của Đảng, từ nửa sau năm 1973 đến cuối năm 1974, quân dân ta trên chiến trường miền Nam kiên quyết đẩy mạnh các hoạt động phản công và tiến công, giáng trả lại các cuộc hành quân lấn chiếm của địch, bảo vệ nhân dân, củng cố, mở rộng vùng giải phóng. Chính quyền, quân đội Sài Gòn chịu nhiều tổn thất, từng bước lâm vào tình thế bị động, ngày càng khó khăn. Trong khi đó, Quốc hội Mỹ cắt giảm viện trợ cho chế độ Sài Gòn xuống còn 700 triệu USD (tài khóa 1974 - 1975), thấp hơn nhiều so với yêu cầu (1.600 triệu USD). Tuy nhiên, do quân ngụy còn đông (60 vạn quân chính quy và hơn 1 triệu phòng vệ dân sự), nhiều loại trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại, nên chính quyền Mỹ vẫn chủ trương tiếp tục kéo dài cuộc chiến tranh xâm lược.

Với tư duy quân sự sắc sảo và tầm nhìn chiến lược, ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị thành lập các quân đoàn chủ lực, bởi những lý do cơ bản:

Một là, đáp ứng đúng quy luật phát triển khách quan về xây dựng lực lượng vũ trang và yêu cầu thực tiễn của chiến tranh cách mạng, chiến tranh giải phóng. Vấn đề đặt ra lúc này là ta phải có đủ sức mạnh đánh tiêu diệt lớn quân địch, việc chỉ sử dụng các sư đoàn độc lập hoặc phối hợp nhiều sư đoàn như trước đây không còn thích hợp nữa, mà cần phải có những quân đoàn chủ lực được tổ chức chặt chẽ làm “quả đấm quyết định”.

Hai là, sau khi quân Mỹ, quân đồng minh rút ra, tương quan so sánh lực lượng nghiêng hẳn về phía ta, thế và lực cách mạng miền Nam có những chỗ mạnh rất cơ bản, đang trên đà phát triển vững chắc. Riêng bộ đội chủ lực tại miền Nam đã lên tới hơn 31 vạn, gồm 10 sư đoàn, 24 trung đoàn và 100 tiểu đoàn. Các sư đoàn chủ lực đều được biên chế đầy đủ số quân và trang bị; trong khi đó, miền Bắc tiếp tục tăng cường chi viện.

Ba là, trình độ tổ chức chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng quy lớn của cán bộ ta đã được tích lũy đáng kể, nhất là đã rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn những chiến dịch lớn gần nhất như Đường 9 - Nam Lào (1971), Đông Bắc Campuchia (1970), cuộc tiến công chiến lược (1972).

Chú thích ảnh

Ngày 30/12/1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thị sát xác máy bay B52 Mỹ bị quân và dân ta bắn rơi tại làng Ngọc Hà (Hà Nội) trong chuyến thăm Tiểu đoàn 79 tên lửa, đơn vị có nhiều thành tích cùng quân và dân Thủ đô đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của Mỹ cuối tháng 12/1972. Ảnh: TTXVN  

Sau khi được Bộ Chính trị nhất trí thông qua, tháng 6/1973, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị cho Bộ Tổng Tham mưu: “Khẩn trương lập các quân đoàn, những “quả đấm chủ lực” sẵn sàng sử dụng ở thời điểm quyết định, nghiên cứu phương thức tác chiến theo hướng tiêu diệt chi khu, quận lỵ, chiến đoàn, lữ đoàn địch đi ứng cứu, tiêu diệt sư đoàn địch”. Nhận thấy trước khả năng tác chiến quy mô lớn trong tương lai gần, Quân ủy Trung ương quyết định lựa chọn cử một đoàn cán bộ quân sự sang học một lớp bổ túc về tác chiến binh chủng hợp thành tại Học viện Voroshilov (Moscow, Liên Xô).

Sau một thời gian chuẩn bị, các quân đoàn chủ lực của Quân đội ta lần lượt được thành lập: Quân đoàn 1 mang tên Binh đoàn Quyết Thắng (24/10/1973) đứng chân ở miền Bắc. Quân đoàn 2 mang tên Binh đoàn Hương Giang ở Trị - Thiên (17/5/1974). Quân đoàn 4 mang tên Binh đoàn Cửu Long ở Đông Nam Bộ (20/7/1974). Quân đoàn 3 mang tên Binh đoàn Tây Nguyên ở Tây Nguyên (26/3/1975). Sự ra đời của các quân đoàn ở cả hậu phương và ngay tại chiến trường miền Nam đánh dấu bước trưởng thành, sự lớn mạnh của Quân đội ta sau gần 30 năm xây dựng và chiến đấu, tạo tiền đề thực hiện những trận quyết chiến chiến lược, tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Phát huy sức mạnh “quả đấm thép” giành thắng lợi quyết định

Sau khi thành lập, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, các quân đoàn chủ lực đã phát huy vai trò to lớn đối với cách mạng.

Từ ngày 13/12/1974 đến ngày 6/1/1975, lực lượng vũ trang ta, do Quân đoàn 4 làm nòng cốt, mở chiến dịch tiến công vào hệ thống phòng thủ của quân đội Sài Gòn ở tỉnh Phước Long và khu vực đường 14. Kết quả, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 3.000 địch, giải phóng toàn tỉnh Phước Long với 50.000 dân, mở rộng đầu cầu tuyến vận tải chiến lược của ta, tạo bàn đạp tiến công vào Sài Gòn. Quân đội Sài Gòn đưa quân ứng cứu nhưng thất bại; trong khi chính quyền Mỹ phản ứng yếu ớt rồi chấp nhận “bỏ qua”.

Chiến thắng Đường 14 - Phước Long là “đòn trinh sát chiến lược”, là cơ sở quan trọng để Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (18/12/1974 - 8/1/1975) hạ quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm (1975 - 1976). Phát huy thắng lợi, Quân đoàn 4 tiếp tục tiến công giải phóng thị xã Xuân Lộc, đập tan căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch bảo vệ Sài Gòn từ phía đông, tạo thuận lợi cho Chiến dịch Hồ Chí Minh. Từ tháng 7/1974 đến tháng 3/1975, trên chiến trường Khu 5, Quân đoàn 2 phối hợp chặt chẽ với quân dân các địa phương liên tiếp mở các chiến dịch, đợt hoạt động giải phóng Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Tuy... tạo thành Cánh quân phía Đông thần tốc tiến về Sài Gòn.

Chú thích ảnh
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo Quân ủy Trung ương theo dõi diễn biến Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Ảnh: TTXVN

Căn cứ vào những chuyển biến hết sức mau lẹ từ chiến trường, ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị họp bàn, ra quyết định lịch sử: Nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng ngay trong tháng 4/1975; đồng thời đề ra phương châm chỉ đạo: “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”. Đến ngày 7/4/1975, phương châm chỉ đạo này đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát lệnh truyền đi khắp các hướng chiến trường. Ngày 14/4/1975, thể theo nguyện vọng của đồng bào, chiến sĩ cả nước, Bộ Chính trị họp bàn, đồng ý chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh - chiến dịch quyết chiến chiến lược. Lực lượng tham gia được huy động đến đỉnh cao, sử dụng tập trung nhất, bao gồm 4 quân đoàn (1, 2, 3, 4) và Đoàn 232 (tương đương một quân đoàn).

Ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức bắt đầu. Tất cả các cánh quân của ta lần lượt đập tan các tuyến phòng thủ vòng ngoài, đồng thời hình thành các mũi thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu trong nội đô Sài Gòn. Trưa 30/4/1975, Quân giải phóng tiến vào Dinh độc lập, bắt sống toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn, buộc tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), đồng thời kết thúc vẻ vang quá trình 30 năm đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc (1945 - 1975). Kết quả, ta tiêu diệt, làm tan rã khoảng 250.000 địch, gồm 7 sư đoàn bộ binh, 5 lữ đoàn dù, kỵ binh thiết giáp, pháo binh, 4 sư đoàn không quân... giải phóng Sài Gòn - Gia Định và các tỉnh Nam Bộ.

Như vậy, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, các quân đoàn chủ lực với sức đột kích mạnh, khả năng cơ động cao đóng vai trò nòng cốt tiêu diệt và làm tan rã đội quân đánh thuê mạnh nhất, hiện đại nhất của Mỹ gồm hơn một triệu tên, đập tan toàn bộ ngụy quyền, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thắng lợi ấy góp phần khẳng định cho tài năng quân sự kiệt xuất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, các quân đoàn chủ lực tiếp tục giữ vai trò nòng cốt của Quân đội nhân dân Việt Nam, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả trên đất nước bạn Campuchia. Ngày nay, phát huy truyền thống anh hùng, các quân đoàn vẫn ra sức thi đua xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng và nhân dân, thiết thực góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

TTXVN