Nhiều tuyến quốc lộ (QL) trọng điểm như: QL1A, QL2, Q70, QL5, QL6… đang ngày đêm bị số đông xe quá tải tàn phá, xuống cấp nghiêm trọng, nhưng hiện vẫn chưa được các cơ quan chức năng xử lý triệt để, khiến vi phạm ngày càng diễn biến phức tạp.
Qua tìm hiểu, việc xử lý xe quá tải không phải là nhiệm vụ bất khả thi và thiếu biện pháp, mà do các địa phương thiếu sát sao, lực lượng chức năng chưa kiên quyết xử lý và thiếu mạng lưới trạm cân kiểm soát tải trọng xe trên QL. Trong khi đó, một km đường phải đầu tư nhiều tiền của, công sức, rồi lại bảo dưỡng, mà thủ phạm không nhỏ làm hỏng chính là xe quá tải. Bao giờ mới hết cảnh này?
Chưa kiểm soát được...
QL6 từ Sơn La về Hà Nội hàng ngày không khó để bắt gặp từng đoàn xe tải loại 3 - 4 trục, nối đuôi nhau chở nông sản về xuôi, tất cả những xe tải này đều được trang bị dàn tưới lốp tránh bị vỡ lốp và chống bó phanh do xe nặng, khiến nhiều đoạn trên tuyến QL này, nhất là đoạn qua Mộc Châu, Yên Châu đến Cò Nòi... từ lâu đã xuất hiện nhiều ổ gà, ổ voi, mặt đường gãy, nứt. QL2 đoạn từ Đoan Hùng (Phú Thọ) đi Tuyên Quang, Hà Giang mỗi ngày đang phải “cõng” gần 500 lượt xe tải trọng lớn; QL70 đoạn từ Đoan Hùng (Phú Thọ) đi Yên Bái, Lào Cai cũng oằn mình mỗi ngày cõng khoảng gần 700 lượt xe tải nặng chở quặng sắt, bột đá, xi măng...
Theo Công ty TNHH một thành viên 232, đơn vị quản lý QL2, hệ lụy phát sinh là đoạn QL2 từ cầu Đoan Hùng đến Tuyên Quang dài hơn 20 km hiện cơ bản đã... “nát”, ô tô nếu đi qua đoạn này thì phải mất cả tiếng đồng hồ. Và từ đầu năm 2012 đến nay, công ty đã phải xử lý khoảng 7.500 m2 ổ gà, ổ voi, với kinh phí trên 3,1 tỉ đồng, dự kiến khối lượng cần sửa chữa tiếp cũng lên đến gần 23.000 m2, với kinh phí dự tính khoảng 7 tỉ đồng.
Quốc lộ 5 đang bị xuống cấp do phải chịu quá nhiều xe chở quá tải trọng. |
Theo Khu quản lý đường bộ II (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), đơn vị được giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước 7 tuyến QL toàn miền Bắc, sau khi có văn bản của Bộ GTVT yêu cầu kiểm tra, rà soát và tăng cường các biện pháp xử lý xe quá tải, Khu đã yêu cầu các đơn vị quản lý đường bộ trên các tuyến QL chủ động làm việc với các địa phương, cắm biển hạn chế tải trọng theo đúng quy định. Tuy nhiên, cho đến nay, hầu hết các địa phương đều chưa triển khai thực hiện xử lý xe chở quá tải phá đường. Các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Cao Bằng, Bắc Kạn... vẫn chưa tăng cường xử lý xe quá tải. Nhất là tuyến QL5 qua Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng đang bị xuống cấp nghiêm trọng, vì phải gánh không biết bao nhiêu xe container ngày đêm quần thảo, nhưng từ lâu vẫn bị bỏ ngỏ và nếu phải bảo dưỡng lại, chắc chắn kinh phí bảo trì, bảo dưỡng sẽ khiến các cơ quan chức năng “e ngại”...
Trong khi đó, theo nhận định của các tổ cảnh sát giao thông trên các tuyến QL, hầu hết các xe tải chở hàng hóa qua kiểm tra đều vượt quá tải trọng từ 5 - 30% và các lái xe đều chấp nhận ký biên bản vi phạm nếu bị dừng xe. Hiện nay, việc kiểm soát tải trọng xe chủ yếu thông qua các trạm cân xe đầu tuyến và một số trạm kiểm soát tải trọng xe tại các địa phương. Tuy nhiên, đến thời điểm này, cả nước mới có 2 trạm cân xe hoạt động thí điểm là Trạm cân Dầu Giây (Km 1846+600 QL1A, thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai) và Trạm cân Quảng Ninh (Km103+800 QL18, thuộc địa phận thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh). Song, 2 trạm cân này đến nay hoạt động không hiệu quả, do thiết bị phát hiện giới hạn xe quá tải không đáp ứng được yêu cầu thực tế. Nếu như xe vi phạm để biển số xe cong, vênh, mờ hoặc các xe đi liền sát vào nhau, không tuân theo quy định về khoảng cách tối thiểu khi lưu thông qua cân động, hoặc xe đi dưới tốc độ 20 km/giờ và trên 60 km/giờ là thiết bị cân động tại 2 trạm này không phát hiện được... Do đó, hai trạm cân này chỉ kiểm soát được khoảng 20% số xe quá tải trên tuyến đường.
Giới hạn tải trọng cầu, đường là 30 tấn, nhưng đa số xe đầu kéo chuyên dụng chở hàng bằng container hiện nay luôn ở mức từ 36 - 45 tấn. Thực tế này đòi hỏi sự thay đổi về cách tính tải trọng đối với phương tiện cho phù hợp, nếu không hệ thống cầu đường Việt Nam sẽ luôn phải “oằn mình” gánh chịu sức nặng quá tải tra tấn ngày đêm và phải đối phó với thực trạng quay vòng bảo trì. |
Trong khi đó, do lưu lượng xe vận tải lớn, các trạm kiểm soát tải trọng trên một số tuyến QL hiện nay cũng chỉ kiểm soát được theo kiểu “lấy lệ”, còn đâu bỏ ngỏ... Thực tế này lý giải tại sao, cánh lái xe tải thường chấp nhận ký biên bản nộp phạt vi phạm ngay, nếu bị cảnh sát giao thông “sờ gáy”, còn hơn là phải dỡ hàng để kiểm soát tải trọng và hệ quả là các tuyến QL vẫn tiếp tục bị tàn phá…
Theo thống kê của các khu quản lý đường bộ về thực trạng đường sá và lưu hành xe trên đường, tình trạng chở quá tải đang diễn ra nghiêm trọng trên tất cả các tuyến đường, cả về mức độ chở quá tải và số lượng xe chở quá tải như: Trên QL3 có tới 28% xe chở quá tải, thậm chí có thời điểm lên tới 90%; trên QL5 quá tải từ 30 - 200%...
Sắp hết cảnh “quýt làm, cam chịu”
Trên thực tế, theo các chuyên gia, việc xử lý xe quá tải không phải là nhiệm vụ bất khả thi và thiếu các biện pháp để thực hiện, mà vấn đề vướng mắc ở chỗ chính quyền địa phương thiếu sát sao, trong khi lực lượng chức năng chưa thực sự quyết tâm... Trong bối cảnh, hệ thống các trạm cân hiện đại dọc các tuyến QL còn thiếu và việc cân tải trọng chỉ là một trong các giải pháp xử lý xe quá tải, thì bên cạnh đó còn có các biện pháp khác như xác định qua hóa đơn hàng hóa, kiểm đếm số lượng hàng hóa, xác định trọng lượng qua thể tích và chỉ số khối lượng của từng loại hàng hóa. Cốt lõi của vấn đề là các địa phương và các lực lượng thực thi nhiệm vụ làm có kiên quyết hay không.
Trước vấn nạn xe quá tải trên các tuyến QL đã trở nên nhức nhối, Bộ GTVT đang trình Chính phủ phê duyệt Đề án Quy hoạch trạm cân kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ giai đoạn 2012 - 2015. Theo đề án, sẽ có 36 trạm cân kiểm soát được đề xuất xây dựng trên toàn hệ thống QL, bám sát các hành lang vận tải lớn, các tuyến đường bộ trọng yếu, lưu thông các nguồn hàng lớn và các trạm cân xe được bố trí tại vị trí kiểm soát được tối đa các phương tiện chở quá khổ, quá tải lưu thông trong khu vực. Dọc QL1 sẽ được đặt 14 trạm, đường Hồ Chí Minh đặt 3 trạm, trên 19 tuyến QL được lựa chọn, mỗi tuyến sẽ đặt 1 trạm, gồm các QL số: 2, 3, 5, 6, 13, 14, 14B, 15, 18, 19, 22, 24, 26, 38, 40, 54, 55, 70, 91. Thứ tự ưu tiên đầu tư đã được xác định cùng với vị trí cụ thể đặt trạm cân xe trên từng tuyến đường cũng đã được khảo sát nghiên cứu. Dự kiến, việc đầu tư được phân kỳ thành 4 giai đoạn từ năm 2012 - 2015.
Theo kế hoạch, giai đoạn I sẽ xây dựng 7 trạm trên các tuyến đường có lưu lượng xe tải nặng lớn hơn 2.000 xe/ngày đêm và 1 trạm Phố Ràng (Hải Phòng) là điểm nóng cần giải quyết ngay; giai đoạn II hoàn thành xây dựng 11 trạm có lưu lượng xe tải nặng lớn từ 1.000 - 2.000 xe/ngày đêm; giai đoạn III hoàn thành xây dựng 7 trạm có lưu lượng xe tải nặng lớn từ 400 - 1.000 xe/ngày đêm; giai đoạn IV hoàn thành xây dựng 10 trạm còn lại. Tổng mức đầu tư cho hệ thống 36 trạm cân xe khoảng gần 3.000 tỷ đồng, với phương thức đầu tư xây dựng theo hướng xã hội hóa, các nhà đầu tư sẽ được tạo điều kiện hoàn vốn từ việc thu tiền phạt và khai thác hạ tầng.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, khắc phục hạn chế từ thực tế hoạt động thí điểm tại 2 trạm cân Dầu Giây và Quảng Ninh, các trạm cân kiểm soát theo đề án phải đảm bảo nguyên tắc: Ảnh hưởng thấp nhất đến các xe không thuộc đối tượng kiểm soát tải trọng và xe không vi phạm tải trọng; không gây ùn tắc trên đường chính, đường chờ vào cân động tốc độ thấp và đường chờ vào cân tĩnh; có đủ phương tiện và diện tích để dỡ, hạ tải vi phạm; đủ điều kiện ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực. Bên cạnh đó, việc ra quyết định xử phạt vi phạm tải trọng tại các trạm cân do lực lượng chức năng tiến hành, trong đó chú trọng biện pháp tăng cường kiểm soát, cưỡng chế hạ tải xong mới được tiếp tục lưu hành. Hy vọng, đề án được triển khai sẽ giúp tăng tuổi thọ nhiều tuyến đường cho quốc gia!
Cân và hạ tải phải làm thật công bằng Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng: "Quan điểm nhất quán của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam hiện nay là phải có trạm cân kiểm soát tải trọng xe trên các tuyến QL. Song, việc lắp đặt phải theo quy hoạch đồng bộ, phải đặt trạm cân ở các đầu mối lưu thông hàng hóa, đầu mối giao thông và phải đầu tư hiện đại hóa, tự động hóa toàn bộ các khâu hoạt động của trạm để tránh tiêu cực. Có thể đặt thêm một số trạm cân trên đường, song chỉ là đối với một số tuyến nóng, là trạm phụ, để hỗ trợ cho trạm đầu mối. Quan trọng nhất là khâu cân và hạ tải xe vi phạm phải thực hiện triệt để, công bằng đối với tất cả các xe chở quá tải, nhằm tăng ý thức tự giác của chủ xe và lái xe. Nếu làm được như vậy, chắc chắn sẽ nhận được sự đồng thuận trong xã hội". Cước vận tải hiện nay là cước chở quá tải Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Hoàng Hà Hoàng Quang Ngọc: Có thể khẳng định "100% xe tải hiện nay chở hàng hóa lưu thông trên đường đều chở quá tải và mức độ quá tải tùy thuộc loại phương tiện và chủng loại hàng hóa vận chuyển. Do đó, cước vận tải hiện nay chính là cước chở quá tải. Nếu chở ít tải đi, các doanh nghiệp vận tải sẽ đỡ khổ, xe đỡ hỏng, mức độ an toàn cao hơn, nhưng chắc chắn giá thành hàng hóa sẽ cao hơn hiện nay nhiều lần, vì phải tăng chuyến, tăng lượt". Có ngày QL5 “cõng” 30% số xe chở quá tải trên 200% Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng Phạm Trọng Thịnh: "Thành phố Hải Phòng hiện có khoảng 200 doanh nghiệp vận tải hàng hóa với hơn 3.000 đầu xe kéo moóc, xe container. Do cạnh tranh về doanh thu, tăng thu giảm chi, hầu hết các doanh nghiệp vận chuyển quá tải. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, hàng hóa qua cảng hiện nay chủ yếu là hàng có trọng lượng lớn, yêu cầu xe vận chuyển cũng phải đáp ứng được năng lực vận tải, trong khi đó, nhiều doanh nghiệp có xe không đáp ứng được yêu cầu, buộc phải tăng tải trọng trong điều kiện hệ thống đường sá chưa đồng bộ. Theo các chuyên gia tư vấn, có ngày, có thời điểm, QL5 phải cõng đến 30% số xe chở quá tải trên 200% là có cơ sở". |
Theo Tin Tức