Chàng Việt kiều Mỹ Tran Hung John & cuốn sách về 80 ngày đi bộ với chiếc ví rỗng

Chủ nhật, 02/06/2013 07:08 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Trải qua 80 ngày đi bộ với chiếc ví rỗng từ Hà Nội đến TP HCM, chàng trai người Mỹ gốc Việt Tran Hung John đã để lại nhiều cảm phục với mọi người. Hành trình khám phá nước Việt đã được John kể lại trong cuốn sách John đi tìm Hùng do NXB Kim Đồng ấn hành.

Trần Hùng John ký tặng sách cho bạn đọc TP.HCM và tiếp tục giao lưu với bạn đọc Hà Nội lúc 9h hôm nay 2/6 tại 338 phố Xã Đàn, Q. Đống Đa

Hôm qua 1/6, Tran Hung John có buổi ra mắt cuốn du ký này của anh và giao lưu cùng bạn đọc tại TP.HCM và một lần nữa anh lại tạo bất ngờ với nhiều người. Để có được chỗ ở qua đêm, có thức ăn và có tiền để đi tiếp hành trình, Tran Hung John đã làm việc cùng với người dân địa phương những công việc mà bao đời nay họ vẫn làm.

Đi bộ tìm lại cội nguồn

Nhiều người biết đến Tran Hung John khi anh làm MC trên hai chương trình truyền hình Góc nhìn Việt NamMột ngày làm người Việt của kênh VTC10 và VTV4. Tran Hung John thuộc thế hệ 8X đời cuối, sinh ra tại Mỹ trong gia đình gốc Việt. Anh tốt nghiệp chuyên ngành Tâm lý thuộc ĐH Berkeley. Tháng 8/2010, lần đầu tiên anh đến Việt Nam du học trong một chương trình trao đổi văn hóa.

“Sự ám ảnh với vật chất: điện thoại iPhone, máy tính bảng iPad, xe máy Vespa, tách cà phê giá 100 ngàn đồng trong những cửa hàng cà phê sang trọng, tất cả đang trở thành thời thượng.

Bao lâu nữa thì những nét văn hóa và truyền thống của dân tộc sẽ bị phá hủy hoàn toàn, khi những câu chuyện cổ như huyền thoại Đamb’ri sẽ rơi vào quên lãng?

Tôi khao khát mong muốn được giữ lại và bảo vệ Việt Nam của những ngày xưa cũ. Nhưng có lẽ tôi chỉ là một kẻ mơ mộng ngốc nghếch. (Tran Hung John)

Điều đặc biệt là, mẹ của Tran Hung John theo bà ngoại sang Mỹ từ khi mới 4 tuổi và chưa bao giờ trở lại Việt Nam. Do vậy, Tran Hung John biết đến hình ảnh về đất nước và con người Việt đều do bà ngoại kể lại cho anh. Những điều anh biết về Việt Nam qua lời kể của bà ngoại, thì đây là quốc gia vừa trải qua chiến tranh nên nghèo khó và cơ cực.

Sau hai năm sống tại Việt Nam, tiếp xúc với nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội, anh đã quyết định đi bộ xuyên Việt để tự bản thân trải nghiệm về quê hương nguồn cội của mình. Ngày 10/5/2012, Tran Hung John khởi hành từ Hà Nội và đích đến là TP.HCM. Động lực thúc đẩy anh làm việc này là từ câu danh ngôn “Đừng nói với tôi bạn giỏi như thế nào, hãy kể cho tôi nghe bạn đã đi được những đâu”.

Theo anh, một người đi nhiều nơi sẽ có nhiều cơ hội nhìn thấy những điều mà không cuốn sách hay bức tranh nào có thể kể tả được, và những trải nghiệm đó có thể làm thay đổi một con người. Cuốn sách John đi tìm Hùng dày gần 300 trang cũng ra đời từ đó.

Không tiền và suýt chết

Tran Hung John kể lại: “Tôi mang theo một ba lô, một cái lều, một cái mũ và một chai nước (cả mũ và chai nước đều bị mất trên đường), cùng một túi đeo ngang bụng. Trong ba lô tôi mang theo ba bộ quần áo, bộ sơ cứu, một bật lửa, một con dao, kem chống nắng, bản đồ, sổ tay, sạc điện thoại, một đôi giày, dép tông, bàn chải đánh răng và đèn pin…”.

Anh khẳng định lý do vì sao không đem theo tiền trong chuyến đi của mình: “Tôi không mang theo tiền vì nghĩ tiền bạc luôn làm mọi việc thêm rắc rối. Nếu mang theo tiền thì tôi sẽ không thể kiềm chế và thuê một phòng tại khách sạn hoặc ăn trong nhà hàng thay vì xin được chia đồ ăn cùng người khác”.

Trên hành trình, trong một lần bị sốt, Tran Hung John cho rằng đây là lần đầu tiên trong đời anh sợ chết và tự trách bản thân: “John, mày tự gây ra cho mày thôi. Mày không thuộc về nơi này. Đây không phải đất nước của mày đâu. Mày là người Mỹ. Mày đang cố chứng tỏ cái gì cơ chứ? Giờ thì hết rồi. Cả hành trình và đời mày”.

Không chỉ xin ăn dọc đường, Tran Hung John còn được người dân cho tiền để tiếp bước trên đường. Anh đã cảm nhận được lòng tốt của những người dân quê mà mình gặp. Khi chuẩn bị cho chuyến đi, nhiều người cảnh báo anh: “Nếu đi ngang qua miền Trung và mau chóng đi tới Đà Nẵng, bạn sẽ an toàn và có cơ hội đến được Sài Gòn”. Vậy nhưng tại một tỉnh nổi tiếng là “khắc nghiệt” ở miền Trung, anh đã được một người dân cho 100 ngàn đồng.

Tran Hung John cho biết: “Nhiều người cảnh báo tôi về người dân ở tỉnh này và cho rằng họ không đáng tin. Người nghèo thì càng không đáng tin, họ có thể lừa đảo và trộm cắp. Đó là những thành kiến sai lầm. Tôi phải thừa nhận lúc đầu tôi có hơi lo sợ, nhưng rồi tôi lại trở nên yêu quý người tỉnh miền Trung này hơn cả”.

Ngày 21/4/2013, Tran Hung John tiếp tục hành trình đi bộ xuyên Việt lần thứ hai để quyên góp tiền cho các tổ chức từ thiện và kêu gọi ý thức của người dân về đất nước Việt Nam.


Thanh Kiều
Thể thao & Văn hóa

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›