Ngày 11/7/ 2022 vừa qua, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức cuộc hội thảo tọa đàm về hai nhà thơ nổi tiếng của thơ đương đại Việt Nam là Trúc Thông và Hoàng Nhuận Cầm. Cả hai nhà thơ đều đã qua đời trong năm 2021, nhưng thơ của họ vẫn còn đọng lại trong trái tim hàng triệu người yêu thơ hôm nay.
Nhân hội thảo, tôi đã có một diễm phúc bất ngờ khi được biết đến một bài thơ viết tay tặng Hoàng Nhuận Cầm năm 1973 chưa từng in trong bất kỳ tập thơ nào của Trúc Thông.
Có một điều ít người biết, trong suốt nửa thế kỷ qua, Trúc Thông (1940-2021) và Hoàng Nhuận Cầm (1952-2021) là hai người bạn thơ rất thân thiết, họ đều là sinh viên khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, và đều là dân phố cổ: Nhà “bác Thông” ở phố Hồng Phúc còn nhà “chú Cầm” ở phố Hàng Bún, khá gần nhau. Trong những năm chiến tranh, có nhiều bài thơ viết ở chiến trường, Hoàng Nhuận Cầm gửi thư về cho Trúc Thông, thậm chí cả thơ tình viết cho người yêu học cùng trường với Cầm. Còn Trúc Thông mỗi lần có thơ mới, đều nhắn Cầm sang nhà đọc cho nghe.
Tôi có cái may mắn là chơi khá thân với cả hai anh. Một buổi tối gặp nhau, sau khi làm mấy chén rượu với lạc rang ở một quán trà chén vỉa hè,với vẻ mặt tỏ ra khá “nghiêm trọng”, Hoàng Nhuận Cầm bảo tôi: “Anh với tôi đều tuổi Nhâm Thìn, Trúc Thông tuổi Canh Thìn hơn chúng ta đúng một giáp, tuổi Thìn mà làm thơ chắc khá hợp nhau và thân nhau. Tối nay ta phải sang chơi vì ông ấy vừa tuyên ngôn rằng Trúc Thông là một “con sói thơ” vĩ đại, và con sói thơ ấy đang nhằm vào thơ của Nguyễn Việt Chiến, thế thử hỏi có điên không chứ, hì hì”.
Tôi cười khơ khớ bảo Cầm: “Chuyện ấy chẳng có gì lạ, Trúc Thông vốn là người thơ cực đoan và cách tân mạnh mẽ trong thi ca. Trúc Thông đã từng đọc bản thảo mấy ki-lô-gam thơ và trường ca của tôi, hẹn sẽ có ý kiến và viết bài. Vậy bác ấy muốn ra roi, bảo ban gì đây? Và, ta cứ lắng nghe xem nhà thơ vĩ đại Trúc Thông muốn phán bảo điều gì, vì bác ấy là một con sói lớn, còn chúng ta là hai con sói trẻ, he, he!”.
Rồi chúng tôi đi bộ sang chơi nhà Trúc Thông ở phố Hồng Phúc gần đấy.
Những năm ấy, ngôi nhà nơi Trúc Thông ở luôn là nơi tụ tập của những anh em viết trẻ ở Hà Nội và một số địa phương khác. Tối hôm ấy, với tất cả sự dè dặt, khiêm tốn, tôi và Cầm đến gặp nhà thơ Trúc Thông. Nhìn ông anh tươi tỉnh tráng ấm chén, pha trà tiếp đón hai đàn em thơ một cách khá cởi mở, tôi cười vui thưa chuyện: “Em nghe Cầm nói, con – sói- thơ vĩ đại là bác đang soi chiếu “con mắt thơ” vào mấy ki-lô-gam thơ còn tồn đọng của em, đúng không ạ, vậy em xin cúi đầu, rửa tai lắng nghe những lời vàng ngọc của bác!”. Trúc Thông nháy mắt với Cầm, rồi nhìn tôi cười hể hả: “Thế thật ra, Chiến không biết chuyện gìà? Thế Cầm chưa nói với Chiến về bài viết mình vừa đăng trên báo Văn Nghệ về thơ của cậu hay sao?”. Lúc này, Cầm mới cười tươi nhìn tôi, dõng dạc nói: “Đấy là mình cố tình dành sự bất ngờ cho bạn, chiều nay tôi phải chạy tới nhà in lấy bản in thử của báo Văn nghệ in bài viết của Trúc Thông về thơ cậu, ngày mai báo mới phát hành, còn bây giờ cậu hãy xem bản báo còn thơm phức mùi mực in đây nhé”.
Nói xong Cầm rút luôn trang báo Văn nghệ trong túi ra đọc sang sảng: “Con sói trẻ hãy lắng nghe bài viết của bác sói vĩ đại Trúc Thông trong bài phê bình Song ý trước thơ Nguyễn Việt Chiến qua tập thơ Mưa lúc không giờ (NXB Hội nhà văn 1992), có những đoạn như sau: “Trước một bầu nhiệt năng thơ luôn táp vào người nghe và đọc, với một nghệ thuật vào loại chững chạc khoác áo thi đấu như Nguyễn Việt Chiến, mình cần chìm xuống, giương cao tai, lim dim như một con sói! Mặc cho những lớp sóng ngôn từ vỗ thúc cũng không phải ít khi thừa thãi, ta bỗng thấy hiện ra một khoảng trống vắng. Trống vắng, im ắng đến nỗi tác giả phải dóng thơ lên, lại phải tiếp ngay bài khác mong khỏa lấp. Trống im ấy chính là nỗi cô đơn ngay từ khi Chiến cầm bút và chắc chắn không bao giờ rời bỏ anh, từ Xéc văng tét trong đêm được viết hai mươi năm trước Anh lết qua bao rừng rậm ưu phiền đến Ngọn gió màu lam “Chỉ còn trăng với anh là hai kẻ xuống tàu”. Rồi Chia tay mùa thu mới đây: “Sau khoảnh khắc chỉ còn ta ở lại/ Trên vai mình gió lạnh suốt mùa đông”. Nhiều bài, khổ thơ trong tập cho ta biết đâu chỉ có buồn tình yêu, thân phận, Nguyễn Việt Chiến còn mang nhiều nỗi buồn xã hội sâu nhức, đã dồn anh đến cô đơn. Một cô đơn cứng cỏi, nhìn thẳng vào đau khổ. Một nguồn nghị lực dai dẳng cháy. Và lại yêu, lại giận dữ lại khát vọng. Chiến rất thi sĩ chính ở chỗ đó…”.
Tôi lặng người nghe Cầm đọc bài viết khá dài và cảm ơn nhà thơ Trúc Thông đang nhìn tôi khá trìu mến, với ánh mắt hiền lành của một bác sói cũng không kém phần cô đơn trong thi ca cách tân.
Tôi lại nhớ đến cuộc thi thơ toàn quốc mở đầu thời kỳ đổi mới của báo Văn nghệ 1989-1990, hôm báo chuẩn bị công bố tên tác giả đoạt giải, Hoàng Nhuận Cầm đã cất công đến tận nhà in lấy bản in thử của báo Văn nghệ, rồi hớt hải đạp xe mang báo về cho tôi. Lúc gặp nhau, Cầm hét vang rất đỗi tự hào: “Đoạt giải cao rồi Chiến ơi, giải Nhì với bài thơ Mưa phố vào tranh đây nhé!”. Tôi xúc động nhìn bạn mới phát hiện ra, Cầm vội đạp xe, chân quệt mạnh vào vỉa hè, móng chân cái bung toác ra, máu thấm đẫm, tôi vội lấy bông băng cuốn lại ngón chân cho bạn. Tôi chơi với Hoàng Nhuận Cầm từ hồi học phổ thông, tôi học lớp chuyên văn đầu tiên của Hà Nội đặt tại Trường THPT Chu Văn An 1967-1970, còn Cầm lúc ấy đã có những bài thơ đầu tiên in báo với bút danh Ánh Biếc. Thật lạ, sau này, mỗi lần thơ tôi in trên các báo, Cầm đều là người đầu tiên báo tin và mang báo đến cho tôi.
***
Điều rất tình cờ, trước khi diễn ra cuộc hội thảo, tọa đàm về hai nhà thơ Trúc Thông và Hoàng Nhuận Cầm ngày 11/7/2022 mới đây, tôi nhận được tin nhắn của chị Lương Xuân Thủy, một người bạn gái học cùng khoa Văn Đại học Tổng hợp và chơi rất thân thiết với Hoàng Nhuận Cầm năm 1971 với nội dung: “Anh Việt Chiến ơi, nghe chị Nguyệt, vợ anh Trúc Thông nói thứ hai tới Hội Nhà văn Hà Nội có hội thảo về thơ Trúc Thông và Hoàng Nhuận Cầm, anh cho tôi nghe nhờ với nhé, cảm ơn anh”. Tôi nhắn tin lại luôn: “Mời chị thứ hai 8h30 đến19 Hàng Buồm dự hội thảo nhé”.
Theo một nguồn tin, tôi biết chị Thủy hiện đang còn lưu giữ một số di cảo thơ chưa hề công bố của hai nhà thơ Trúc Thông và Hoàng Nhuận Cầm. Nên hôm dẫn chương trình hội thảo, tôi rất nóng lòng gặp chị Thủy để muốn tiếp cận các văn bản thơ di cảo này và công bố cho bạn đọc yêu thơ được biết. Nhưng rất tiếc hôm hội thảo, vì bận công chuyện nên chị Thủy không tới dự được.
Sau hội thảo, qua tiếp xúc, chị Lương Xuân Thủy cho tôi biết, những năm 1970 ấy, giữa Hoàng Nhuận Cầm và chị có tình cảm lãng mạn đầu đời rất trân trọng. Trước khi vào chiến trường, Cầm có đưa cho Thủy bài thơ viết tay của nhà thơ Trúc Thông tặng Cầm có tựa đề Đoản khúc về em. Bài thơ này, khi mới viết xong, nhà thơ Trúc Thông đưa ngay cho Cầm, nên đây là bản thảo duy nhất, hiện chưa từng in trong bất kỳ tập thơ nào của nhà thơ Trúc Thông. Sau này, chị Lương Xuân Thủy cho biết nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm cảm động suýt phát khóc vì không ngờ, sau mấy chục năm chị vẫn còn giữ được bản thảo này.
Dưới đây là nguyên văn bài thơ Trúc Thông viết tặng Hoàng Nhuận Cầm, khi Cầm theo đơn vị cao xạ pháo về bảo vệ vùng trời Hà Nội những năm chiến tranh phá hoại ở miền Bắc.
Bản thảo lần thứ nhất
ĐOẢN KHÚC VỀ EM
(Gửi Cầm)
Người yêu Hà Nội tận đáy lòng
Không được ở lâu cùng Hà Nội
Hà Nội hiểm nguy
em lao về giữ bầu trời
bom ngừng dội
em đi ngay
bom rền nặng những phương trời khác gọi …
Người con trai hai mươi mắt mở tròn mơ mộng
yêu nàng thơ khắc nghiệt đắm say
xe pháo hành quân xóc lên xóc xuống
những ngày đêm quần giặc mệt nhừ
để em nói ra một ít lời dịu dàng
một ít dòng mến thương sâu thẳm
mà thở dài … lòng vẫn chưa ưng
Phố Hàng Bạc. Ngôi nhà cổ sâu sâu
đựng kỷ niệm không bao giờ vơi cạn
như tấm lòng những người trong nhà ấy thương em
như tấm lòng em thương trở lại
ôi vòm trời che trên mái ấy
che trên trái tim bạn bè vĩnh viễn lọt vào trái tim em
vòm trời - chiếc - nón
trên mái tóc lửng vai người bạn gái
người có tâm hồn chưa sâu sắc bằng em
mà sao em búp cây ấp úng mãi trước nhà …
Em hút thuốc lào xong
hai tay đặt lên đùi hệt bác nông dân
quân phục mộc xanh
chân ngăm đen dận dép cao su đen
em là người lính của nhân dân lao động
em ở phía bán cầu nghèo còn vô tận …
Cha mẹ cứ nhìn em không chớp
mắt nhìn hạ xuống, vì trong bàn ăn em ngồi thấp
em là niềm thương mến cuộn tròn lòng cha mẹ
mà nhắc em, cả nhà mắt ngước cao …
***
Em về dầm sương dãi gió chín ngày đêm
Chín ngày đêm những người lính cao xạ và đạn chắn bầu trời Hà Nội
Khi người thường viết những lời thư đầy ám dụ kịp tới tìm em
Thì cỏ ngụy trang ụ pháo in vào mắt cô lời tạm biệt…
Trúc Thông (1/ 1973)
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến
Tags