(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 30/4, Festival Huế 2018 gần đến đích cuối cùng (từ 27/4-2/5). Các chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc mang dấu ấn của những vùng văn hóa tiêu biểu của Việt Nam và nước ngoài thực sự là nơi gặp gỡ, giao lưu nhiều loại hình phong phú, đa sắc màu để lại dấu ấn của nghệ thuật đương đại.
- Đồ họa: 9 chương trình và lễ hội chính Festival Huế 2018
- Bộ trưởng Tài chính nói gì về đề xuất trong dự án Luật thuế tài sản?
Việt Nam có 15 nhà hát, đoàn nghệ thuật và nhóm nghệ sỹ Việt Nam cùng với 24 đoàn nghệ thuật đến từ 19 quốc gia trên thế giới. Tổng cộng có gần 1.300 nghệ sỹ, diễn viên tham gia biểu diễn 38 chương trình nghệ thuật với nhiều loại hình phong phú, đa sắc màu.
Nhiều nghệ sỹ có mặt tại Festival lần này là những gương mặt nổi tiếng, tên tuổi và tài năng của họ là hiện tượng độc đáo đại diện cho bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc.
"Âm sắc Việt" thổi hồn văn hóa Việt
Biệt cung Diên Thọ - cung của mẹ vua, được bố trí thành một không gian cực kỳ trang nhã và sang trọng. Sân khấu chỉ gồm phản gỗ, chiếu hoa, lu đất cắm hoa sen và một bức phong sơn son, vẽ nhũ trắng đôi chim phượng nhưng lại lung linh một vẻ đẹp cổ kính như tranh khắc. Chỗ ngồi cho khán giả cũng được bố trí rất hài hòa trong không gian chung, đẹp thanh thoát với từng dãy lồng đèn hoa sen trắng treo thấp ngang tầm ngồi của khách.
Theo những hàng cột gỗ bóng nước thời gian, trên những thảm chiếu hoa mênh mông, chỗ ngồi xem được bố trí thành từng hàng dài ngang dọc ngay ngắn, tạo không khí nghiêm trang. Mỗi vị trí ngồi được xếp một gối nhung thêu, một miếng gạch hoa kiểu cổ lót bộ ấm trà và chén đất. Không gian tinh tế đó rất xứng với thứ âm nhạc cũng tinh tế như đúc đổ khuôn vàng thước ngọc của ca trù cổ đất Bắc và ca Huế cung đình miền Trung.
Trong không gian yên bình, cổ kính của Cung Diên Thọ (Đại Nội, Huế), khi hai giọng ca nghệ sỹ ưu tú Khánh Vân, nghệ nhân Thanh Tâm cùng nhóm nhã nhạc Phú Xuân (Huế) cất lên, với những nhịp phách, tiền của các tiết mục ca Huế, khán phòng lặng im như tờ. Nhóm nghệ sỹ của Hà Nội có sự góp mặt nghệ sỹ nhân dân Thanh Hoài, nghệ sỹ nhân dân Xuân Hoạch…
Chương trình là cơ hội để các nghệ nhân, nghệ sỹ thể hiện những giai điệu cổ, có tính bác học; qua đó, tiếp tục tôn vinh tinh hoa âm nhạc truyền thống qua nghệ thuật trình tấu điêu luyện hai dòng nhạc dân gian hát xẩm - hát chèo, ca Huế - nhã nhạc một cách đằm thắm, sâu sắc và đậm chất nhân văn. Người nghe như thấm vào từng câu chữ lời của bài hát, những bài bản cổ của ca Huế như: Tứ đại cảnh, Tương tư khúc, Cổ bản, Nam ai, Hò mái nhì...
Được tổ chức từ những kỳ đầu tiên và duy trì cho đến Festival Huế 2018, "Âm sắc Việt" là chương trình nghệ thuật mang một bản sắc riêng biệt, thu hút đông đảo người yêu âm nhạc truyền thống. Thêm một lần nữa nghệ thuật truyền thống hai miền Bắc-Trung được tôn vinh trong chương trình "Âm sắc Việt," kéo dài đến hết ngày 1/5.
"Văn hiến Kinh kỳ" đậm chất sử thi
Nước ngàn năm văn hiến/ Thống nhất toàn giang san/ Từ buổi đầu lập quốc/ Đã thịnh trị trời Nam (Thơ trên điện Thái Hoà) là thông điệp rõ ràng của "Văn hiến Kinh kỳ." Vở diễn đậm chất sử thi này diễn ra vào tối 30/4 tại sân khấu nền điện Cần Chánh, Đại Nội Huế.
Với thời lượng 90 phút, kịch bản được cấu trúc thành 3 chương, mỗi chương là chuỗi những cảnh diễn được đan xen tương ứng với 14 hồi gắn với các chủ đề. Xem "Văn hiến Kinh kỳ", công chúng được thưởng thức một chương trình sử thi đặc biệt, khái quát toàn bộ các giá trị văn hóa Huế qua các loại hình di sản.
Với sự đầu tư kỹ lưỡng, từ hệ thống sân khấu đến việc kết hợp giữa nhiều yếu tố: hát múa, diễn xướng, hoạt cảnh, ngâm thơ, âm nhạc, hiệu ứng âm thanh, kỹ xảo màn hình led, hiệu ứng ánh sáng, khói màu, pháo hoa kỹ thuật cùng nhiều yếu tố cộng hưởng trong nghệ thuật sân khấu khác...
Đất kinh kỳ hội tụ, Thuận Hóa-Phú Xuân xưa thực sự là chiếc nôi sản sinh những khúc điệu vang ngân trong không gian và thời gian, để nuôi dưỡng một tình yêu lịch sử và thiên nhiên sâu thẳm.
Pháp vẫn là đối tác truyền thống
Ấn tượng "Truyện tranh Pháp ngày nay" từ vùng Nouvelle Aquitaine thu hút người xem ngay lần đầu ra mắt tại Festival Huế 2018. Không gian triển lãm "Truyện tranh Pháp ngày nay" từ vùng Nouvelle Aquitaine, Cộng hòa Pháp kéo dài đến ngày 27/5 tại tầng 2, Bảo tàng Văn hoá Huế, 25 Lê Lợi.
Với lối trình bày sinh động bằng 3 ngôn ngữ Pháp, Anh, Việt cùng với sự hỗ trợ của các thiết bị đa phương tiện, triển lãm "Truyện tranh Pháp ngày nay" do vùng Nouvelle Aquitaine thực hiện dẫn dắt người xem khám phá kho báu kỳ diệu này.
Triển lãm trưng bày các tác phẩm của 25 nghệ sỹ truyện tranh nổi tiếng trong đó có 3 nghệ sỹ đoạt giải thưởng chính tại Festival Angoulême là: Blutch, Zep and Lewis Trondheim. Bên cạnh đó, các thể loại truyện tranh đang chiếm ưu thế nổi trội trên thị trường hiện nay như truyện phiêu lưu mạo hiểm, truyện giả tưởng và tự truyện... cũng được đưa vào triển lãm. Một loạt trích đoạn phim được trình chiếu tại triển lãm cũng cho thấy điện ảnh Pháp ngày càng có xu hướng lấy cảm hứng từ truyện tranh.
Khoảng hai thập kỷ trở lại đây, thị trường truyện tranh tại Pháp và các nước nói tiếng Pháp cực kỳ năng động với khoảng 400 nhà xuất bản và 5.000 đầu sách được xuất bản hằng năm. Triển lãm "Truyện tranh Pháp ngày nay" do Hãng Citéinternationale tổ chức - một hãng về truyện tranh và hình ảnh có trụ sở tại tỉnh Angoulême, Pháp. Triển lãm có mặt tại Festival Huế 2018 là minh chứng cho sự nở rộ này.
Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế, Trưởng Ban Tổ chức Festival Huế 2018 cho biết, Festival Huế khởi đầu từ năm 2000, ban đầu là Liên hoan nghệ thuật Pháp - Việt do Cộng hòa Pháp và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam phối hợp với thành phố Huế tổ chức, với chủ đề: "Huế - thành phố của nghệ thuật sống."
Ngay lần đầu tổ chức, Festival Huế 2000, với sự tham gia của trên 30 đơn vị nghệ thuật của Việt Nam và Pháp với trên 1.000 nghệ sỹ, diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, thu hút hơn 410.000 lượt người tham dự Festival, trong đó có 41.000 lượt khách du lịch, với 6.000 lượt khách quốc tế.
Từ bấy đến nay, Pháp luôn là đối tác chính tại các kỳ Festival Huế. Gần đây nhất, tại Festival Huế 2016, Cộng hòa Pháp tiếp tục là đối tác chính khi đại diện vùng Poitou Charentes cử đoàn nghệ thuật L’Homme Debout tham dự với vở diễn quy mô có tên gọi là Venus. Vở diễn này, ngoài sự tham gia của các nghệ sỹ Pháp, có sự tham gia của nhiều nghệ sỹ, người dân Việt Nam để tạo nên chương trình nghệ thuật hấp dẫn và đặc sắc.
Cùng với việc đẩy mạnh các lĩnh vực hợp tác truyền thống tại các kỳ Festival Huế, hai bên còn đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực kinh tế. Theo đó, vùng Poitou Charentes đã tài trợ hơn 11 tỷ đồng giúp Thừa Thiên-Huế triển khai dự án "Phát triển du lịch sinh thái tại tỉnh Thừa Thiên-Huế."
Ngoài ra, vùng Poitou Charentes còn tài trợ 500 triệu đồng xây dựng nhà Gươl tại xã Thượng Nhật, huyện miền núi Nam Đông phục vụ nhu cầu lưu trú cho khách du lịch khi đến tham quan, nghỉ dưỡng tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế.../.
TTXVN
Tags