Ảnh: Internet.
Không chỉ gây thương tích ngoài da, khi bị chó thả rông không được tiêm phòng vaccine cắn, nguy cơ mắc các bệnh ở các nạn nhân cũng vô cùng lớn.
Đã qua hơn 1 tháng, bà Nguyễn Quế (56 tuổi, Thanh Hóa) vẫn chưa hết hoảng loạn khi nhắc lại vụ bà bị một con chó lạ cắn khi đang đi đường. Hậu quả là một chân và tay của bà bị xước xát vì chà xuống mặt đường bê tông.
Bà Quế kể lại, vào sáng 29 Tết Nguyên đán, khi đang trên đường đi chợ, đạp xe đến đoạn ngang qua một căn nhà dân. Bà bất ngờ bị một con chó to khoảng hơn 20 cân đi quanh đó chạy lại tấn công. Không kịp xử lý tình huống, bà Quế trượt dài xuống nền bê tông. Không dừng lại ở đó, con chó tiếp tục tấn công vào người bà. Rất may, chủ của chú chó đã nhanh chóng chạy ra và giữ con chó ở khoảng cách an toàn với bà.
"Lúc đó người ta không chạy ra kịp thì chắc tôi chẳng còn được ăn tết với gia đình nữa", bà Quế nhớ lại. Sau đó bà Quế đi kiểm tra vết thương tại bệnh viện, may mắn con chó tấn công bà đã được tiêm phòng vaccine đầy đủ.
Bà Quế chỉ là một trong rất nhiều nạn nhân bị chó thả rông tấn công trong thời gian gần đây. Nhiều trường hợp đã không may mắn như bà, chẳng hạn vụ gần đây nhất là vụ du khách nước ngoài tại Khánh Hòa đang đi bộ trên đường 23/10 (gần nút giao Ngọc Hội, thuộc xã Vĩnh Hiệp) thì bất ngờ bị một con chó lai lao đến cắn. Hậu quả một du khách bị chó cắn vào tay, đùi, còn người bạn đi cùng ra sức chống trả cũng bị con chó tấn công gây trầy xước nhẹ. Ngay sau đó, cả hai du khách được người dân đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa.
Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Khánh Hoà cho biết lúc nhập viện, bệnh nhân nước ngoài (sinh năm 2004) có vết thương phức tạp ở tay phải, đứt gân cơ nhị đầu và một số vết trầy xước bên ngoài. Bệnh nhân được bác sĩ mổ cấp cứu, hiện tại sức khoẻ đã tạm ổn định.
Hay như vụ tại Lào Cai, một sinh viên bị 2 con chó cắn với hàng chục vết thương lớn nhỏ trên người dẫn đến bất tỉnh. Các bác sĩ xác định ít nhất có khoảng 10 vết thương gây rách sâu phần mềm và nhiều vết thương nhỏ khác do chó cắn gây nên, nguy cơ nhiễm trùng rất cao, phải để hở trong khoảng 5 - 7 ngày mới có thể phẫu thuật.
Hiểm họa nguồn bệnh từ việc bị chó thả rông tấn công
Theo các chuyên gia y tế, khi bị cho thả rông tấn công, nạn nhân không chỉ bị thương ngoài da, mà còn có nguy cơ chấn thương phần mềm nếu gặp chó dữ. Đặc biệt, nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như: Nhiễm trùng, bệnh dại, viêm não cầu,... rất có thể xảy ra nếu con chó đó chưa được tiêm phòng.
Theo thống kê từ Bộ Y tế, trong tháng 1/2023, các cơ sở y tế trong cả nước thống kê được trên 50.000 người bị chó cắn, mèo cào phải tiêm chủng tiêm vaccine phòng bệnh dại. Con số này tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, cho biết bệnh dại chủ yếu lây truyền qua các vết cắn, vết trầy xước từ nước bọt của động vật bị dại sang cơ thể người. Sau khi xâm nhập, nếu không kịp thời tiêm vaccine dại, virus dại sẽ nhân nhanh số lượng ngay tại điểm cắn, di chuyển dọc theo các dây thần kinh, tiến thẳng tới hệ thần kinh trung ương với tốc độ khoảng 12-24mm mỗi ngày để bắt đầu hành trình "tàn phá".
Bệnh dại không phát ngay, thời kỳ ủ bệnh trung bình từ 30 đến 90 ngày, có thể kéo dài đến 1 năm. Vết thương càng nặng, càng gần các đầu mút thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Ngược lại, nếu vết thương nhẹ, xa thần kinh trung ương, "đoạn đường" di chuyển của virus lên đến não và thời gian ủ bệnh sẽ dài hơn.
Bệnh dại có 2 thể: thể cuồng và thể liệt. Thể cuồng, ngay khi bị nhiễm virus, nếu không tiêm vaccine dại kịp thời, triệu chứng đầu tiên của người bệnh là sốt cao, đau đầu, sốt, mệt mỏi, cảm giác tê và đau ngay tại vết thương.
Khi virus xâm nhập sâu vào não bộ, người bệnh bắt đầu có biểu hiện mất ngủ, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ gió, hành vi hung hăng, tăng tiết nước bọt, hạ huyết áp, lú lẫn, co thắt cơ bắp, ngưng tim.
Bệnh tiến triển tăng đến mức người bệnh không thể uống nước, không nuốt được, ăn uống trở nên cực kỳ khó khăn. Ở thể này, người bệnh sẽ tử vong chỉ sau 1 tuần kể từ ngày phát bệnh.
Thể liệt ít gặp hơn, thể này khiến người bệnh tê liệt toàn bộ cơ thể, rối loạn tiểu, rối loạn đại tiện, liệt tay, chân. Người bệnh sẽ tử vong ngay nếu liệt lan đến cơ hô hấp. Khi phát dại, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn cho đến lúc bệnh nhân tử vong.
Người nhiễm virus dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong là gần như 100%, mặc dù vậy bệnh dại hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vaccine đúng và đầy đủ.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo, khi con vật đã được xác định mắc bệnh dại phải tiêu hủy ngay (trường hợp không xác định được chủ vật nuôi thì ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm tiêu hủy) để ngăn chặn sự lây truyền bệnh sang súc vật khác và lây truyền sang người.
Một số biện pháp phòng tránh bệnh dại cần lưu ý- Cách ly, theo dõi những con vật nghi mắc bệnh dại, nhiễm bệnh dại.
- Vệ sinh, khử trùng tiêu độc toàn bộ chuồng, cũi, dụng cụ chăn nuôi, vận chuyển, môi trường thức ăn, chất thải, các vật dụng khác đã tiếp xúc với con vật mắc bệnh.
- Tất cả chó, mèo khỏe mạnh trong ổ dịch phải được nhốt, theo dõi.
- Tiêm bắt buộc cho chó, mèo khỏe mạnh trong ổ dịch và các thôn tiếp giáp, tiêu hủy những con chó, mèo không tiêm phòng.
- Tất cả những người bị chó, mèo cắn, cào, liếm hoặc tiếp xúc phải thực hiện nghiêm ngặt việc xử lý vết thương, khám và điều trị dự phòng; tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc nam.
Tags