Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" là một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. 10 năm trước, nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014) bên cạnh phim truyện điện ảnh Sống cùng lịch sử, khán giả còn được thưởng thức phim truyền hình Đường lên Điện Biên - bộ phim dài tập đầu tiên nói về chiến thắng Điện Biên Phủ do NSƯT Bùi Tuấn Dũng đạo diễn.
Phim Đường lên Điện Biên dài 26 tập (45 phút/tập) do Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp cùng Hãng phim Truyện Việt Nam sản xuất năm 2014. Kịch bản phim do 2 nhà văn Từ Nguyên Trực và Khuất Quang Thụy chuyển thể từ tiểu thuyết Đường lên Tây Bắc và Đại đội trưởng của tôi của cố nhà văn Mai Vui.
Lãng mạn và bi tráng
Bộ phim xoay quanh hành trình của Tiểu đoàn 5 - tiểu đoàn bộ binh chủ lực trong chuyến hành quân xuyên Tây Bắc tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Họ là những người lính vệ quốc hào hoa, mang khí phách của những thanh niên Thủ đô ngày ấy, gác bút nghiên đi kháng chiến với bao hoài bão, ý thức trách nhiệm khi Tổ quốc lâm nguy: "Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng/ Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm/ Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm/ Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa... Nghe tiếng gọi của những người Hà Nội/ Trở về, trở về, chiếm lại quê hương" (Ngày về - Chính Hữu).
Đi cùng với Tiểu đoàn là một đoàn quân đặc biệt với hơn 500 cô gái dân công xinh đẹp, nết na, tạm rời lớp học, đồng quê, làng xóm, gia đình tham gia đoàn dân công hỏa tuyến lên Điện Biên.
Tiểu đội trưởng bộ đội chủ lực Hùng (diễn viên Nguyễn Mạnh Trường) về thăm nhà sau nhiều năm chiến đấu xa quê. Bao mong ước cho ngày phép ngắn ngủi đoàn viên thì anh hay tin vợ đã bỏ nhà đi theo người khác.
Dịp này, Hùng gặp Hà (diễn viên Nguyễn Huyền Trang), cô du kích địa phương đẹp người, đẹp nết. Theo tục tảo hôn, Hà bị gả bán làm vợ cậu bé mới 10 tuổi... Trở về đơn vị, Hùng cùng đồng đội chuẩn bị tấn công những cứ điểm trên chiến trường Điện Biên Phủ. Cùng đơn vị anh có Hào (diễn viên Nguyễn Mạnh Hưng) là liên lạc viên đẹp trai, hào hoa. Hào cảm mến và đem lòng yêu Diên - cô gái Thái xinh đẹp ở nơi đơn vị anh đóng quân.
Hùng gặp lại Hà đang hành quân cùng đoàn thanh niên xung phong tại chiến trường Điện Biên. 2 hoàn cảnh, 2 số phận khiến Hùng và Hà cảm mến, thương nhau, hẹn ngày hòa bình sẽ làm lễ cưới. Nhưng cuộc chiến quá khốc liệt. Biết bao chiến sĩ đã hy sinh trong hành trình đến ngày chiến thắng. Hà đã hy sinh tại đơn vị Quân y 316, lỗi hẹn với một đám cưới vào ngày hòa bình...
Trong hành trình lên Điện Biên, bên cạnh sự khốc liệt của cuộc chiến là vẻ đẹp trong trẻo, hồn hậu, tinh tế của những chàng trai, cô gái hào hoa, lãng mạn thuộc 2 đơn vị cùng đích đến Điện Biên. Máu và nước mắt trong phim mang lại cho người xem cảm xúc lãng mạn mà bi tráng.
Thách thức khi làm phim chiến tranh
Đường lên Điện Biên được đầu tư công phu, được chuẩn bị kỹ lưỡng, chỉn chu từ bối cảnh, phục trang, đạo cụ, chọn diễn viên... góp phần làm nên sự chân thực cho phim. Song trên hết, cả ê-kíp xác định việc sử dụng vũ khí quân dụng phải vừa hiệu quả, vừa an toàn cho diễn viên. Khi làm hậu kỳ, phim được nhóm chuyên gia nước ngoài đánh giá rất cao các cảnh kỹ xảo. Nhờ sử dụng hiệu quả kỹ xảo, nhiều bối cảnh khó đã được tái hiện lại một cách chân thực với núi non hiểm trở, những cánh rừng gai góc với dây leo chằng chịt, máy bay quần thảo bầu trời... Phim đã "huy động" tới 3 loại máy bay và tất cả được tạo hình bằng máy tính...
Sau 2 phim điện ảnh Đường thư và Những người viết huyền thoại, khi thử sức với phim truyền hình, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng vẫn thấy nhiều thách thức. "Thật khó mà có thể tái tạo ra không gian của hơn nửa thế kỷ trước. Đây là đề tài khó và là phim đầu tiên tôi làm về kháng chiến chống Pháp" - anh chia sẻ.
Song đạo diễn đã đặt niềm tin lớn vào quyết tâm, cách lựa chọn của bản thân. Trước hết, từ bản thân, anh tự thấy hợp với đề tài chiến tranh, có nguồn tư liệu sống về chiến tranh luôn đầy ắp, được tích lũy từ "những người lính năm xưa" trong chính gia đình: Bố mẹ của mình. Thêm nữa, anh cũng thu thập được nhiều kiến thức trên phim trường khi thực hiện các bộ phim về chiến tranh trước đó. Ngoài ra, Bùi Tuấn Dũng cũng tự tin khi có 2 tay máy kỳ cựu Lý Thái Dũng và Vũ Quốc Tuấn, cùng các cộng sự đắc lực và dàn diễn viên tâm huyết có nghề.
Là giám đốc hình ảnh của phim, NSƯT Lý Thái Dũng rất chú trọng yếu tố nghệ thuật, thẩm mỹ để phim phải có khuôn hình cho những bối cảnh lớn, nhỏ đạt tới sự chân thực về sự khốc liệt, hào hùng, đậm chất tráng ca mà vẫn lãng mạn, trữ tình. NSƯT Vũ Quốc Tuấn hoan hỉ khi thực hiện những cảnh quay đa dạng, sinh động để phần tạo hình đòi hỏi phải đạt được 2 yêu cầu: Bên hình ảnh khốc liệt, gian khổ của cuộc chiến là tình yêu đậm chất thơ, lãng mạn, trong trẻo, thơ mộng. Xem phim, khán giả mãn nhãn trước khung cảnh những đồi núi xanh ngút ngàn, thác nước nên thơ, hoa ban trắng trời, với "Đường lên Tây Bắc xa xôi, nếp nhà sàn thấp thoáng/ Đằng xa tiếng hát dân quân, tiếng reo lưng đồi nương..." (Văn An).
Những ngày qua, phim Đường lên Điện Biên đang được phát lại trên VTV1 từ ngày 29/4
Chú trọng yếu tố con người
Là thế hệ 7X, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đam mê, tâm huyết làm phim chiến tranh theo góc nhìn của người trẻ, theo "tạng" cái của mình. Như anh từng chia sẻ: "Chúng tôi đi sâu vào yếu tố con người thay vì vấn đề vũ khí. Đây là yếu tố quan trọng làm nên chiến thắng. Nội dung phim mang tính nhân văn và cố gắng đề cập đến mảng sâu thẳm, đến sự khác biệt, hiếm hoi của đề tài chiến tranh. Tôi không muốn lặp lại cái cách người khác đã làm mà muốn đi sâu vào các chi tiết của đời sống. Mỗi cảnh quay có hàng chục góc quay và mỗi góc quay, chúng tôi đều gửi gắm yếu tố con người, sự nhân văn đến khán giả".
Vì thế, những xung đột, mâu thuẫn, những câu chuyện vừa bi tráng, vừa thấm đẫm ân tình giữa các nhân vật... trong phim đã được đạo diễn xử lý một cách tinh tế, hợp lý, duy trì được nhịp độ phim để lôi cuốn khán giả.
Nhất quán với cách làm phim đó, đạo diễn cùng ê-kíp đã cố gắng tối đa để đi tìm, lắng nghe, lượm lặt, sưu tầm được những câu chuyện chân thực rất đời, rất người, nảy sinh từ thực tiễn sinh động trong các đoàn dân công hỏa tuyến mà sách vở chưa kịp ghi lại. Những chi tiết rất đắt đã được đạo diễn đưa vào phim như: Đoàn dân công hỏa tuyến sáng tạo dụng cụ ăn bằng bát tre và gáo dừa; chuyện cá khô... Cô dân công hỏa tuyến đã để dành cá khô đón tuổi 20 của mình là một chi tiết hiện thực đầy ám ảnh và xúc động. Vì cá khô để dành vẫn còn đó, trong khi cô đã hy sinh trước ngày sinh nhật.
Để đưa vào phim những câu hò sinh động chân thực, đoàn phim đã cử người vào Thanh Hóa, Nghệ An tìm gặp những dân công thu âm những câu hò mà họ đã hát khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. NSƯT Hoàng Lương đã hỗ trợ, xử lý khéo léo để tạo nên làn điệu hò đặc trưng hò sông Mã - Thanh Hóa, hò xứ Nghệ…
Ngoài sự khốc liệt của chiến tranh, trận mạc, gian khổ hy sinh của quân và dân ta, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng không cố gồng lên để làm một bộ phim về trận đánh Điện Biên hoành tráng mà chú ý khai thác chất trữ tình, lãng mạn, nét hào hoa phong nhã của người vệ quốc quân. Những khoảng lặng của chiến tranh được khai thác rất khéo léo, tiêu biểu là tình yêu nơi trận mạc. Hai cặp đôi chính Hùng - Hà, Hào - Diên được xây dựng tạo nên tính trữ tình, lãng mạn của tình yêu lứa đôi hài hòa trong tình yêu đất nước. Chuyện tình của anh bộ đội liên lạc Hào với cô gái bản Pía xinh đẹp, dịu dàng còn mang ý nghĩa tình cảm quân dân thắm thiết. Chuyện tình của Hùng và Hà mang ý nghĩa cho sự gắn bó giữa bộ đội và dân công hỏa tuyến.
Trong phim có nhiều phân cảnh xúc động. Hùng bị thương đưa vào đơn vị Quân y 316 đã được Hà chăm sóc, tiếp máu của mình cứu người yêu. Phút giây ngắn ngủi Hùng - Hà chia tay bịn rịn, quyến luyến. Hà lo lắng cho sức khỏe của Hùng và bao nỗi lo thường trực khác. Hà hỏi trong thao thiết có cả âu lo: "Chúng ta có được gặp nhau không?". Hùng trả lời dứt khoát: "Chúng ta sẽ ở bên nhau mãi mãi". Họ hẹn nhau ngày hòa bình sẽ tổ chức lễ cưới. Nhưng Hà đã hy sinh tại quân y viện ngay trước ngày hòa bình...
Kể những câu chuyện tình yêu bất tử, Đường lên Điện Biên đã chạm đến trái tim của đông đảo khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ.
Đạo diễn không cố gồng lên để làm một bộ phim về trận đánh Điện Biên hoành tráng mà chú ý khai thác chất trữ tình, lãng mạn, nét hào hoa phong nhã của người lính vệ quốc.
Tags