(Thethaovanhoa.vn) - 1. Những ngày qua, mạng xã hội tràn ngập sắc cờ đỏ sao vàng khi cả nước hướng về biển Đông. Ở đó, có sự hiện diện của các nhà văn, “những thư ký trung thành của thời đại”.
Nhà văn quân đội Nguyễn Đình Tú đưa lên những bức ảnh chân thực và cảm động về những người lính biển. Từ bữa cơm giản dị của người lính trên con tàu lênh đênh sóng nước, đến hình ảnh cô gái tiễn người lính lên tàu, chia xa nhưng hẹn ngày trở lại...
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ thì đã viết những dòng thơ xúc động: “Trước khi ra đường cha sẽ hôn con/ như những người cha trên đảo Lý Sơn sớm nay lên thuyền đi vào biển mặn/ chúng ta hôn lên đôi môi của đứa con trai/ dặn ở lại/ mai con của ta sẽ là tráng đinh giữ nước!”…
Trang cá nhân của nhà văn Nguyễn Quang Vinh còn có Thư gửi các nhà văn Trung Quốc, bức thư có đoạn: “Chúng ta những nhà văn, không chỉ có thế, không chỉ ngồi viết ra những tác phẩm về con người của đất nước mình, say mê và lãng mạn, cố thủ trong ý thức dân tộc, mà quên đi trách nhiệm đối với thế giới bên ngoài, mà giả tảng về những hành xử không tốt đẹp của nhà nước mình đối với các nước láng giềng… Hãy vì danh dự cao cả của một nhà văn”.
Còn nhiều, nhiều nữa tiếng lòng những nhà văn Việt Nam trong những ngày “nóng bỏng” này.
2. Đọc những dòng nhiệt huyết ấy chúng ta vui, xúc động và thêm vững tin trước tình cảm của những người cầm bút. Nhưng vẫn chưa đủ, đồng bào và Tổ quốc đòi hỏi các anh nhiều hơn thế. Tổ quốc đang cần sức mạnh thiên chức nhà văn lúc này, như lời hiệu triệu của thi sĩ Sóng Hồng: “Dùng bút làm đòn chuyển xoay chế độ/ Mỗi vần thơ: bom đạn phá cường quyền”.
Nước Việt đang đứng trước thử thách lớn, hơn lúc nào hết, tình yêu quê hương xứ sở cần được vun đắp vẹn tròn. Tình yêu nước Việt hình thành từ đâu, những vần thơ, áng văn thổi vào hồn tuổi thơ hình ảnh quê hương xứ sở thân yêu, sự gắn bó máu thịt với bao điều kì diệu, như những cánh đồng thơm mát, những ngả đường bát ngát, những dòng sông đỏ nặng phù sa. Là “Đất Nước có trong những cái "ngày xửa ngày xưa.." mẹ thường hay kể”. Ở nơi đó, trong mỗi tiếng gọi đất nước có một niềm tự hào, có một niềm ân cần, thiết thân không gì ngăn lại. Để thấy “Đất Nước là máu xương của mình/ Phải biết gắn bó và san sẻ”.
Không ai dám lớn tiếng nói với các nhà văn về lòng yêu nước. Bởi hơn ai hết, họ thấu hiểu tình cảm, linh hồn dân tộc và hiểu rõ thời đại họ đang sống. Nhưng cũng bởi vì thế, mà hơn lúc nào hết, dân tộc cần những tác phẩm, những đứa con tinh thần của họ cống hiến cho đất nước.
Chỉ mong các nhà văn làm thật tốt sứ mệnh của mình “Và lúc cần, quẳng bút lấy long tuyền. Hỡi thi sĩ! Hãy vươn mình đứng dậy!” như lời kêu gọi của thi sĩ Sóng Hồng (Tổng Bí thư Trường Chinh).
Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa
Tags