(Thethaovanhoa.vn) - Người ta thường lên án giới trẻ đọc tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc (đang được phổ biến ồ ạt tại Việt Nam cả trên mạng lẫn trên thị trường sách giấy), nhưng buổi trò chuyện Ngôn tình - thực và mộng do Khoa tiếng Trung Quốc, Đại học Ngoại thương tổ chức hôm 8/6 cho thấy giới trẻ hiểu được họ đang đọc gì và đang sống ở đâu.
“Giờ đây, khi đứng trước một tác phẩm ngôn tình, điều đầu tiên tôi làm là tìm lý do để... không đọc nó” - sinh viên Trịnh Minh Trang ở Đại học Ngoại thương chia sẻ kinh nghiệm “cai nghiện” sách ngôn tình cho các bạn bè cùng lứa.
Niềm say mê khiến người lớn kinh ngạc
“Ngôn tình”, theo chị Trần Hải Ngọc, Phó Giám đốc Công ty sách Đinh Tị (nơi xuất bản rất nhiều tiểu thuyết ngôn tình), là một từ không có định nghĩa chính xác nhưng tạm hiểu là các câu chuyện tình lãng mạn (nam – nữ), thiên về giải trí.
Bộ bộ kinh tâm (tác giả Đồng Hoa), Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi (Cửu Bả Đao), 33 ngày thất tình (Bảo Kình Kình), Bên nhau trọn đời (Cố Mạn), Anh có thích nước Mỹ không? (Tần Di Ổ)... được các sinh viên và học sinh trung học nhiều lần nhắc đến như những tiểu thuyết ngôn tình cực kỳ “hot” trong giới trẻ.
Sinh viên Ngoại thương nói về rải nghiệm đọc sách ngôn tình, những nhân vật yêu thích và rất sôi nổi khi bàn luận “cách cai nghiện ngôn tình”. Ảnh: Mi Ly |
Hai chữ “thực và mộng” có lẽ nên đổi thành “mộng và thực” - đọc sách để sống trong mộng và trở về đời thực. Trong đoạn phim ngắn phỏng vấn nhanh các sinh viên Ngoại thương, có bạn nhận mình đọc mỗi ngày... vài chục quyển ngôn tình (phải đến hàng trăm nghìn chữ), có bạn ngày vài quyển, cũng có bạn chẳng hề thích và chẳng hề đọc.
Chia sẻ với TT&VH, bà Nguyễn Thị Phương, Phó Khoa tiếng Trung Quốc, cho biết hoàn toàn bất ngờ trước niềm say mê của sinh viên: các bạn thuộc làu làu những đoạn trích, những khúc nhạc phim lãng mạn trong những tác phẩm ngôn tình nổi tiếng, khi được hỏi đều giơ tay rào rào.
“Có lẽ trong lớp cũng chưa có khi nào các bạn giơ tay hào hứng đến vậy” – chị Trần Hải Ngọc phát biểu cảm nghĩ.
Các đầu sách ngôn tình nổi tiếng ở Việt Nam hiện nay |
Lý giải lòng say mê này, bạn Hoàng Minh Huyền, người chuyên biên tập và đăng truyện ngôn tình lên một diễn đàn của giới trẻ, nói: “Có thể do cuộc sống quá thiếu thốn sự mơ mộng nên các bạn tìm đến truyện, nơi có những điều không thể xảy ra trong đời thực của họ”.
Các mối tình trong truyện lãng mạn đến không thực. Sách ngôn tình hoàn mỹ hóa các nhân vật đến độ đẹp lung linh. Nhưng điều hấp dẫn và thu hút nhất, khiến rất, rất nhiều bạn nữ tìm đọc ngôn tình là các “soái ca”, một thuật ngữ chỉ những nhân vật nam chính cực kỳ đẹp trai và có ưu điểm lớn là chung tình (điều mà các độc giả cho rằng đàn ông ngoài đời thua xa). Hà Dĩ Thâm trong Bên nhau trọn đời của Cố Mạn là một nhân vật được các bạn nhắc đến nhiều, vì thành tích: chung thủy chờ đợi người yêu cho dù không biết là phải chờ bao lâu (cuối cùng là chờ 7 năm).
Một bạn học sinh tiết lộ: “Vì Hà Dĩ Thâm là luật sư nên em cũng quyết định thi trường luật để làm cùng nghề với anh. Nhờ anh mà em có quyết tâm rất lớn”.
Nghe qua tưởng như ngây ngô, nhưng thật lòng mà nói, với thế hệ già hơn, khi chọn ngành học đại học, mấy ai không chọn bừa hoặc chọn theo ý thích của người khác? Chọn theo ý thích của chính mình cũng là một biểu hiện tích cực chăng?
Dòng sách ngôn tình có tàn lụi?
Giới trẻ ngày nay so sánh việc họ say mê ngôn tình với các độc giả thế hệ trước say mê tiểu thuyết diễm tình của Quỳnh Dao.
Dòng sách này xuất hiện từ trước và bắt đầu bùng nổ ở Việt Nam từ khoảng 2009-2010. Hiện nay, nhiều công ty sách chỉ xuất bản sách ngôn tình. Chỉ trong khoảng 6 năm, ngôn tình đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường xuất bản và đó là một khoảng thời gian ngắn đến đáng ngạc nhiên.
“Có nhiều người không thiện cảm với dòng sách ngôn tình và nghĩ rằng cơn sốt ngôn tình chỉ tồn tại vài năm ngắn ngủi, nhưng tôi không nghĩ thế” – chị Hải Ngọc cho biết. “Cũng như âm nhạc, có người thích nhạc cổ điển, có người thích nhạc thị trường, luôn có những độc giả thích đọc sách ngôn tình bên cạnh những người thích sách kinh điển. Theo tôi, dòng sách này sẽ không tàn lụi mà cơn sốt chỉ hạ nhiệt thôi, nó luôn có độc giả trung thành”.
Những “biến tướng” của lòng hâm mộ không phải không có. Giới trẻ ngày nay so sánh việc họ say mê ngôn tình với các độc giả thế hệ trước say mê tiểu thuyết diễm tình của Quỳnh Dao. So sánh có lý, nhưng có một khác biệt rất lớn không thể bỏ qua: sự có mặt của internet.
***
Ngày nay, người ta không say mê cái gì đó một mình mà trở thành một cộng đồng rất dễ dàng nhờ có mạng kết nối. Nhưng một cộng đồng với rất nhiều “fan cuồng” (ở đây có thể hiểu là người dành quá nhiều thời gian cho truyện ngôn tình) không phải bao giờ cũng trong tình trạng hòa bình. Cư dân mạng dùng từ “fanwar” (chiến tranh giữa người hâm mộ), để chỉ những cuộc tranh cãi nhiều khi nảy lửa.
Thể thao & Văn hóa
Tags