(TT&VH) - Thời gian gần đây, nhiều bậc phụ huynh có con ở độ tuổi mẫu giáo đua nhau cho con vào cơ sở "đào tạo đặc biệt" được giới thiệu là giúp các em "làm phép tính một cách siêu tốc".
Các bậc phụ huynh vẫn "kháo" nhau về trung tâm này theo đúng hi vọng của mình, nơi "đào tạo thần đồng". Họ mong con em mình sớm nổi trội hơn chúng bạn, ngay từ khi các cháu còn chưa vào lớp 1.
Để hiểu rõ hơn phương thức đào tạo đặc biệt này, chúng tôi tìm đến Trung tâm UCMAS Hà Đông (Hà Nội), một nơi dạy trẻ "làm toán siêu tốc".
Nhan nhản…"thần đồng"
Cứ mỗi độ cuối tuần, khoảng 300 trẻ em lứa tuổi từ 4 -12 trên địa bàn khu vực Hà Đông- Hà Nội lại tới Trung tâm UCMAS trên đường Quang Trung (Hà Đông- Hà Nội) để học tính nhẩm "siêu tốc". Tới đây các em sẽ được học tính theo bàn tính có bản quyền của Malaysia (nhìn gần giống bàn tính của người Trung Quốc xưa). Mới đầu, các em sẽ được học cộng trừ 1 chữ số, 2 chữ số, 3 chữ số rồi đến nhân chia…Và cuối cùng các em có thể tính nhẩm được bằng " bàn tính ảo" hình dung trong đầu. Mục đích cuối trong đào tạo tư duy tính toán của mô hình này là để các cháu có thể tính nhẩm cộng trừ nhân chia từ 2 chữ số đến 4 chữ số theo nguyên tắc của bàn tính.
"UCMAS chính thức triển khai ở Việt Nam từ năm 2009. Còn trung tâm của chúng tôi từ năm 2010. Riêng ở Hà Nội, UCMAS có khoảng 30 trung tâm, trung tâm của chúng tôi có độ 300 cháu theo học. Hệ thống đào tạo của bọn tôi hầu như quận nào cũng có, có quận rộng có tới 2 trung tâm.
Bàn tính có bản quyền của Malaysia, "công cụ" để các em làm toán siêu tốc
Ở Việt Nam con số trung tâm lên tới trên 70. Trung bình mỗi trung tâm 200-300 học sinh, có trung tâm cả nghìn học sinh. Cả nước số học viên lên đến mấy chục nghìn. Bởi bên cạnh thành phố, giờ các tỉnh lẻ họ mở trung tâm rất nhiều. Ngoài ra, còn rất nhiều đơn vị khác dạy bàn tính và làm toán siêu tốc theo mô hình tương tự…"- ông Nguyễn Văn Hùng, Quản lý trung tâm UCMAS 602 Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội chia sẻ.
Ông Hùng cũng cho biết, giáo viên ở trung tâm chỉ cần chứng nhận sư phạm rồi trung tâm sẽ cử đi học. Chỗ bán bản quyền bàn tính của Malaysia sẽ là bên đào tạo giáo viên. Họ sẽ đào tạo giáo viên chung của toàn hệ thống. Cụ thể, trung tâm là bên tuyển dụng, còn họ là bên đào tạo.
Theo lời giới thiệu của ông Hùng, chúng tôi tìm được la liệt kết quả tìm việc của trung tâm UCMAS được rao ở rất nhiều trang mạng. Theo đó, việc đào tạo các "thần đồng" cũng chỉ yêu cầu giáo viên trình độ cao đẳng và không cần phải kinh nghiệm làm giáo dục.
Các giáo viên của trung tâm chia sẻ, về thực chất việc tính nhẩm theo bàn tính của Malaysia hay kẻ hàng theo kiểu của Việt Nam là đi hai con đường khác nhau để cùng đến đáp số cuối cùng. Quan trọng là con đường nào ngắn nhất. Tuy nhiên, việc các cháu bỏ học nhẩm tính thành thạo theo bàn tính ở các trung tâm rồi sau đó, các cháu lại phải đến lớp học tính theo phương pháp ở trường là một quy trình "giậm chân" nhau của các phương pháp giáo dục.
Khổ luyện toán siêu tốc
Đặc biệt, ở nhiều trung tâm đào tạo "thần đồng" như trên, các bé mầm non được cha mẹ đóng 100 ngàn đồng/buổi để con em mình được rèn rũa. Ngoài tiền học ra còn các tiền bàn tính, giáo trình thay liên tục.
Theo chia sẻ của các bậc phụ huynh, các cháu ở trung tâm (kể cả mầm non) học xong đều có bài tập về nhà và phải chịu khó... luyện. Chỉ có thực hành thật nhiều, các cháu mới có thể thao tác thành thạo. Và thực tế là ai luyện nhiều hơn sẽ hình dung tốt hơn. Vì vậy, các cháu về nhà cũng phải luyện tập nhiều và chịu đựng những áp lực nhất định của bài về nhà.Theo tìm hiểu, một lớp luyện tính siêu tốc có tối đa 20 học sinh, trung bình 14, 15 học sinh. Mục tiêu đến hết chương trình đào tạo của các bé mầm non là tính nhẩm cộng trừ được 2 chữ số. Còn việc có bé tính nhanh, có bé tính chậm tùy thuộc các em. Và khi đến Trung tâm UCMAS Hà Đông, chúng tôi có dịp "mục sở thị" việc tính toán "siêu phàm" của các bé. Việc tính nhẩm được 2 con số của các bé mầm non hoàn toàn không phải là tin đồn.
Ông Nguyễn Văn Hùng cho rằng: "Học ở độ tuổi 4,5 - 5 lại tác dụng nhiều hơn các anh chị lớn. Học bàn tính xong các em có thể tính được nhiều hơn 10 đầu ngón tay như các em bình thường. Chưa cần biết chữ, các em chỉ cần biết mặt số, gảy thao tác là ra kết quả luôn. Trong quá trình đào tạo, các bạn nhỏ yêu cầu học tính chính xác đã. Rồi chúng tôi mới đẩy tốc độ của các em lên. Vì làm toán đòi hỏi độ chính xác và tốc độ viết nhanh nên không thể đòi hỏi chữ đẹp được."
Anh Nguyễn Văn Hùng, Quản lý UCMAS Hà Đông nói về phương pháp
dạy trẻ "làm toán siêu tốc"
Theo tìm hiểu, sau 3 năm chương trình này vào Việt Nam, phụ huynh biết đến và quyết định để con em mình theo học chủ yếu bằng con đường… truyền miệng. Nhiều phụ huynh cảm thấy "bất an" khi con cái bạn bè tính toán với tốc độ "chóng mặt" nên đã tìm hiểu rồi đưa con cái mình vào theo. Người này mách người kia, người này sợ con người kia nên chẳng mấy chốc, các trung tâm quy tụ được rất đông học viên. Dần dần việc "nhào nặn thần đồng" có khả năng "làm toán siêu tốc" thành một thành trào lưu như ngày nay.
Phạm Mỹ