'Tôi đã thấy thần chết'

Thứ Ba, 24/11/2015 08:42 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Trước đây 120 năm, Conrad Roentgen phát minh ra tia Roentgen hay còn được biết nhiều hơn với tên X-quang, nhờ đó nhận giải Nobel Vật lý đầu tiên trong lịch sử. Chưa bao giờ trước đó người ta có thể nhìn thấu cơ thể người, đây quả là một thành tựu tuyệt vời trong chẩn đoán y học. Tuy nhiên chưa ai biết đến tác hại của tia sáng thần kỳ đó, và cứ thế hàng trăm nhà khoa học, nhân viên y tế và những người vô can khác đã chết một cái chết lặng lẽ.

Tối 8/11/1895

… Hiệu trưởng Trường Đại học Wuerzburg (Đức) phát hiện một hiện tượng khiến ông ngỡ ngàng. Ông làm việc một mình trong phòng thí nghiệm, khi các nhân viên đã về nhà từ lâu. Wilhelm Conrad Roentgen dọn dẹp các dụng cụ trên bàn rồi cố làm xong một thí nghiệm nhỏ cuối cùng. Ông tạo hình bằng tia huỳnh quang chiếu lên một tấm kính. Thí nghiệm này không có gì mới, đã được chép trong sách giáo khoa từ 1869.

Nhưng trái với quy định thí nghiệm, ông đã lấy giấy đen chắn đường tia sáng. Và đột nhiên nhận ra một số đồ vật quanh đó tỏa sáng. Roentgen nhận ra: có tia gì đó vô hình đã đi xuyên qua giấy chắn!


Nghe khó tin, nhưng quả thật 1897 đã có chiếc máy chiếu điện đầu tiên được sử dụng tại hải quan để dò đồ buôn lậu

6 tuần sau đó ông thử đủ các vật liệu khác, để đúc kết ra một ứng dụng khả dĩ làm cách mạng trong giới y khoa. Ngày 22/12/1895 ông dặn vợ ngồi thật yên và chiếu tia qua tay bà xuống một tấm kính tráng chất cản quang liên tục trong 25 phút.

Tấm hình X-quang đầu tiên trong lịch sử cho thấy xương tay của bà Bertha, phần mềm chỉ lờ mờ, và nhẫn thì như lơ lửng trong không khí. “Tôi đã thấy thần chết”, tương truyền Bertha đã thốt lên.

Câu cảm thán đó

… cho thấy mọi người phải choáng váng ra sao vào những năm chuyển sang thế kỷ mới, khi đột nhiên làm quen với một dạng chụp ảnh mới - khám phá cơ thể từ bên trong, phanh phui nó khi con người vẫn sống! Các tấm phim chụp bằng tia Roentgen biến con người thành một cỗ máy sinh học và có vẻ như giải thiêng sự sống thành một hiện tượng không còn màu thần bí.

Hiện tượng khoa học đó lan truyền vòng quanh thế giới như một cơn bão, vì tính kỳ dị cũng như sau này là tác động đe dọa của nó. Ngày 28/12/1895 Roentgen cho phát hành tiểu luận “Về một loại tia mới”, và Đại học Wuerzburg tổ chức đón nhận với một cuộc họp báo rầm rộ. Chỉ sau vài tuần, cả thế giới biết đến phát hiện này, và cả từng chi tiết trong thí nghiệm nói trên. Xuất thân từ một gia đình cực giàu có, Hiệu trưởng Roentgen đã không hề có ý định bảo vệ ý tưởng của mình. Trong ngôn ngữ thời @ có lẽ ta sẽ gọi đó là “nguồn mở”.


Hình một bàn tay do Roentgen chụp hôm 23/1/1896

Nhiều người tận dụng phát kiến của ông, nhưng chỉ một phần nhỏ đem áp dụng trong y tế, còn chủ yếu để làm trò chơi: không phiên chợ nào vắng một “chiếc máy ma” giúp khán giả nhìn thấy người mình từ bên trong. Giữa khoa học và giải trí hầu như không có biên giới. Cái duy nhất còn thiếu là ý thức về rủi ro. Với công suất máy chiếu điện thời ấy, người ta phải chiếu tia hàng giờ đồng hồ.

Ai hôm nay đi chiếu điện

… cũng biết quá trình bắn tia chỉ kéo dài trong nháy mắt, nhưng kiến thức thời Roentgen còn sơ khai. Năm 2011, một chuyên gia về X-quang là Gerrit Kemerink ở Bệnh viện Đại học Maastricht (Hà Lan) đã tái tạo chiếc máy chiếu tia Roentgen của nhà phát minh vĩ đại từ năm 1896. Máy đo cường độ xạ cho thấy tay bà Bertha đã “bị” chồng chiếu tia mạnh hơn hôm nay gấp mười ngàn lần. Và đó là nguyên nhân khiến hàng trăm người vô tình nhiễm xạ vì đứng gần, chủ yếu là nhân viên y tế và bệnh nhân của họ trong niềm tin ngây thơ vào kỹ nghệ mới.

Ban đầu đa số máy chiếu tia Roentgen không ở bệnh viện, mà được đem làm trò tiêu khiển ngoài đường, do đó con số nạn nhân có thể không được thống kê đầy đủ. Nhiều nhà hát đã bắt diễn viên chạy qua chạy lại trước màn hình. Hãng sản xuất đồ chơi Maerklin của Đức còn tung ra máy Roentgen cỡ nhỏ làm đồ chơi trẻ con! Lập tức có ngay một nhà thời trang kiếm bộn tiền với “quần lót không thể nhìn xuyên”.


Bên cạnh chẩn đoán gãy xương, X-quang giúp nhận ra các bệnh phổi. Đây là hình chụp lồng ngực cô đào Marilyn Monroe nổi tiếng

Thomas Alva Edison

… ông tổ vĩ đại của bóng điện, cũng nằm trong số “điếc không sợ súng” đó. Ông thiết kế một dạng máy Roentgen mini cho toàn dân (!) với trợ thủ đắc lực là Clarence Madison Dally, và hai người đem máy đi biểu diễn khắp New York. Dally là một thợ thủ công khéo tay, từng ngồi hàng trăm giờ để thử lấy bàn tay tạo bóng trên màn bạc.  

Một thời gian sau Dally rụng hết tóc, rồi tay bị bỏng nhiều chỗ, khiến Edison cũng bắt đầu ngờ ngợ về tác hại của tia xạ. Năm 1900 trên mặt Dally xuất hiện nhiều mụn rộp và ở tuổi 35 ông đã mất sức lao động. Tay trái ông sưng đỏ - chính là bàn tay che tia xạ, như hầu hết những ai thuận tay phải trong nghề này. Chậm nhất vào năm 1902, các vết phồng trên tay Dally không khó khăn để nhận ra là hậu quả ung thư da. Và người ta phải cưa tay Dally lên tận khuỷu.    

Edison, nhà phát minh thiên tài và thương gia máu lạnh, hoàn toàn sốc khi trợ lý của ông dần dần bị cưa cả hai tay. Ông chấm dứt bán những chiếc máy giết người và rút khỏi mọi nghiên cứu về tia X-quang. “Đừng bao giờ hỏi tôi về tia Roentgen nữa”, số báo hôm 3/8/1903 của tờ New York World nhắc lại lời ông, “tôi sợ lắm rồi!”

Clarence Dally qua đời

… tháng 10/1904 ở tuổi 39, có lẽ là nạn nhân đầu tiên của tia Roentgen được sách vở ghi lại, còn kéo theo nhiều người nữa. Hôm nay một tượng đài nho nhỏ trong vườn của Bệnh viện St.George ở Hamburg nhắc ta nhớ đến 159 bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên và nhà khoa học đã chết trước khi người ta nhận ra tác dụng phụ chết người của tia Roentgen.

Nhưng, dù không phải chủ ý, đó là cái giá phải trả cho hàng triệu người được sống tiếp nhờ con mắt thần của Roentgen nhìn thấu tiểu vũ trụ mà tìm ra các mầm bệnh chưa ai trông thấy.

Cho đến nay, chừng 40 giải Nobel được trao cho các phát minh hay thành tựu dựa trên phát kiến của Roentgen mà trong đó tia xạ mang tên ông không phải là duy nhất. Sau khi ông chết, người ta buộc phải tuân theo ý nguyện cuối đời và đốt hết mọi tài liệu. Ai biết, liệu trong đó cũng ẩn vài tia chớp trí tuệ khác nữa?

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›