“Việc cấp thẻ phụ, kèm theo thẻ tác nghiệp chính SEA Games 31 cho các phóng viên mảng bóng đá, khiến phần lớn chúng tôi đều ngỡ ngàng. Từ cái sự ngỡ ngàng ấy, lại trở thành thú vị, khi tất cả được sống lại thời kỳ tem, phiếu, xếp hàng..., với cuộc sống bao cấp ở Việt Nam, mà không phải thế hệ nào cũng được trải qua, đặc biệt là 8X đời cuối và 9X đời đầu.
Từ Việt Trì ở Phú Thọ, xuôi Thiên Trường - Nam Định, ra Cẩm Phả - Quảng Ninh và quay lại Mỹ Đình - Hà Nội, những địa phương đăng cai bóng đá nam và nữ SEA Games 31, đều xảy ra tình trạng quá tải, bất kể có bán vé hay mở cửa tự do, theo quy định của BTC. Tình yêu bóng đá của người Việt Nam quả là khó nơi nào sánh bằng, và người ta đã chứng kiến cảnh xếp hàng rồng rắn đến hàng cây số, từ rạng sáng đến chập tối, khi trận đấu chuẩn bị diễn ra.
Có ít nhất 2 bận, người viết đã không thể quay trở lại bên trong sân bóng, sau khi xin phép ra ngoài để tác nghiệp không khí bên lề các trận đấu. Một lần ở Cẩm Phả và bận khác tại Thiên Trường. Lý là bởi, lực lượng an ninh được lệnh đóng cửa, kiểu nội bất xuất ngoại bất nhập, khi sức chứa của các khán đài không thể đáp ứng đủ lượng người muốn vào xem.
Việc phát hành thẻ phụ cho cánh phóng viên, hay giấy mời cho khán giả, ở những sân bóng không bán vé như Thiên Trường hay Cẩm Phả, cũng là cơ sở để kiểm soát lượng người vào sân, nhằm đảm bảo an toàn ở chỉ số cao nhất. Xếp hàng, trong mọi hoàn cảnh, đều là cho thấy cái sự văn minh. Ngay cả các phóng viên - biên tập viên các mảng truyền hình, ảnh, phóng viên viết, hay online..., của báo Thể thao & Văn hóa, cũng phải phân chia rất kỹ càng, vì số lượng thẻ phụ có hạn.
Điều kiện tác nghiệp, với rất nhiều môn thi đấu diễn ra cùng lúc (chứ chẳng riêng gì bóng đá), ở nhiều địa phương khác nhau, đòi hỏi chúng tôi phải di chuyển liên tục. Không may mà đến địa điểm thi đấu muộn một chút, đặc biệt là với môn bóng đá, có thể không vào được sân luôn. Tôi đã bị chặn lại ở cửa an ninh sân Cẩm Phả hôm bán kết bóng đá nữ SEA Games 31 theo cách này. Khó khăn nhiều vô kể, kỷ niệm vui buồn cũng không đếm hết được, suốt 3 tuần tác nghiệp các sự kiện chính của SEA Games trên sân nhà..., nhưng đọng lại vẫn là rất nhiều nụ cười trên môi.
Có thể thấy, thành công của chủ nhà Việt Nam không chỉ thể hiện ở các số lượng huy chương nhất toàn đoàn, mà là bầu không khí lễ hội trên các khán đài, những nẻo đường và đặc biệt là nụ cười mến khách với bè bạn 5 châu. Trong bối cảnh khó khăn, hậu làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ 4, chúng ta đã tổ chức một kỳ SEA Games thành công bậc nhất trong lịch sử. Điều ấy không hề dễ dàng chút nào.
Và bóng đá, cả nam và nữ, với 2 bộ HCV bảo vệ thành công, cũng là một cột mốc vô tiền khoáng hậu khác. Cá nhân người viết, với 20 năm trong nghề, trải qua đầy đủ những vui buồn với làng túc cầu nội, sẽ không bao giờ quên những thời khắc lịch sử từ Cẩm Phả đến Mỹ Đình hôm ấy.
Trần Hải
Tags