(Thethaovanhoa.vn) - Về nghề nghiệp tôi (đạo diễn Bá Vũ - Thể thao & Văn hóa) có 2 cột mốc quan trọng. Đó là lần làm việc trong tổ sản xuất của phim Cyclo (1995) của đạo diễn Trần Anh Hùng, và lần đáng nhớ nhất là khi làm trợ lý chọn vai-casting (VN) cho phim Người Mỹ trầm lặng (2002) của đạo diễn Phillip Noyce…
- “Người Mỹ trầm lặng” được London tôn vinh
- “Người Mỹ trầm lặng” giao lưu với sinh viên
- “Người Mỹ trầm lặng” được Pháp trao Huân chương
Cuối năm 1999, tôi nhận được email từ Australia của giám đốc casting phim Người Mỹ trầm lặng, bà Christine King. Thư dặn dò nhiều việc, nhưng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm nhân vật nữ chính người Việt: Phượng.
Trước khi bà Christine sang Việt Nam, thông báo casting tìm vai này đã được công bố rộng rãi khắp nơi: báo chí, các trung tâm văn hoá, các trường đại học và cao đẳng… Riêng đầu TP.HCM hàng ngày bộ phận casting phải xem xét hàng trăm hồ sơ kèm ảnh gửi về Hãng Phim Giải Phóng. Cá nhân tôi thì rong ruổi khắp nơi với chiếc máy ảnh (thời đó chỉ chụp phim 35mm chứ chưa có máy ảnh số), vào các siêu thị, các trung tâm thương mại, các khu vui chơi…
Đầu năm 2000, bà Christine sang Việt Nam xem qua hàng trăm hồ sơ, chọn ra một danh sách rút gọn, chính thức mời đến casting. Tiếng rút gọn, nhưng con số cũng lên đến gần 150 ứng viên. Thời gian casting được ấn định là 3 ngày liên tiếp (cả sáng lẫn chiều) tại khách sạn Cửu Long Majestic ở đường Đồng Khởi, Q.1. Tất cả các ứng viên được mời đến đều được dặn trước là phải mặc áo dài (bắt buộc) và trang điểm nhẹ.
Có thế nói gần như 95% những người đẹp ở Sài Gòn ở vào độ tuổi 18 - 28 lúc ấy đều được mời tới casting. Có lẽ đây là lần đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam, một bộ phim có thể quy tụ nhiều người đẹp đến casting như vậy.
Ấn tượng với chiếc áo dài Việt Nam
Những ai từng làm việc ở khách sạn Majestic ba ngày casting ấy đều không thể quên hình ảnh các người đẹp từ vô danh đến nổi tiếng nườm nượp tới đây như thế nào. Khách nước ngoài ở sảnh và lobby cứ ngẩn người ra bởi các tà áo dài. Khi biết là đang casting cho phim Người Mỹ trầm lặng, họ càng phấn khích hơn vì tác phẩm này rất nổi tiếng ở phương Tây.
150 người đẹp là 150 kiểu áo dài đủ màu sắc, kiểu dáng từ truyền thống đến cách tân hiện đại. Cứ mỗi lần có cô gái từ cửa bước vào, là bà Christine lại khẽ ồ lên và mắt thì cứ nhìn chăm chú vào dáng đi của cô gái cho đến khi cô ngồi xuống ghế.
Trong lúc giải lao, bà bảo tôi: “Tôi đã từng biết áo dài hồi còn ở bên Australia, nhưng được nhìn tận mắt hàng trăm chiếc áo dài đủ kiểu đủ màu sắc như thế này ở quê hương của áo dài, quả là một trải nghiệm không dễ có lần thứ hai trong đời. Dứt khoát trước khi rời Việt Nam, tôi phải sắm
một bộ”!
Vậy là trước khi Christine rời Việt Nam, tổ casting (gồm tôi và nữ diễn viên Mai Hoa), đã mua một bộ áo dài bằng chất liệu thổ cẩm rất đẹp để tặng bà. Bộ áo dài này được nhà thiết kế Ngô Thái Uyên thực hiện (cô cũng là trợ lý của tổ phục trang trong phim này). Ban đầu khi nghe kể, Ngô Thái Uyên tính tặng, nhưng bọn tôi không chịu nên Uyên chỉ tính tiền vải. Điều thú vị là Ngô Thái Uyên chỉ ước lượng bằng mắt thôi, mà có thể may được bộ áo dài vừa vặn với bà Christine. Sau này bà đã mặc bộ áo dài này khi sang Việt Nam làm việc lần thứ hai.
Ở đâu có phụ nữ đẹp… ở đó có cạnh tranh
Ở ta có một quy ước bất thành văn là các ngôi sao hoặc người nổi tiếng thì ít chịu đi casting. Nhưng trước cơ hội ngàn năm có một như Người Mỹ trầm lặng, các người đẹp cũng nhận thức được điều ấy nên sẵn lòng tham gia casting - mặc dù tất cả đều biết sự cạnh tranh sẽ rất khốc liệt.
Một yêu cầu quan trọng là ứng viên ngoài việc có nhân dáng phù hợp, thì biết tiếng Anh là một lợi thế vô cùng lớn. Trong số hơn 150 người đến casting thì chỉ hơn 10 cô được chọn vào vòng short list (vòng này sẽ được thử diễn xuất), và hầu hết đều có thể đọc thoại tốt bằng tiếng Anh.
Có làm ở vị trí casting một bộ phim lớn, mà toàn là người đẹp đến thử vai, bạn mới biết áp lực là như thế nào. Điện thoại bị réo suốt, nào là dò hỏi tin tức, hỏi mặc màu gì là ấn tượng, hỏi danh sách đến thử vai là ai, có nhắm đến ai chưa, có “cơ cấu” sẵn tên tuổi nào không, hay là tổ chức casting chỉ làm bộ màu mè hoa lá thôi… Nói chung là trả lời những thắc mắc ấy cũng đủ ốm!
Tôi được biết sau khi được chọn vào vòng short list, một diễn viên từng là ngôi sao điện ảnh ở Việt Nam, đã đến nhà may áo dài nổi tiếng trên đường Pasteur để đặt may thêm áo dài. Khi đến đấy, cô hay tin một “đối thủ” khác trong short list - đang là một diễn viên kiêm người mẫu hàng đầu thời điểm ấy - vừa tới đặt 5 bộ áo dài. Không chần chừ, cô đặt may 10 bộ với chất liệu vải hạng nhất!
Cuối cùng rồi Phượng cũng tìm được ở Sài Gòn, bằng một câu chuyện không thể ly kỳ hơn (xin hẹn ở một bài báo khác trong tương lai). Cô gái may mắn được chọn lúc ấy vô danh hơn bất cứ ai trong số 150 người đẹp Sài Gòn đến casting những ngày ấy: ĐỖ HẢI YẾN
Bá Vũ
35 năm TT&VH
Tags