Là tác giả của hàng trăm bài báo bình luận, giới thiệu về "Nhạc Việt ngày nay" đăng tải hàng tuần trên báo Thể thao và Văn hóa trong suốt 3 năm qua, cũng là thành viên của Hội đồng bầu chọn giải Cống hiến lần thứ 18 năm 2024, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long đã có những chia sẻ về đời sống âm nhạc năm vừa qua trước thềm Lễ trao giải.
"Năm 2023 là năm vô cùng sôi động của làng nhạc Việt Nam. 50 đề cử thuộc 10 hạng mục của Giải Âm nhạc Cống hiến năm nay chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh chung ấy, nhưng đó thực sự là những gương mặt nổi trội. Bên cạnh những gương mặt quen thuộc, những nghệ sĩ gạo cội là những bạn trẻ, những gương mặt mới, nhưng đã có những đóng góp nhất định. Và họ đã có một vị trí vững vàng trong TOP 5 ĐỀ CỬ CHÍNH THỨC. Điều đó khiến cá nhân tôi, một người làm âm nhạc, theo dõi đời sống âm nhạc cảm thấy vui" - nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long bắt đầu câu chuyện.
* Những gương mặt mà anh vừa nhắc tới là những nghệ sĩ rất trẻ, những nghệ sĩ thuộc Gen Z, âm nhạc của họ, cách làm nhạc của họ rất khác. Anh nhận thấy sự định hình của các nghệ sĩ Gen Z trong đời sống âm nhạc như thế nào?
- Tôi thấy rằng, sự định hình đó đang ngày một rõ ràng hơn và cộng đồng đang ghi nhận những đóng góp của họ: những nghệ sĩ Gen Z. Rõ ràng, xu hướng của âm nhạc hiện nay là âm nhạc của thế giới phẳng, đa phương tiện, đa nền tảng, thế nên nó rất khác so với âm nhạc của những năm trước đây.
Với âm nhạc điện tử, sự can thiệp của các yếu tố "điện tử" vào giọng hát khiến cho đôi khi nghệ sĩ chỉ cần có một nét cá tính riêng, chứ không nhất định là một giọng hát hay, hoặc được đào tạo thanh nhạc... Nhiều người trong một khoảng thời gian dài, trong đó có cá nhân tôi, chưa thể quen với điều đó. Thế nhưng, rồi thì, như đã thấy đấy, chúng ta dẫu có ý kiến như thế nào đi chăng nữa thì đời sống âm nhạc vẫn vận động theo hướng đáp ứng tốt nhất những nhu cầu của công chúng. Khi những cái mới lạ trong âm nhạc dần được chấp nhận thì nó cũng trở nên gần gũi hơn.
Nhìn vào TOP 5 ĐỀ CỬ CHÍNH THỨC có thể thấy, những nghệ sĩ mới, những yếu tố sáng tạo mới đã được cả công chúng lẫn giới chuyên môn phát hiện và khích lệ. Điều đó đồng nghĩa với việc các nghệ sĩ trẻ đã đạt được thành công nhất định và cũng định hình được thế hệ mình một cách rõ ràng hơn.
* Vậy là anh cũng từng phải "nhìn lại" để không định kiến?
- Lúc đầu, khi tôi nhận lời của báo Thể thao và Văn hóa, thực hiện chuyên mục "Nhạc Việt ngày nay", hướng tới các sản phẩm âm nhạc mới và đặc biệt là của các nghệ sĩ trẻ, thú thực, tôi cảm thấy rất khó khăn cho bản thân. Bởi lẽ, tôi được đào tạo một cách cơ bản và làm nghề âm nhạc cũng theo một cách rất cơ bản là tôn vinh yếu tố nghệ thuật, chứ không có yếu tố nào khác nữa. Vì thế, tôi sẽ rất khó khăn để tiếp cận với những sự thay đổi chóng mặt mà các nghệ sĩ trẻ, đặc biệt thế hệ Gen Z, làm nhạc.
Nhưng rồi, sau quá trình lắng nghe, tìm hiểu về họ, tôi đã nhìn thấy những nghệ sĩ Gen Z, họ có những sáng tạo rất đặc biệt, với một phong cách cũng rất khác biệt. Họ tạo ra xu hướng, họ khiến chúng ta phải định nghĩa lại cách làm và nghe nhạc đại chúng.
* Và khi đã thực sự lắng nghe, tìm hiểu, anh thấy họ thú vị như thế nào?
- Rất thú vị! Họ là những nghệ sĩ đầy năng lượng. Mỗi một người đã góp phong cách của mình vào trong đời sống âm nhạc để tạo nên một con đường riêng cho bản thân. Nếu chỉ ở góc độ thưởng thức thôi thì chúng ta thấy cái chất giải trí đang hiện hữu rất rõ ràng trong tác phẩm của các bạn ấy. Đơn cử như khi nghe nhạc Tăng Duy Tân, khán giả sẽ cảm thấy rất thoải mái, sảng khoái.
Để làm được điều đó, đương nhiên phải có tài năng. Phải sáng tác được giai điệu, lời ca cuốn hút; chọn được loại nhạc phù hợp với xu hướng; kết hợp với công sức của một đội ngũ truyền thông số... Tuy nhiên, dấu ấn cá nhân rất quan trọng. Ở đó, cá tính của mỗi nghệ sĩ thể hiện rất rõ, nhất là trong nhịp sống bây giờ, xu hướng nghe nhạc của mọi người là phải nhanh, phải vui, "bắt tai, bắt mắt"… Âm nhạc của các bạn trẻ đã đáp ứng được điều đó.
Có thể kể đến Double2T. Là một rapper rất trẻ, nhưng trong "một rừng" các nghệ sĩ rap, với rất nhiều bạn đã nổi tiếng trong cộng đồng, Double2T đã tạo ra chất riêng cho mình. Âm nhạc của bạn ấy vừa cho thấy cách sử dụng ngôn ngữ riêng của rap, rất trẻ trung, lại vừa mang dấu ấn văn hóa khu vực miền núi phía Bắc, nơi bạn ấy sinh ra. Đấy chỉ là hai trong số rất nhiều các trường hợp thú vị mà tôi muốn nhắc đến.
* Anh có nói đến câu chuyện về dấu ấn cá nhân, cá tính của mỗi nghệ sĩ. Thực sự thì trong thế giới phẳng ngày nay, khi mà chúng ta có thể tiếp cận được một cách rất dễ dàng đối với công nghệ, với những trào lưu của thế giới, thì dường như dấu ấn cá nhân lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết! Anh nhận thấy dấu ấn Việt Nam, cá tính Việt Nam được thể hiện ra sao thông qua âm nhạc?
- Trong năm vừa qua, các yếu tố Việt Nam đã được các bạn trẻ khai thác phong phú, ở nhiều khía cạnh, nhiều góc nhìn khác nhau. Có thể như trong Nấu ăn cho em của Đen, đó là những hình ảnh rất thân thương của đồng bào các dân tộc, đồng thời cũng mang dấu ấn rất riêng của Đen là kể câu chuyện bằng rap… thuần chất và thú vị. Cũng trên con đường ấy, Double2T, một nghệ sĩ rap thế hệ sau Đen thể hiện chất miền núi phía Bắc từ giai điệu, câu chuyện đến trang phục… Nó thậm chí tạo nên cả một "trend" được yêu thích trong thời gian đầu của năm 2023.
Trong khi từ cuối năm 2023 đến nay, dường như nhạc đồng quê mang hơi hướng Nam bộ lại bắt đầu được các bạn trẻ khai thác nhiều trên các nền tảng như TikTok, Facebook…
Bên cạnh đó, một số nghệ sĩ khai thác các chất liệu dân gian, dân tộc làm điểm nhấn cho các sản phẩm của mình. Hòa Minzy là một ví dụ. Nữ ca sĩ này đã rất tự tin khi kể một câu chuyện đậm màu sắc đồng bằng Bắc bộ. Khi nghe câu chuyện đấy chúng ta thấy nó đúng là cái nôi của văn hóa làng xã, cái nôi của văn hóa truyền thống. Đó là cách mà nhiều nghệ sĩ trẻ hiện nay đã và đang theo đuổi và họ làm tốt.
* Dường như các nghệ sĩ đang khơi nguồn cảm hứng khá lớn về văn hóa dân gian, dân tộc cho khán giả, anh có thấy điều đó không?
- Đó là điều mà mỗi lần nhắc đến tôi đều rất vui. Nhiều khi xem một sản phẩm mới của một bạn trẻ mà lại thấy đậm đà màu sắc dân tộc, tôi rớt nước mắt vì xúc động. Bởi lẽ mình thấy rằng ở đó truyền thống cha ông đã được tiếp nối và bản sắc dân tộc Việt Nam, cái bản ngã của chúng ta, đang được các bạn duy trì như một lẽ tự nhiên, vì đã nằm trong tiềm thức mỗi người. Đôi khi, nhìn vào bề ngoài, chúng ta cứ tưởng nhạc của các bạn trẻ hiện nay cứ ào ào, quên mất giá trị truyền thống. Nhưng không phải như vậy! Âm nhạc của người trẻ ngày càng đa dạng hơn, cơ hội mang những giá trị văn hóa đến với khán giả ngày càng được hiện hữu nhiều hơn. Thậm chí, đôi khi đi vào một quán bar, chúng ta cũng có thể bắt gặp một giai điệu đậm chất dân gian, dân tộc, điều đó chẳng thú vị lắm thay!
* Xin cảm ơn anh!
"Nhìn vào TOP 5 ĐỀ CỬ CHÍNH THỨC có thể thấy, những nghệ sĩ mới, những yếu tố sáng tạo mới đã được cả công chúng lẫn giới chuyên môn, phát hiện và khích lệ" - nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long.
Dự đoán "bảng vàng" Cống hiến 2024
Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long cho biết: "Lựa chọn rất khó, bởi vì mỗi người sẽ có một tiêu chí riêng! Khi ở vai trò Hội đồng bầu chọn, chúng tôi sẽ dựa vào tiêu chí chung của giải. Tất nhiên vẫn có chính kiến của mình để lựa chọn ra những sản phẩm phù hợp với công chúng.
Từ góc độ cá nhân, Bài hát của năm tôi ấn tượng nhất là À lôi. Nghệ sĩ mới của năm, tôi rất ấn tượng với Trần Tùng Anh, với Anh Tú hoặc Hà An Huy. Tài năng, những đóng góp riêng biệt của mỗi nghệ sĩ khiến mình cực kỳ khó chọn, nên ai được chọn cũng đều xứng đáng.
Trong khi đó, Chương trình của năm cũng là một bài toán rất khó dành cho các nhà báo. Có Nửa thế kỷ phiêu bạt của Trần Tiến rất ấn tượng, đó không chỉ là một Trần Tiến đã cũ, mà có rất nhiều điểm mới và chất lượng nghệ thuật, tính nhân văn được đề cao. Có Một mình bao la của Đỗ Bảo x The Bros cũng rất chững chạc và có nhiều điểm mới. Trong khi đó thì Chúng ta đều muốn một tour của Cá Hồi Hoang rất riêng, thú vị; hoặc 1589 của Nguyễn Trần Trung Quân… cho thấy hình ảnh một nghệ sĩ rất chững chạc và sẽ còn nhiều đóng góp cho đời sống âm nhạc, cho công chúng.
Cá nhân tôi thì hướng tới Nửa thế kỷ phiêu bạt của nhạc sĩ Trần Tiến!"
Lễ trao giải thưởng Cống hiến lần thứ 18 - 2024 sẽ diễn ra lúc 19h30 ngày 27/3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, được livestream trên các kênh: VNews, Fanpage Giải thưởng Cống hiến, YAN News, YANTV, YAN Talents, Bestie, Dienanh.net.
Chỉ đạo thực hiện chương trình:
- Nhà báo Lê Xuân Thành - Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam), Trưởng BTC
- Tổng đạo diễn: Phú Trần
- Giám đốc âm nhạc: Nhạc sĩ Lưu Quang Minh
- Giám đốc sản xuất Nguyễn Thị Thu Hà
- Chương trình có sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ: Tùng Dương, OPlus, Double2T, Đen, Đào Tố Loan, Văn Mai Hương, Tăng Ngân Hà.
Năm nay, các hạng mục giải thưởng của Cống hiến 2024 có sự tham gia của các khách mời trao giải: Ông Đặng Hà Việt - Cục trưởng Cục TDTT, bà Lê Thị Hoàng Yến - Phó Cục trưởng Cục TDTT, ông Hoàng Xuân Vinh - HLV trưởng Đội tuyển Bắn súng Quân đội (Giải thưởng Thể thao Cống hiến); NSND Trần Ly Ly, NSND Thái Bảo, NSND Xuân Bắc, NSND Trung Hiếu, NSND Đức Long, NSND Tấn Minh, NSND Thu Huyền, NSND Mai Hoa, Nhà báo Lại Văn Sâm, Nhà báo Trần Hồng Hà, Nhạc sĩ – NSND Quang Vinh, Nhạc sĩ Xuân Thuỷ, Nhạc sĩ Hồng Kiên, Nhạc sĩ Giáng Son, Nhạc sĩ Dương Cầm, Nghệ sĩ Dương Minh Long, NSƯT Thanh Tâm và ca sĩ Tùng Dương (giải thưởng Âm nhạc Cống hiến).
Giải Cống hiến lần 18 - 2024 do báo Thể thao và Văn hóa tổ chức có sự đồng hành của Truyền hình thông tấn (VNews) và Công ty TNHH Ngọc Việt Corporation.
Tags