Có lẽ đến giờ phút này, Tom Trần không còn là một cái tên quá xa lạ đối với những ai yêu mến thị trường thời trang nội địa (Local brands market) nữa. Nhận được sự đào tạo bài bản của ngành công nghiệp thời trang thế giới (Tom theo học tại học viện Parsons - ngôi trường thiết kế danh tiếng của Mỹ, nơi đào tạo các tên tuổi như Tom Ford, Alexander Wang, Steven Meisel…), lựa chọn hướng đi quái kiệt cho thương hiệu con đẻ - Môi Điên, trở thành Giám Đốc Sáng Tạo bao quát toàn bộ thương hiệu xa xỉ Hanoia, Tom Trần bền bỉ và kiêu hãnh tạo nên một lối đi riêng cho sự nghiệp sáng tạo của mình.
Trong bối cảnh một thị trường thời trang hãy còn non trẻ và nhiều sự rập khuôn, Tom Trần nhắc cho người ta nhớ về giá trị của sự khác biệt.
Từng theo học tại Parsons, tại sao Tom không ở lại New York làm việc mà quyết định trở về Việt Nam mở thương hiệu riêng?
Trong một ngày đi làm sự kiện ở bảo tàng, Tom nhận ra rằng tất cả mọi người không ai nghĩ mình là người Việt Nam. Thay vào đó, họ luôn hỏi mình có phải người Nhật hay không. Điều đó có nghĩa là họ không hề có suy nghĩ rằng một NTK thời trang có thể đến từ Việt Nam. Khi biết mình là người Việt Nam, họ lại hỏi mình có biết nấu phở không. Cái này thì không liên quan gì tới nghề nghiệp mình đang làm cả. Có lẽ từ sự kiện đó, mình nghĩ rằng ngành thiết kế ở Việt Nam cần được quảng bá; các NTK Việt Nam cần tìm được chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Đó cũng là lý do tại sao Tom lựa chọn trở về Việt Nam để mở thương hiệu riêng của mình.
Tại sao Tom lại lựa chọn khởi đầu Môi Điên là một thương hiệu streetwear thay vì mở ra một thương hiệu cao cấp?
Nếu là thời điểm 2 năm trước thì mình sẽ có rất nhiều lý do. Nhưng hiện tại, mình chỉ đơn thuần tin vào ý nghĩa của việc ai cũng có thể ăn mặc thời trang và ý tưởng có thể đến từ bất kỳ ai. Quan điểm thiết kế của mình là TÙY HỨNG - TỰ NHIÊN - KỸ LƯỠNG. Quan trọng nhất đối với mình vẫn là sự TỰ NHIÊN. Mọi ý tưởng của mình đều đến từ đường phố và có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Thêm vào đó là kỹ năng bản thân, mình có thể phát triển một ý tưởng nguyên sơ thành một bộ sưu tập hoàn chỉnh.
Các thiết kế của Môi Điên sử dụng chất liệu chính là vải deadstock, Tom đã làm thế nào để xây dựng quy trình xử lý loại chất liệu này và nâng cao tuổi thọ chất liệu?
Ngày xưa, Môi Điên bắt đầu bằng cách thu thập các cuộn vải deadstock. Bọn mình thu thập mọi lúc vì không biết khi nào loại vải đó sẽ hết. Mình cũng xây dựng mối quan hệ với các nhà buôn vải chuyên về vải deadstock. Họ chính là những nhà cung cấp đắc lực giúp mình biết được thời gian các loại vải deadstock đẹp về, để cho mình các nguyên liệu đẹp nhất và thậm chí là giúp mình lưu trữ luôn. Càng đi sâu tìm tòi về chất liệu mình càng hiểu bản thân hơn. Từ đó, các kĩ thuật xử lý chất liệu, thi công trên loại chất liệu đặc thù này cũng được mài dũa phát triển. Cho đến nay các kĩ thuật làm đồ của mình đã nhận được sự đánh giá tốt từ phía thị trường. Để đi được đến giai đoạn này tất nhiên phải trải qua quá trình đánh giá ngặt nghèo và mất rất lâu mới có thể đạt được. Mình nghĩ, điều quan trọng nhất vẫn là sự chọn lọc khắt khe của bản thân. Hiện nay mình đang thích loại chất liệu có tên Kevlar. Đây là một loại chất liệu dùng làm áo chống đạn. Mình có ý tưởng sử dụng loại chất liệu này sau khi xem được một số binh phục của Việt Nam trong một show trình diễn binh phục quốc tế.
Nếu để nói về một thiết kế hay một điểm đặc trưng của Môi Điên, Tom sẽ chọn nói về điều gì?
Khi nghĩ về một đặc trưng Môi Điên, Tom luôn luôn tin xử lý pattern 3D là cái hay nhất của mình. Mọi người trong team xây dựng các pattern bắt đầu từ những bản vẽ: vẽ ra rồi chia sẻ với nhau rồi bắt tay vào làm. Những thành phẩm đầu tiên luôn giống bản vẽ và Tom lại không thích điều đó. Tom tìm cách phát triển tiếp các pattern đó bằng nhiều cách: Ví dụ thay cho sợi denim thì mình dùng bao nylon, thay vì để nguyên mình cắt đôi ra xem như thế nào… Sau khoảng 3 - 4 tháng khi thời gian không cho phép nữa thì mình mới quyết định chọn ra pattern từ những cái mình đã làm để từ đó hoàn thiện thiết kế.
Ví dụ như là thiết kế pattern samurai. Đây là phần sợi đan lấy ý tưởng từ dây điện. Ban đầu, phần sợi này không có hình thù cụ thể, rồi mình kêu mọi người đan thật chặt vào để xem trông như thế nào. Từ sản phẩm pattern này mình ngẫu hứng đưa vào các thiết kế như là áo thun. Có nhiều kĩ thuật chúng mình cùng nhau phát triển qua nhiều năm: Có những pattern khởi điểm chỉ là các sợi thẳng đặt cạnh nhau. Mỗi năm chúng mình lại thử nghiệm phát triển bằng các cách khác như là cắt nát ra rồi ghép lại; phối các màu vải mới để ra một kiểu khác; ghép các miếng vải thừa rồi thêu trên bề mặt; …
Liệu có nguồn cảm hứng nào đằng sau sự đam mê bền bỉ phát triển với pattern 3D như vậy không?
Mình nghĩ một trong số những nguồn cảm hứng đó đến từ những kí ức cá nhân của riêng mình. Trong một lần tới thăm nhà bác ruột: Đó là một căn nhà đã được xây mấy chục năm rồi. Mỗi lần bác mình đi một nước, bác sẽ mua một bức tranh hoặc một bức tượng. Những nhà có tranh có tượng không hề ít nhưng tại sao với căn nhà của bác mình, mình lại thấy chiều sâu, thấy dấu ấn thời gian trong đó? Một căn nhà mới xây mình không nghĩ sẽ thấy được chiều sâu như vậy. Cách mà mình xây dựng thương hiệu cũng vậy. Mình phải tìm tòi, đào sâu. Mỗi mùa mình sẽ đào sâu hơn một chút. Khi nhìn lại, mình sẽ thấy bản thân đã trải qua một chặng đường dài. Mình hi vọng, đối với pattern 3D, khi nhìn lại mọi người sẽ hiểu rằng nếu là một NTK tới Môi Điên sẽ phải thử nghiệm với 3D, phải thử chơi với vải vóc để tạo ra những thiết kế mới.
Theo đuổi “thời trang bền vững” không đơn giản, nhất là trong bối cảnh thị trường thời trang Việt Nam hiện tại. Việc duy trì được một thương hiệu như Môi Điên đòi hỏi tầm nhìn dài hạn hơn cả 5 năm, Tom đã lấy đâu động lực và nỗ lực để thực hiện Môi Điên?
Cũng may là những sản phẩm này có quá ít người làm. Nên khi mình làm, mọi người xung quanh rất ủng hộ. Sau bao nhiêu năm, Môi Điên vẫn may mắn nhận được sự yêu quý và ủng hộ rất lớn từ thị trường. Hơn nữa, quy trình để thực hiện được những sản phẩm như Môi Điên đang làm quá tốn công, một NTK đơn lẻ không thể làm nổi mà cần có một đội ngũ rất lớn đi cùng.
Thực ra, Môi Điên dù đi theo mô hình thời trang bền vững nhưng mình không tin vào việc khách hàng mua một sản phẩm vì chúng là thời trang bền vững. Khách hàng mua sản phẩm vì nó đẹp. Tom cũng không bao giờ nói quá nhiều về thời trang bền vững trên social media. Có lẽ sự “kiệm lời” này cũng như con dao hai lưỡi, ai không biết thì sẽ ngờ vực. Nhưng mình tin những người hiểu, họ sẽ hiểu Môi Điên đúng là một mô hình rất bài bản để hoạt động thời trang bền vững. Thậm chí trên thế giới cũng không có nhiều NTK đi theo mô hình này. Tom nghĩ vì nó rất bài bản nên mình có thể xây được nền móng rất vững chắc cho các BST sau này. Mọi người trong team Môi Điên đều rất hòa hợp và đều chung một niềm tin rằng mình chỉ nên làm 2 BST trong một năm thôi. Chúng mình chọn chất lượng chứ không đi theo số lượng. Khoảng 5 năm trước khi thời trang VNXK vẫn còn đang thịnh hành, 1 sản phẩm Môi Điên có giá 800 nghìn là mọi người thấy đắt rồi. Nhưng bây giờ, một chiếc áo của Môi Điên có giá khoảng 2 triệu thì mọi người lại không còn thấy đắt nữa. Chúng mình mong muốn càng ngày càng đẩy cao được chất lượng sản phẩm cho đến khi khách hàng nhìn vào sản phẩm của Việt Nam dù là có gía 10 triệu hay 1000 USD đi chăng nữa; họ cũng hiểu giá là như vậy mà chúng mình không cần phải nói về sản phẩm nữa.
Giờ mình nói về chặng đường sắp tới của Môi Điên đi. Tom dự định gì cho Môi Điên của những năm về sau?
Mình có dự định đưa Môi Điên ra thị trường quốc tế, đặc biệt là trong năm nay. Nếu mọi người để ý thì Môi Điên đã lên một phân khúc mới, gần hơn với thị trường quốc tế. Chúng mình muốn làm bài bản, kết hợp cùng các nhà phân phối quốc tế trong các tuần lễ thời trang để đưa Môi Điên ra thế giới. Đối với các thương hiệu độc lập, mình nghĩ đó là cách khả thi.
Mình nghĩ mọi thứ sẽ diễn ra đúng thời điểm của nó. Hiện tại, Môi Điên đã có nhiều cơ hội ở thị trường nội địa. Chúng mình đã rất chăm chỉ làm việc để đưa được Môi Điên lên phân khúc mới. Mình muốn dốc sức để biến Môi Điên trở thành một thương hiệu đúng như tưởng tượng của mình ban đầu: Một thương hiệu Việt Nam được yêu mến bởi các bạn trẻ Việt Nam. Đó cũng là lý do mình trở về Việt Nam để thay đổi bộ mặt ngành thiết kế thời trang nội địa. Chuyện xuất khẩu thời trang vốn là một phương thức đã tồn tại nhiều năm ở Việt Nam chứ không phải gần đây mới có. Đó cũng là một bài toán mình cần phải giải về lâu về dài. Mình mong muốn đưa Môi Điên ra quốc tế. Nhưng để làm được điều đó mình cần thuyết phục và có được sự hứng thú của người Việt Nam trước tiên. Chính họ mới là những thiên thần đưa được các thiết kế Việt Nam ra thế giới.
Được biết tới như một nhà sáng lập mẫn cán, không chỉ làm sáng tạo - thiết kế, Tom còn phụ trách và thấu hiểu rất nhiều các công việc của quá trình xây dựng thương hiệu. Tom có thể chia sẻ về việc bản thân đã phải tìm tòi, học hỏi thêm ở các lĩnh vực nào để xây dựng Môi Điên không?
Mình phải học rất nhiều về quản trị. Và khó khăn nhất với mình vẫn là học cách làm việc với mọi người. Tuy bất cứ ai cũng thấy thử thách khi làm việc với người khác nhưng ngành thiết kế lại là một ngành rất đặc thù. Điều đó có nghĩa rằng: Mỗi người đều có trí tưởng tượng khác nhau, mỗi người đều có phong cách khác nhau. Để mọi người cùng tin vào một phong cách, một định hướng chung của thương hiệu cần rất nhiều công sức và sự kiên nhẫn. Có vậy thì mới có thể đi cùng nhau được.
Bây giờ người ta không chỉ biết tới Tom trong vai trò nhà sáng lập của Môi Điên nữa mà còn là Giám đốc sáng tạo của Hanoia. Có cơ duyên nào đưa đẩy Tom tới vị trí này không?
Khi mà Môi Điên tròn 5 tuổi, lúc đó rơi vào thời điểm Covid. Đó cũng là lúc mình nhận được cuộc điện thoại trao đổi về vị trí Art Director tại Hanoia. Mình biết cách vận hành của môi trường luxury chuyên nghiệp nên ở Việt Nam, mình thực sự ấn tượng với Hanoia bởi cách vận hành bài bản đó. Dù sản phẩm của Hanoia thời điểm đó không có sự tương đồng với các sản phẩm mà mình đang làm nhưng mình thực sự thấy hấp dẫn với vị trí đó. Sau một thời gian dài trao đổi và phỏng vấn nhiều, mình cảm thấy đây là một thử thách rất lớn. Từ trước tới nay, những thành công của mình có được đều đến từ sự mạo hiểm: Bỏ việc ở New York về Việt Nam, đi theo một ngạch thị trường niche; kết hợp cùng các công ty lớn… Tất cả đều bắt nguồn từ các quyết định “dám nhận một thứ lớn hơn mình”. Người ta hay nói: Cuộc sống chỉ thực sự bắt đầu khi bạn bước ra khỏi lằn ranh của vùng an toàn. Mình nghĩ Hanoia chính là một thử thách dành cho mình và mình sẽ thấy nuối tiếc nếu không nhận lấy thử thách đó. Mình chấp nhận bỏ hết sức mình ra, chấp nhận hy sinh 1 năm trời không ngủ để nới rộng vùng an toàn của mình.
Để nhận vị trí Giám đốc nghệ thuật của Hanoia, Tom có cần phải học kỹ thuật làm gốm sứ, sơn mài - một trong những DNA thương hiệu nổi trội của Hanoia không?
Mình đã học rất nhiều về lịch sử sơn mài đồng thời tìm hiểu về lịch sử Việt Nam. Việc hiểu về lịch sử sẽ giúp mình có sự tự tin khi tiếp cận với xu hướng hiện đại. Mình rất may mắn khi được làm việc trong một team thực sự hiểu lịch sử Việt Nam: Họ là động lực thúc đẩy mình phải luôn tìm hiểu, đào sâu mọi thứ và cẩn trọng với các quyết định của mình. Mỗi năm Hanoia đều cam kết mua một số lượng lụa Lãnh Mỹ A để nuôi làng nghề trong nhiều năm qua, trước cả khi Hanoia có dòng sản phẩm thời trang riêng như hiện nay. Hanoia cũng có xưởng sơn mài riêng, cứ thứ 5 hàng tuần tất cả mọi người đều xuống xưởng ăn cơm, làm đồ cùng các nghệ nhân.
Các NTK trẻ giữ vị trí Giám đốc sáng tạo ở hai thương hiệu (một thương hiệu cá nhân và một thương hiệu di sản lâu đời) hiện nay khá phổ biến: Matthew Williams, Virgil Abloh hoặc Kim Jones… Không biết, việc giữ trọng trách sáng tạo cho hai thương hiệu có khiến Tom phải sống giữa hai cá tính khác nhau không?
Mình cũng nghĩ về vấn đề đó nhiều. Nhưng cái hay của Hanoia là: Họ cũng tin vào những giá trị mà mình tin vào ở thương hiệu Môi Điên. Thật ra, đó chỉ là một cách diễn đạt khác mà thôi. Ở Môi Điên: Cảm hứng đến từ đường phố, đến từ những người trẻ. Hanoia lại tin vào việc sản phẩm có thể đến từ lớp trẻ, chấp nhận cả những sản phẩm cực kỳ táo bạo. Trong cuộc phỏng vấn với Hanoia, mình từng hỏi “ Nếu như em cho một sản phẩm là một cái đầu lâu làm từ sơn mài thì mọi người cảm thấy thế nào?”. Mình rất bất ngờ khi họ trả lời rằng họ sẽ rất vui nếu sản phẩm đó có mang một ý nghĩa nào đó đặc biệt. Tại Môi Điên, mình tin là đồ nên làm từ rác thải sản xuất. Và tư duy đó đã ăn sâu cả vào cách vận hành của thương hiệu. Nếu mọi thứ đều được làm online thì văn phòng sẽ không còn rác nữa. Tại Hanoia, niềm tin lại đặt vào việc mọi thứ nên là nội địa. Vì vậy mà chúng mình trữ rất nhiều lụa Lãnh Mỹ A dù trước đây không hề có một BST thời trang nào. Cả hai thương hiệu đều bền bỉ chọn lấy một khía cạnh trong thời trang bền vững để tin, để đào sâu và tìm hiểu. Hanoia là một cơ hội hiếm có để Tom tìm hiểu sâu về văn hóa nhưng không đi ngược lại những niềm tin mà Tom đã có và đã làm với Môi Điên.
Bản thân là một NTK thời trang, Tom có thần tượng một NTK nào khác hay mặc đồ của các thương hiệu khác không?
Có lẽ, NTK có tầm ảnh hưởng lớn nhất với Tom là Yves Saint Laurent. Cuốn sách tiểu sử của ông cũng là cuốn sách đầu tiên Tom đọc khi tìm hiểu về thời trang hồi cấp 3. Mỗi ngày đi học, Tom đều đọc một vài trang về cuộc đời ông trong lúc ngồi xe bus. Bạn có biết, từ những năm của thập niên 70 thế kỷ trước, ông là một trong số những NTK đầu tiên đưa người mẫu mặc hoodie lên sàn diễn. Việc này đã khiến tất cả các khách mời khi đó đều bỏ về bởi họ cho rằng hoodie là thứ gì đó không sang trọng. Và thời điểm hiện tại, bạn nhìn xem, hoodie đã len lỏi đến thế nào vào ngành công nghiệp thời trang xa xỉ.
Còn về chuyện mặc, gần đây, Tom bắt đầu mặc đồ của local brand nhiều hơn. Thực lòng, Tom không phải người chăm chút cho vẻ bề ngoài lắm. Tom cảm thấy rất đủ khi làm việc với thời trang từ sáng đến tối rồi. Những thương hiệu local Tom hay mặc có TimTay, Profile10, giày MỘT, lâu lâu là Ồ Quao. Mình khá thích thú với bối cảnh hiện nay khi các thương hiệu local đang phát triển và tìm được tiếng nói riêng. Việc ủng hộ các thương hiệu nội địa đội với Tom cũng là một cách chơi với thời trang để cảm thấy mình luôn trẻ, cảm thấy “sinh viên”, cảm thấy sẵn sàng thử nghiệm với những cái mới.
Ngoài thời trang ra, Tom có hứng thú với điều gì nữa trong cuộc sống không?
Tom nghĩ mình là một người rất yêu động vật. Thực ra, Tom mới bay về từ HN hôm qua và mai lại bay ra HN tiếp. Một phần động lực lớn để Tom có mặt ở đây ngày hôm nay (bên cạnh việc là khách mời phỏng vấn) chính là vì Tom rất nhớ 4 chú chó của mình. Tom nghĩ đến một lúc nào đó mình thầm ước mình có thêm 1 ngày với tụi nó. Hôm qua, 5 cha con nằm ngủ dưới sàn nhà rất hạnh phúc. Tom nghĩ đó là một điều thực sự có ý nghĩa với Tom. Mình nâng niu động vật, cây cối và cũng vì vậy mà đời sống tinh thần của mình được khỏe mạnh, cảm xúc của mình được nuôi dưỡng trọn vẹn.
Cám ơn Tom về cuộc nói chuyện này.