(Thethaovanhoa.vn) - Vài tuần trở lại đây, người hâm mộ hoạt hình Trung Quốc rất thích thú với bộ phim hoạt hình Tây du ký: Đại thánh trở về (Monkey King: Hero is Back), tác phẩm điện ảnh đầu tay của đạo diễn Tian Xiaopeng, dàn dựng theo tiểu thuyết Tây du ký từ thời Minh (1368-1644) của nhà văn Ngô Thừa Ân.
Mặc dù tỷ lệ các rạp chiếu bộ phim này ở Trung Quốc chỉ chiếm 9,1% trong ngày ra mắt, tuy nhiên phim đã nhanh chóng tạo “bão” trên các trang mạng xã hội ở Trung Quốc với những câu ca ngợi hết lời.
Thực tế đó đã góp phần thu hút ngày càng nhiều khán giả tới rạp để khám phá sức lôi cuốn của bộ phim.
Vượt doanh thu Kung Fu Panda 2
Tính đến ngày 29/7, Đại thánh trở về đã thu được 705 triệu NDT (khoảng 113,6 triệu USD) và trở thành phim hoạt hình đạt doanh thu cao nhất trong các rạp chiếu Trung Quốc, kỷ lục từng thuộc về phim Kung Fu Panda 2.
Đại thánh trở về không chỉ thu hút sự quan tâm của khán giả nội địa với chất lượng hình ảnh cao và các mô tả chân thực, mà còn nhận được lời ca ngợi của Andrew Mason, nhà sản xuất của quả bom tấn Hollywood Ma trận (The Matrix) tại Liên hoan phim Cannes năm nay.
“Không có nhóm làm phim Hollywood nào tham gia dàn dựng bộ phim này ư? Theo tôi biết thì phim được làm với kinh phí chưa đến 100 triệu USD” – Mason nói sau khi xem phim.
Song thực tế, đạo diễn Tian và ê-kíp làm phim của anh đã hoàn tất tác phẩm điện ảnh này với kinh phí chỉ 10 triệu USD, trong 8 năm.
Trong cuộc phỏng vấn mới đây của tờ chinadaily.com.cn, Tian nói ê-kíp làm phim của anh không thể có được số vốn như làm phim hoạt hình 3D của Hollywood, vì vậy họ phải tìm ra cách làm riêng của mình.
“Chúng tôi thiếu trải nghiệm và công nghệ hiện đại, vì vậy thách thức lớn nhất đối với tôi là phải cạnh tranh với chính mình. Ban đầu, gần như khuôn hình nào chúng tôi cũng phải liên tục sửa đổi và bàn bạc. Trong cả quá trình sản xuất, tôi phải chật vật với những sự không hoàn hảo, cố gắng làm mọi thứ tốt hơn. Chúng tôi dồn nhiều thời gian, tâm trí và thể lực để khắc phục những thiếu sót trong công nghệ của mình” - Tian chia sẻ.
Cấu trúc Hollywood kinh điển
Tian thừa nhận, anh làm một bộ phim mang câu chuyện truyền thống Trung Quốc với cấu trúc Hollywood kinh điển. “Đối với tôi, phong cách Hollywood là kể một câu chuyện đơn giản với chi tiết phong phú. Chúng tôi đã áp dụng cách đó để làm phim”.
Theo đạo diễn Tian, cách duy nhất để cạnh tranh với Hollywood là tìm ra sự kết nối về văn hóa và cảm xúc. Vậy nên, anh đã cố gắng kể câu chuyện theo phong cách Trung Hoa, sử dụng triết lý truyền thống và thẩm mỹ để giải thích thế giới theo nhãn quan của người Trung Quốc.
“Người Trung Quốc thường hay giấu giếm cảm xúc của mình. Khi cảm thấy hạnh phúc, thông thường họ sẽ không nhảy lên vui sướng như người phương Tây. Cách thể hiện của một đứa trẻ Trung Quốc cũng khác hẳn trẻ em Mỹ. Về cơ bản, chúng tôi là người hướng nội. Trong phim, Hầu Vương không nói nhiều, song rất xúc cảm” – Tian giải thích.
Mặc dù phim được dàn dựng theo câu chuyện trong Tây du ký, song Tian và ê-kíp làm phim đã tạo nên nhân vật và viết kịch bản phim dựa theo hiểu biết riêng của mình.
Trong truyện gốc, Tôn Ngộ Không (hay Đại thánh, Hầu Vương) là nhân vật tháo vát, không biết sợ hãi và có sức mạnh vô song. Sư phụ của Hầu Vương, Đường Tăng, là nhà sư tốt bụng và quá tuân theo các chuẩn mực mang tính quy ước.
Tuy nhiên, trong phim của Tian, mọi thứ thay đổi hẳn. Hầu Vương được mô tả với gương mặt dài và trở thành một nhân vật đang lâm vào cuộc khủng hoảng của tuổi trung niên. Nhà sư Jiang Liuer, biến thành một đứa trẻ 8 tuổi với vô số câu hỏi.
“Ở Trung Quốc đã có rất nhiều phim, vở opera và phim hoạt hình làm về Hầu Vương. Nhưng với tôi, những tác phẩm đó chưa đủ chân thành. Vì vậy, tôi và ê-kíp làm phim của mình quyết định tạo nên Hầu Vương theo cách của mình.
Theo hiểu biết của chúng tôi, Hầu Vương là nhân vật hoang dã, cứng đầu, nhưng không phải không biết sợ. Chúng tôi đã thêm các đặc tính của con người vào nhân vật này. Hay nói cách khác, Hầu Vương của chúng tôi là nhân vật có trải nghiệm hơn, một kiểu hiệp sĩ giang hồ ở Trung Quốc thời cổ đại, có sức lôi cuốn riêng và nhiều nhược điểm.
Đây là câu chuyện về một người hùng muốn chuộc lỗi với bản thân. Đây cũng là đặc tính của con người. Trong xã hội, ngày nào cũng ta cũng phải chịu những sự thúc ép về lý tưởng và khát vọng. Chúng ta cảm thấy mất mát, thất vọng thậm chí là sợ hãi, đặc biệt là sau thất bại lớn trong cuộc đời. Nói thẳng, trong quá trình làm phim, chúng tôi cũng tìm lại lý tưởng cho chính mình” – đạo diễn Tian chia sẻ.
Cột mốc mới của nền công nghiệp hoạt hình Trung Quốc
Mặc dù có những khán giả Trung Quốc cảm thấy không thỏa mãn với hình ảnh của Hầu Vương, song họ vẫn cảm động sâu sắc với câu chuyện trong phim. Nhiều người thậm chí còn tới rạp xem phim tới 3-4 lần.
Tại LHP Cannes năm nay, phim đã thu về được 22,2 triệu USD từ các hợp đồng bán bản quyền chiếu phim ở hải ngoại, kỷ lục với một phim hoạt hình Trung Quốc.
Gặt hái được thành tích như vậy, song Tian vẫn khá điềm tĩnh và nhấn mạnh rằng, ê-kíp làm phim của anh vẫn chưa thành công.
“Thành thật mà nói, phim vẫn còn rất nhiều sạn, đặc biệt là các chi tiết kỹ thuật. Phim sẽ hay hơn nếu tôi làm việc tận tâm hơn. Vì vậy tôi cảm thấy xấu hổ khi khán giả ca ngợi phim của mình. Các phương tiện truyền thông nhận xét đây là cột mốc mới của nền công nghiệp hoạt hình Trung Quốc, nhưng tôi thấy đánh giá như vậy quá cao.
Đối với tôi, doanh thu phòng vé là sự khuyến khích hơn là thành công. Trước đây, nói đến phim hoạt hình nội địa, mọi người thường cho rằng đây chỉ là dòng phim của trẻ em hoặc không có chất lượng tốt.
Giờ ngày càng có nhiều người đang bắt đầu thay đổi quan niệm đó. Chúng tôi sẽ cố gắng tiếp tục tung ra những bộ phim hay phục vụ khán giả” - Tian giãi bày.
Trong phim, Hầu Vương được mô tả như một con người đang lâm vào cuộc khủng hoảng của tuổi trung niên |
Việt Lâm (theo China Daily)
Thể thao & Văn hóa
Tags