Làm theo lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, những năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên đã chung sức, đồng lòng xây dựng thôn, làng phát triển. Sự thay đổi từ chính những thôn, làng, xã điểm khó khăn được Tổng Bí thư ghé thăm góp phần tạo nên sự phát triển mạnh mẽ của các tỉnh Tây Nguyên.
Buôn làng đổi thay
Khi đến thăm các tỉnh Tây Nguyên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn chọn những thôn, làng, xã có điều kiện đặc biệt khó khăn để trực tiếp đến, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân. Từ đó, Tổng Bí thư đã động viên, dặn dò bà con; đồng thời có những chỉ đạo căn cơ, sát với thực tế để các bộ, ngành, chính quyền địa phương triển khai, thực hiện. Đến nay, bộ mặt của các thôn, làng đã thay đổi, đời sống người dân được nâng lên.
Thôn Kon Rờ Bàng 2, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum có trên 190 hộ dân với khoảng 1.000 nhân khẩu. Năm 2017, thôn còn hơn 6% hộ nghèo, đời sống người dân còn một số khó khăn. Về thăm thôn năm 2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chăm lo đối với đồng bào, không phân biệt dân tộc, tôn giáo; mong muốn bà con thôn Kon Rơ Bang 2 luôn đoàn kết, nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng thôn làng ngày càng khang trang sạch đẹp.
Từ lời động viên, căn dặn của Tổng Bí thư trong chuyến thăm năm 2017, cán bộ và nhân dân thôn Kon Rờ Bàng 2 đã ra sức xây dựng thôn thôn mới, phát triển kinh tế. Đến nay, toàn thôn chỉ còn 3 hộ nghèo; thu nhập bình quân nâng lên hơn 30 triệu đồng/người/năm; kết cấu hạ tầng dần hoàn thiện.
Trước năm 2017, xã Ayun được xem là vùng lõm của huyện Chư Sê cũng như của tỉnh Gia Lai. Thời điểm ấy, thu nhập bình quân đầu người của xã mới đạt 7,8 triệu đồng/năm, bằng 1/5 so với bình quân toàn tỉnh và 1/6 bình quân của cả nước; hộ nghèo và cận nghèo chiếm 88% dân số.
Thế nhưng, sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng với sự xuất hiện của công trình thủy lợi Plei Keo theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, kinh tế của xã đã có những sự chuyển biến rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên 38 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm xuống còn 45,52%, xã đạt 10/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng căn dặn, muốn thoát khỏi vị trí vùng lõm, địa phương cần huy động được sức dân, phải thay đổi nếp nghĩ, tập quán làm ăn, chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng vật nuôi. Xã đã thực hiện lời căn dặn của Tổng Bí thư một cách quyết liệt, đặc biệt là hướng dẫn bà con canh tác lúa 2, 3 vụ so với một vụ trước kia. Nhờ đó, kinh tế đã dần được tăng lên, tỉ lệ nghèo đói giảm hẳn”, ông Siu BLí, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ayun phân tích.
Tại buôn Dur 1, xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, kinh tế - xã hội cũng đã có những chuyển biến rõ rệt. Già Y Đhun Hmok, người có uy tín buôn Dur 1 nhớ lại, năm 2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm và căn dặn bà con trong buôn phải đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, người biết làm giúp cho người không biết, để cùng nâng đỡ cuộc sống của bà con ngày một đi lên, xóa được đói, giảm được nghèo.
“Trước đây bà con trồng lúa chỉ được 2 tấn/ha, bây giờ đã lên 7 tấn rồi; cà phê trước đây cũng chỉ có 2 - 3 tạ/ha, bây giờ có nhà thu đến 5 - 6 tấn cà phê tươi. Buôn có 384 hộ, bây giờ chỉ còn 9 hộ nghèo, 30 hộ cận nghèo; phấn đấu trong năm 2024 này sẽ xóa thêm nữa, thoát nghèo thêm nữa. Có được điều đó là nhờ sự đoàn kết, như lời Tổng Bí thư đã căn dặn”, già Y Đhun Hmok nói.
Xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, nơi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghé thăm vào tháng 12/2012, từ một xã vùng 3 đặc biệt khó khăn, hộ nghèo chiếm hơn 40% dân số, giờ đây, sau những chỉ đạo sát sao của Tổng Bí thư, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã đã nỗ lực, phấn đấu, tạo ra những bước “chuyển mình” mạnh mẽ. Quảng Tâm đã trở thành một trong những xã có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, các điều kiện quốc phòng - an ninh được giữ vững, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.
Theo ông Nguyễn Cát Ngọc Sơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quảng Tâm, gần 12 năm sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hệ thống cơ sở hạ tầng tại Quảng Tâm đã được Nhà nước chú trọng đầu tư, hoàn thiện. Nhiều tuyến đường liên thôn, liên xóm cũng được bà con đồng thuận, chung tay với chính quyền các cấp thực hiện bê tông hóa. Đến giữa năm 2024, chỉ tiêu cứng hóa đường xã đã đạt 100%, tỷ lệ thôn, bon có 2 – 3km đường được cứng hóa đạt 90%; thôn, bon có điện lưới đạt 100%; hộ gia đình được sử dụng điện đạt 98%. Các chỉ tiêu quan trọng về giáo dục, y tế, xóa mù chữ… đều đạt. Đặc biệt, xã chỉ còn hơn 200 hộ nghèo, chiếm 11,7% dân số, giảm gần 30% so với thời điểm cuối năm 2012.
Tây Nguyên phát triển
Trong mỗi chuyến công tác vào các tỉnh Tây Nguyên, sau khi đến thăm bà con tại các thôn, làng, khi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của mỗi tỉnh, Tổng Bí thư luôn chỉ rõ những khuyết điểm và những việc mà Đảng bộ, chính quyền các tỉnh phải làm ngay để kinh tế, xã hội của tỉnh được phát triển ổn định. Qua đó, giúp đời sống người dân ngày một tốt đẹp hơn.
Đăk Lăk là tỉnh trọng điểm của khu vực Tây Nguyên. Năm 2018, khi vào thăm tỉnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk về kết quả giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Khi đó, Tổng Bí thư đã căn dặn tỉnh cần phát huy những thành tựu, kinh nghiệm đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời mong muốn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Đắk Lắk luôn đồng lòng nhất trí, nỗ lực, quyết tâm cao, xây dựng tỉnh trở thành trung tâm của vùng Tây Nguyên, vươn lên phát triển dẫn đầu khu vực Tây Nguyên.
Thấm nhuần ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đăk Lăk đã ra sức thi đua, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, trên các mặt kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, an ninh. Giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt bình quân 8,5%/năm, tạo đà cho giai đoạn 2021 - 2025. Sáu tháng đầu năm 2024, GRDP của tỉnh ước đạt gần 25.500 tỷ đồng. Các chính sách đảm bảo an ninh xã hội được triển khai kịp thời, thiết thực, đúng đối tượng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống nhân dân ổn định.
Năm 2017, làm việc với lãnh đạo chủ chốt hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, trong phát triển toàn diện nên chọn trọng tâm, trọng điểm, một số lĩnh vực có thế mạnh để tập trung phát triển; phải xác định nông nghiệp là trọng tâm; chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng sản xuất lớn liên kết “4 nhà” gắn với xây dựng nông thôn mới; khai thác thế mạnh của rừng gắn với nuôi trồng, tái sinh và bảo vệ rừng.
Thực hiện lời căn dặn của Tổng Bí thư, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội. Cùng sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền các cấp và toàn thể nhân dân, các chỉ số kinh tế - xã hội của hai tỉnh đã có những chuyển biến tích cực.
Dễ thấy nhất, GRDP 6 tháng đầu năm 2017 của tỉnh Kon Tum chỉ đạt hơn 4.700 tỷ đồng, nhưng đã tăng lên gần 8.200 tỷ đồng vào giữa năm 2024, tốc độ tăng trưởng đạt 6,47%; tỷ lệ hộ nghèo từ 23,03% giảm xuống còn 11,23%. Công cuộc xây dựng nông thôn mới cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận, khi nâng 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới của năm 2016 lên 48 xã vào cuối năm 2023.
Tại Gia Lai, năm 2016, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 38 triệu đồng/năm, có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm 16,55% theo tiêu chí nghèo đa chiều. Sau những lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tỉnh đã tập trung phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn. Nhờ đó, tăng trưởng kinh tế ổn định, thu nhập bình quân đầu người đạt 59,84 triệu đồng. Tỉnh có ba đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là thành phố Pleiku, thị xã An Khê và thị xã Ayun Pa; có 91 xã, 131 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó 110 thôn, làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số); tỷ lệ hộ nghèo còn 8,11%.
Bà Y Vêng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum khẳng định, những ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất sâu sát, chỉ ra đúng trọng tâm, trọng điểm vấn đề của nhiều địa phương. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh đã có những chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện. Nhờ đó, kinh tế các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên luôn có sự phát triển hằng năm, kinh tế của bà con dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng sâu, vùng xa tiến bộ rõ rệt. Đời sống văn hóa, xã hội phát triển tốt, quốc phòng, an ninh được giữ vững.
(Còn tiếp)
Bài cuối: Vững niềm tin theo Đảng
Tags