Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong trái tim đồng bào Tây Nguyên - Bài cuối: Vững niềm tin theo Đảng

Thứ Năm, 25/07/2024 08:29 GMT+7

Google News

13 giờ 38 phút ngày 19/7/2024, trái tim Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngừng đập trong sự tiếc thương vô hạn của cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước. Với bà con khu vực Tây Nguyên, sự ra đi của Tổng Bí thư là mất mát to lớn với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc. 

Những lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ luôn được những thế hệ các dân tộc ghi nhớ, để xây dựng Tây Nguyên phát triển, góp chung vào cuộc cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Người Tây Nguyên thương nhớ Tổng Bí thư

Nhắc đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đến những ngày được cùng Tổng Bí thư công tác tại nước bạn Lào, bà Y Vêng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum lại trào nước mắt: "Ngày 18/7, khi nghe tin Tổng Bí thư tập trung điều trị tích cực, tôi cũng đã nghĩ rằng bác ốm nặng rồi. Cả đêm hôm đó, tôi cứ lo lắng, suy nghĩ, rất thương vị Tổng Bí thư có tâm huyết trong quá trình lãnh đạo, nói đi đôi với làm".

Già Y Đhun Hmok, người có uy tín buôn Dur 1, xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk bày tỏ, khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, bản thân ông và bà con trong buôn ai cũng cảm thấy đau xót. "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một vị lãnh tụ của đất nước, rất giản dị, thân thiết với bà con, đạo đức cách mạng trong sáng. Khi về với bà con buôn làng, bác bắt tay thoải mái. Tôi cột ché rượu cần cho bác, bác nói là thông thường bác không uống được nhiều, nhưng mà về đây sẽ uống với bà con một ly. Buôn Dur 1 xin chia buồn với Trung ương, với gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng", già Y Đhun Hmok nói.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong trái tim đồng bào Tây Nguyên - Bài cuối: Vững niềm tin theo Đảng - Ảnh 1.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Đắk Lắk, năm 2018. Nguồn: VTV

"Khi nghe tin Tổng Bí thư bệnh nặng và mất vào chiều 19/7, bản thân tôi cũng như người dân trong xã rất đau buồn. Đây là một mất mát lớn của nhân dân chúng tôi nói riêng và cả nước nói chung. Người như người cha của buôn làng vì đã mang đến sự đổi thay cho Ayun như bây giờ", ông Siu BLí, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ayun chia sẻ.

Tình cảm của các dân tộc Tây Nguyên đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ đến từ những người đã từng gặp, từng tiếp xúc, từng làm việc với Tổng Bí thư, mà cả những người chỉ thấy Tổng Bí thư qua các phương tiện truyền thông đại chúng.

Khi nghe tin về sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, em Tam Bou Hữu (dân tộc K'Ho, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) không khỏi tiếc thương. Hữu tâm sự, vốn học chuyên ngành Lịch sử, em có cơ hội tìm hiểu, nắm bắt thông tin liên quan về lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đặc biệt là vùng Tây Nguyên nơi em sinh ra và lớn lên. Dù chưa từng được gặp Tổng Bí thư, nhưng cũng giống bao người K'Ho khác, em cảm thấy đau buồn khi Tổng Bí thư từ trần.

"Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là mất mát lớn đối với đất nước và người dân Tây Nguyên. Lúc nghe tin bác đã ra đi, mình không muốn tin là sự thật. Mình vẫn mong có một ngày nào đó, Tổng Bí thư lại ghé thăm mảnh đất Tây Nguyên này, nhưng bây giờ đó chỉ là điều ước mà thôi!", em Tam Bou Hữu bày tỏ.

Còn với ông Điểu Hùng (45 tuổi, dân tộc M'Nông, xã Quảng Tín, huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông), hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên các phương tiện truyền thông luôn khiến ông ấn tượng. Sự hiền hậu, chân thành, nói đi đôi với làm của người đứng đầu Đảng luôn xuất hiện trong tâm trí ông.

"Tôi biết tin Tổng Bí thư từ trần khoảng hơn 6 giờ tối 19/7. Lúc đó chuẩn bị vào bữa cơm tối. Chẳng hiểu sao, nước mắt tôi cứ chảy mãi, không thể ăn được. Bà con ở đây ai cũng thương bác, vì những gì bác đã cống hiến cho nhân dân, đất nước nói chung và các dân tộc Tây Nguyên nói riêng", ông Điểu Hùng xúc động.

Đoàn kết cùng dựng xây cơ đồ đất nước

Trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên vô cùng đau xót, tiếc thương. Nhưng nhớ lời căn dặn của Tổng Bí thư, "biến đau thương thành hành động", các dân tộc Tây Nguyên sẽ tiếp tục đoàn kết, chung sức một lòng, cùng xây dựng khu vực Tây Nguyên phát triển, đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc, vươn lên như cây sao Tổng Bí thư trồng tại xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk năm 2018, cùng lời nhắn nhủ "cây tượng trưng cho sự vững chãi, vươn cao, đoàn kết như cây cổ thụ".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong trái tim đồng bào Tây Nguyên - Bài cuối: Vững niềm tin theo Đảng - Ảnh 2.

Già làng Y Dhun Hmok trao vòng sức khoẻ tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Ngày hội đại đoàn kết dân tộc. Nguồn: Báo Công An Nhân Dân

"Thời gian tới, bà con nhân dân thôn Kon Rờ Bàng 2 sẽ tiếp tục cố gắng, nỗ lực hơn nữa, góp phần giúp tỉnh Kon Tum nói riêng và đất nước nói chung phồn vinh. Dân làng sẽ luôn nghe theo Đảng, theo chính quyền các cấp, cùng nhau đoàn kết, xây dựng kinh tế trong từng gia đình, như lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng", ông A Bát, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Kon Rờ Bàng 2, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum khẳng định.

Bà Y Vêng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum nêu rõ, làm theo lời Tổng Bí thư, tỉnh cần tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế, thực hiện nghị quyết Đại hội đã đề ra, có các chương trình, kế hoạch thực hiện cho thật tốt trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng. Đặc biệt, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật tốt mới có thể triển khai được các nhiệm vụ đó. Kon Tum có rất nhiều thành phần dân tộc, cần phải có sự đoàn kết toàn dân tộc, đó là sức mạnh của Đảng, của dân tộc ta, như mong muốn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ông Siu BLí, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai bày tỏ quyết tâm: "Bản thân tôi rất vui mừng khi chứng kiến vùng đất mình sinh ra và lớn lên đang ngày càng thay da, đổi thịt từ khi nhận được "món quà" hết sức đặc biệt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là công trình thủy lợi. Tôi sẽ tiếp tục cùng với tập thể Đảng ủy xã lãnh đạo địa phương, phát huy khối đại đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, chung tay xây dựng xã Ayun ngày ngày giàu mạnh".

Nghệ nhân Ưu tú Y Bhiông Niê (tên thường gọi Ama H'Loan, buôn Ako Dhông, phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, Tổng Bí thư đã mất, dù đau thương nhưng mọi người phải phấn đấu xây dựng cho Tây Nguyên giàu lên, cơ sở hạ tầng phát triển, chất lượng con người được nâng cao, làm tất cả những gì để góp phần xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Anh A Nguyên (sinh năm 1998, trưởng thôn Đăk Mốt, Phó Bí thư Đoàn xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà) cho biết, khi thôn được Tổng Bí thư đến thăm, anh vẫn còn là học sinh bậc Trung học cơ sở. Tuy nhiên, anh đã luôn cảm thấy vinh dự, tự hào; đồng thời khẳng định, là thế hệ trẻ, lớn lên trong hòa bình, độc lập, anh sẽ cùng với các đoàn viên, thanh niên trong xã đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế, để Đăk Mốt nói riêng, các thôn, làng Tây Nguyên nói chung ngày càng giàu mạnh, như lời Tổng Bí thư đã căn dặn.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk Y Giang Gry Niê Knơng chia sẻ, khắc ghi quan điểm của Tổng Bí thư về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, mỗi cán bộ Mặt trận tỉnh Đắk Lắk sẽ mãi coi đây là những định hướng quan trọng để phát huy sức mạnh của nhân dân cùng chung tay góp sức gây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân ở những địa phương từng vinh dự được đón Tổng Bí thư đến thăm - đại diện cho các dân tộc Tây Nguyên như một lời khẳng định sự kính trọng với Tổng Bí thư; sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong cuộc cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Nhóm PV TTXVN tại Tây Nguyên

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›