Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang tham dự Hội nghị cấp cao truyền thông thế giới lần thứ 4
(Thethaovanhoa.vn) - Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, ngày 22/11, Hội nghị cấp cao truyền thông thế giới (WMS) lần thứ 4 đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc với sự tham dự của đại diện nhiều hãng truyền thông lớn trên thế giới.
Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) Vũ Việt Trang đã tham dự và có bài phát biểu tại sự kiện này.
WMS là một diễn đàn quan trọng để tăng cường trao đổi và hợp tác giữa các cơ quan truyền thông trên thế giới. Hội nghị do một nhóm các hãng thông tấn lớn khởi xướng năm 2009, gồm Tân Hoa xã (Trung Quốc), AP (Mỹ), Reuters (Anh), TASS (Nga), Kyodo (Nhật Bản) và một số cơ quan truyền thông khác. WMS lần thứ 4 tập trung vào “Chiến lược phát triển truyền thông trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19”.
Tại hội nghị, những người đứng đầu các hãng thông tấn và các cơ quan truyền thông, đại diện các tổ chức quốc tế đã thảo luận chuyên sâu về 4 chủ đề: (1) Phát triển truyền thông: Công nghệ mới, tầm nhìn tốt hơn; (2) Tiếp thị truyền thông: Những đối tác mới, Những thị trường mới; (3) Trên tinh thần khoa học và hợp tác: Phản ứng của truyền thông trong các sự kiện khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng; (4) Truyền thông: Cầu nối giữa các nền văn minh.
Tham dự hội nghị, Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang đã có bài phát biểu về chủ đề “Trên tinh thần khoa học và hợp tác: Phản ứng của truyền thông trong các sự kiện khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng”. Tổng Giám đốc Vũ Việt Trang đánh giá cao việc Tân Hoa xã nỗ lực tổ chức sự kiện trực tuyến này trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới; nhấn mạnh đây là dịp để đại diện các cơ quan truyền thông lớn trên thế giới bàn thảo về một vấn đề mang tính thời sự và cùng quan tâm, đó là phản ứng của truyền thông trong các sự kiện khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.
Theo Tổng Giám đốc Vũ Việt Trang, báo chí, truyền thông chịu tác động nặng nề và dai dẳng của đại dịch COVID-19, khi nhiều tòa soạn báo in phải ngừng hoạt động hoặc dừng xuất bản có thời hạn, doanh thu từ các sự kiện giảm mạnh và nguồn thu thương mại giảm sút, trong khi chi phí sản xuất/tổ chức thông tin tăng lên, hoạt động tác nghiệp của các nhà báo bị ảnh hưởng, nhiều nhà báo đã mắc COVID-19, thậm chí tử vong vì dịch bệnh nguy hiểm này.
Tổng Giám đốc Vũ Việt Trang nhấn mạnh từ khi dịch bùng phát đến nay, TTXVN - hãng thông tấn quốc gia của Việt Nam - nhất quán truyền đi thông điệp của Chính phủ là dành ưu tiên cao nhất cho sức khỏe và tính mạng của người dân, khơi dậy quyết tâm chống dịch của cả cộng đồng cũng như niềm tin và sự hứng khởi để phục hồi đất nước. Để làm được điều này, nhiều phóng viên TTXVN đã có mặt ở tâm dịch để ghi lại những câu chuyện về sự nỗ lực, hy sinh của lực lượng tuyến đầu để giành lại sự sống cho những ca bệnh nặng; các nhà khoa học chạy đua với thời gian để nghiên cứu vaccine phòng bệnh, thuốc chữa bệnh; sự hưởng ứng của người dân và doanh nghiệp trong cuộc chiến chống COVID-19 cũng như sự điều hành quyết liệt của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước để Việt Nam sớm kiểm soát được dịch bệnh.
Tổng Giám đốc Vũ Việt Trang đã nêu ra một số giải pháp của TTXVN trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, như: (1) Mở chuyên trang, chuyên mục về dịch bệnh COVID-19 trên tất cả các kênh truyền thông của TTXVN với thông tin đa dạng bằng các loại hình, cập nhật kịp thời, toàn diện về công tác phòng chống dịch, đặc biệt chú trọng đến thông tin mang tính khoa học, chính thống do các tổ chức chuyên ngành và chuyên gia cung cấp, để công chúng hiểu đúng về bản chất của dịch bệnh, nhưng không hoang mang, lo lắng.
Chuyên trang này có địa chỉ truy cập: https://ncov.vnanet.vn; (2) Sản xuất các sản phẩm thông tin mang tính chỉ dẫn về cách thức phòng, chống dịch dưới dạng đồ họa. Những đồ họa này được chuyển giao miễn phí tới các cơ sở y tế trong nước sử dụng trong hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về dịch bệnh; (3) Triển khai dự án “Nói không với tin giả (Fake News)” hướng tới đối tượng trẻ tuổi, giúp họ nhận diện, không vô tình trở thành những cánh tay nối dài cho tin giả và tham gia cùng TTXVN trong cuộc chiến chống tin giả. TTXVN thực hiện kiểm chứng, xác minh và đóng dấu “tin giả” đối với những thông tin sai sự thật hòng trục lợi và gây bất ổn xã hội, hoang mang trong công chúng; (4) Ban hành hướng dẫn tác nghiệp an toàn; (5) Sử dụng nguồn lực dự phòng để đảm bảo thu nhập cho người lao động; (6) Tăng cường hợp tác quốc tế để tạo ra năng lượng tích cực cho những người làm báo trong đại dịch...
Tổng Giám đốc Vũ Việt Trang cho biết hiện đã có vaccine phòng ngừa và một số thuốc đặc trị COVID-19, điều này có nghĩa là dịch bệnh sẽ được kiểm soát trong tương lai dù thời điểm đó vẫn chưa được dự báo cụ thể. Tuy nhiên, những tác động của dịch bệnh đến mọi mặt đời sống, trong đó có truyền thông, sẽ còn kéo dài và nặng nề. Tổng Giám đốc TTXVN bày tỏ mong muốn nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm quý báu từ các đồng nghiệp, các nhà lãnh đạo báo chí, truyền thông để cùng nhau vượt qua khó khăn, tiếp tục thực hiện sứ mệnh của những nhà cung cấp thông tin chuyên nghiệp trong kỷ nguyên số.
Phát biểu của Tổng Giám đốc Vũ Việt Trang đã được các đại biểu tham dự hội nghị đánh giá cao.
Tại hội nghị, đại diện nhiều hãng thông tấn và cơ quan truyền thông trên thế giới đã phát biểu chia sẻ những khó khăn, thách thức đối với sự phát triển của báo chí, truyền thông trong bối cảnh đại dịch COVID-19 cùng những kinh nghiệm quý giá trong việc đối phó với đại dịch, khắc phục những khó khăn và thách thức để tiếp tục duy trì hoạt động và phát triển.
Các đại biểu cho rằng dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, đòi hỏi các cơ quan báo chí và các hãng truyền thông phải ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào hoạt động tác nghiệp để thích ứng với điều kiện tác nghiệp mới.
Phát biểu kết thúc phiên họp thứ hai, ông Ban Vĩ - Phó trưởng Ban biên tập của Tân Hoa xã - nhấn mạnh đại dịch COVID-19 đã buộc các cơ quan truyền thông phải thay đổi cách thức làm việc, nhưng các nỗ lực nhằm sản xuất ra những sản phẩm thông tin chất lượng cao và giữ được niềm tin của công chúng đối với các cơ quan truyền thông là không thay đổi. Đại dịch COVID-19 cũng mở ra những cơ hội hợp tác mới. Từ hội nghị cấp cao truyền thông thế giới lần này, trong thời gian tới, các cơ quan truyền thông cần có nhiều hoạt động trao đổi thông tin và hợp tác thực chất hơn nữa trong nỗ lực chung phục vụ cộng đồng và nhân loại.
WMS lần đầu tiên được tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 8-10/10/2009 với sự tham dự của các đại diện từ hơn 170 cơ quan truyền thông của hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ; hội nghị lần thứ hai được tổ chức từ ngày 5-7/7/2012 tại Moskva (Nga) với sự tham dự của các đại diện từ hơn 200 cơ quan truyền thông của khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ; hội nghị lần thứ ba được tổ chức từ ngày 20-21/3/2016 tại Doha (Qatar) với sự tham dự của hơn 350 đại diện từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
TTXVN