Ngày 25/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố nền kinh tế đầu tàu thế giới sẽ tránh được kịch bản vỡ nợ, cho dù các nghị sĩ bắt đầu kỳ nghỉ 10 ngày mà chưa đạt thỏa thuận tăng trần nợ công.
Chỉ còn 7 ngày nữa là đến ngày 1/6 - thời điểm Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo chính phủ có thể hết khả năng trang trải chi phí cho các hoạt động và vỡ nợ nếu các nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa không đạt thỏa thuận nâng trần nợ. Nợ công của Mỹ hiện ở mức 31.400 tỷ USD.
Trong khi đó, các nghị sĩ đã bắt đầu kỳ nghỉ sau cuộc bỏ phiếu cuối cùng vào sáng 25/5 và đến ngày 4/6 tới mới họp trở lại. Nhiều người lo ngại kỳ nghỉ kéo dài làm gián đoạn quá trình đàm phán trong giai đoạn gấp rút.
Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Biden khẳng định "Mỹ sẽ không rơi vào cảnh vỡ nợ", đồng thời nhấn mạnh các cuộc thương lượng giữa ông và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy về cắt giảm chi tiêu và tăng trần nợ "có hiệu quả".
Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện McCarthy đã có cuộc thảo luận trực tuyến ngày 25/5. Nhà đàm phán phe Cộng hòa Garret Graves cho biết hai bên sẽ tiếp tục thảo luận vào tối cùng ngày, đồng thời tiết lộ hai bên vẫn chưa đạt đồng thuận về chi tiêu cho an sinh xã hội và chương trình trợ cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người nghèo Medicaid.
Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Kevin Hern cho biết nhiều khả năng hai bên sẽ đạt được thỏa thuận vào chiều 26/5 (giờ địa phương).
Theo Tổng thống Biden, ông và Chủ tịch Hạ viện McCarthy "có quan điểm rất khác biệt" về những lĩnh vực phải cắt giảm chi tiêu. Ông nhấn mạnh: "Tôi cho rằng không nên trút toàn bộ gánh nặng lên tầng lớp trung lưu và tầng lớp lao động Mỹ".
Về phần mình, Chủ tịch Hạ viện McCarthy cho biết hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận và nêu rõ "đây cũng không phải điều dễ dàng".
Các cuộc đàm phán giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ về nâng trần nợ công đến nay chưa mang lại kết quả. Phe Cộng hòa đề xuất cắt giảm chi tiêu 130 tỷ USD, với các khoản chi tiêu trong năm tới chỉ hạn chế ở mức bằng năm 2022, coi đây là điều kiện để đạt thỏa thuận tăng trần nợ công. Họ cho rằng không thể nâng trần nợ công nếu chính phủ không có các biện pháp mạnh tay để giảm thâm hụt ngân sách, như cắt giảm chi tiêu cho an sinh xã hội và hạn chế diện tiếp cận với Medicaid. Chính quyền Tổng thống Biden phản đối các biện pháp trên, thay vào đó đưa ra kế hoạch giảm một số chi tiêu và tăng thuế đối với những người giàu nhất cũng như các tập đoàn hiện đang được hưởng các khoản giảm thuế lớn.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cảnh báo kịch bản Mỹ vỡ nợ sẽ rất thảm khốc khi kéo theo hàng loạt rủi ro khác như hàng triệu người thất nghiệp, trợ cấp hưu trí bị ảnh hưởng và một cuộc suy thoái kinh tế khiến thị trường thế giới cũng chao đảo. Bộ Tài Chính Mỹ cho biết họ sẽ bán khoản nợ 119 tỷ USD đáo hạn ngày 25/5. Một số khoản thanh toán an sinh xã hội trị giá 25 tỷ USD đáo hạn vào ngày 2/6 tới có thể bị đình chỉ nếu Bộ Tài Chính không có khả năng chi trả đúng hạn.
Tags