Trong khuôn khổ chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ hai, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ca ngợi mối quan hệ hữu nghị Pháp – Đức, khẳng định Pháp sẽ cùng Đức tạo ra một châu Âu mạnh hơn để sẵn sàng đối phó với những thách thức lớn, như số hóa và biến đổi khí hậu.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu trước báo giới, ông Macron nêu rõ: "Chúng tôi sẽ củng cố lập trường chung về quốc phòng và chính sách đối ngoại". Đề cập xung đột giữa Nga và Ukraine, ông Macron cho rằng cuộc xung đột đã tác động sâu sắc đến châu Âu và dẫn đến hành động chung.
Hai nhà lãnh đạo Pháp, Đức cho biết châu Âu sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine và gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Nga, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch từ Nga cũng như hạn chế tác động của các vấn đề phát sinh do nguồn cung năng lượng và lương thực bị gián đoạn liên quan đến cuộc xung đột.
Trước đó, phát biểu tại Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, ông Macron đã kêu gọi thực hiện một số cải cách sâu rộng để cải tổ Liên minh châu Âu (EU). Ông đề xuất tạo ra một “cộng đồng chính trị châu Âu” mới, cho phép các quốc gia bên ngoài EU như Ukraine tham gia các giá trị cốt lõi của châu Âu. Nhà lãnh đạo Pháp cho rằng quá trình để một nước ứng cử viên như Ukraine gia nhập EU có thể mất hàng chục năm do những tiêu chuẩn và quy tắc của khối.
- Cử tri Pháp không muốn đảng của Tổng thống Macron giành đa số ghế trong Quốc hội
- Thách thức của nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron
- Nước Pháp và thế giới chào đón Tổng thống Emmanuel Macron tái đắc cử
Ý tưởng trên của nhà lãnh đạo Pháp - nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU, đã nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Nhà lãnh đạo Đức cho rằng đây là một đề xuất hay và ông sẵn sàng thảo luận với nhà lãnh đạo Pháp.
Trước đó cùng ngày, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo tháng 6 tới sẽ đưa ra phản hồi đối với nguyện vọng của Kiev gia nhập EU. Đây là một bước quan trọng trong quy trình để các nước thành viên EU xem xét việc kết nạp Ukraine.
Theo Tổng thống Macron, chuyến công du đầu tiên của ông tới Đức sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ hai là một tín hiệu quan trọng. Điều này cho thấy Pháp và Đức đã vượt qua một số khác biệt và thống nhất cao trong cách thức phản ứng với các cuộc xung đột quốc tế, muốn cải thiện hơn nữa sự phối hợp song phương và tổ chức cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng Pháp-Đức sớm trong thời gian tới.
TTXVN
Tags