Tổng thư ký VFF Dương Nghiệp Khôi khẳng định, việc tổ chức giải bóng đá nữ VĐQG gặp nhiều khó khăn về kinh phí lẫn địa điểm đăng cai và cần sự chia sẻ, hỗ trợ từ nhiều phía.
* Lượt đi giải bóng đá nữ VĐQG 2024 vừa khép lại và xuất hiện những ý kiến trái chiều từ phía đội bóng dự giải về việc điều chỉnh lịch thi đấu vào khung giờ nắng nóng, ảnh hưởng tới chuyên môn, ông có thể lý giải rõ hơn về vấn đề này?
- Tổng thư ký VFF Dương Nghiệp Khôi: Sau lượt trận thứ 4, qua báo cáo của Giám sát trận đấu về việc thời tiết không thuận lợi, khung giờ từ 15h00 đến 16h00 trời rất nắng nóng nhưng sau đó có thể mưa giông và trời tối rất nhanh. Trong khi đó, 2 sân Long Tâm và Tân Hưng không có đèn, nên không đảm bảo ánh sáng.
Chúng tôi đã làm việc với lãnh đạo các đội bóng dự giải và thống nhất về việc điều chỉnh thời gian thi đấu sớm hơn 30 phút (từ 16h00 lên 15h30) kể từ lượt trận thứ 5 đến hết giải. Sau đó, BTC ra thông báo chính thức.
Tất cả cũng đã lường trước tình huống, nếu thi đấu vào 15h30 những ngày không có mưa sẽ nắng nóng hơn nhưng các đội bóng đều cho rằng có thể khắc phục được và việc thi đấu sớm giúp cho không trận đấu nào bị ảnh hưởng khi trời tối.
* Giải bóng đá VĐQG nữ thường tổ chức vào mùa Hè rất nắng nóng. Về phía VFF có tính toán như thế nào về thời điểm tổ chức giải?
- Về nguyên tắc tổ chức thi đấu, phải căn cứ và tuân theo lịch thi đấu quốc tế, thậm chí không loại trừ cả các giải trẻ. Năm 2024, lượt đi giải VĐQG diễn ra từ 1/5 đến 1/6, lượt về diễn ra từ 1/7 đến 1/8 là do căn chỉnh cho phù hợp với lịch thi đấu quốc tế, lịch tập trung các ĐTQG từ lứa tuổi U16 trở đi và hệ thống thi đấu quốc nội với không ít các giải đấu.
Ví dụ trước khi lượt đi diễn ra, cần có thời gian để đội tuyển U20 nữ thi đấu xong vòng chung kết U20 châu Á rồi trả cầu thủ về CLB. Giữa 2 giai đoạn ở giải VĐQG, các cầu thủ sẽ nghỉ 1 tháng. Thi đấu xong lượt về, đến kế hoạch tập trung ĐTQG, CLB TPHCM tham AFC Champions League. Rồi còn cả các giải quốc nội như Cúp Quốc gia, VĐQG U19, VĐQG U16…
* Việc lựa chọn Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức lượt đi giải VĐQG được tính toán trên căn cứ nào, thưa ông?
- Việc tìm địa điểm tổ chức lượt đi cực kỳ khó khăn, đặc biệt sau khi khảo sát ý kiến, không có địa phương nào nhận đăng cai. Trở ngại lớn nhất là với 8 đội tham dự, cần ít nhất 3 SVĐ để thi đấu và tập luyện. Các địa phương từng tổ chức như Hà Nội, Hà Nam, Quảng Ninh, TPHCM đều đang trong quá trình cải tạo sân hoặc "kẹt" về địa điểm nên không tổ chức được.
Rất may là Công ty cổ phần bóng đá Bà Rịa – Vũng Tàu nhận lời và UBND tỉnh cũng hỗ trợ nhiệt tình. 3 SVĐ Long Tâm, Tân Hưng và Bà Rịa đều có mặt sân rất đẹp, đủ tiêu chuẩn thi đấu. Qua đây, tôi xin gửi lời cảm ơn tới địa phương đã nhận lời đăng cai và công tác tổ chức thi đấu lượt đi cho thấy nỗ lực rất lớn của tất cả.
Nhiều khó khăn trong việc tổ chức giải bóng đá nữ quốc gia
* Những năm qua, tổ chức thi đấu bóng đá nữ thường gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, nguồn kinh phí cho giải VĐQG hoàn toàn dựa vào công tác xã hội hóa. Ông có thể lý giải kỹ hơn về điều này?
- VFF luôn cố gắng trong việc tìm kiếm nguồn kinh phí xã hội hóa tổ chức giải VĐQG và Công ty Thái Sơn Bắc rất nhiệt tình đồng hành. Trong bối cảnh khó khăn chung như vậy nhưng công tác tổ chức đảm bảo, tiền thưởng cho cá nhân, tập thể xuất sắc vẫn tăng lên.
Tuy nhiên, bóng đá nữ Việt Nam vẫn rất cần sự chung tay của nhiều nguồn lực trong xã hội để có điều kiện tập luyện, thi đấu tốt hơn, giành thêm nhiều thắng lợi sau những thành công mà chúng ta đã đạt được.
Trở lại với lượt về giải VĐQG diễn ra tại Hà Nội (từ ngày 1/7 đến 1/8), VFF sẽ tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác tổ chức và chuyên môn với các đội bóng, đảm bảo giải đấu năm nay thành công tốt đẹp.
Tags