Tổng thư ký VTF Nguyễn Quốc Kỳ: ‘Sẽ phát triển với nguồn lực Việt Kiều’

Thứ Bảy, 22/10/2016 06:23 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VTF và Trưởng BTC giải Vietnam Open vừa kết thúc ở TP.HCM mới đây cho biết tay vợt người Pháp gốc Việt Maxime Tabatruong muốn nhập quốc tịch Việt Nam để thi đấu cho đội tuyển.

Cộng với những nhân tố trẻ khá chất lượng trong nước, quần vợt nước nhà đang có cơ hội nâng tầm rõ rệt.

“Cơn gió lạ” Maxime Tabatruong

Giám đốc giải Vietnam Open, Longy Lê Hoàng cũng chia sẻ thông tin tích cực như trên khi ông nhận được tin các tài năng gốc Việt đánh tiếng muốn có quốc tịch Việt Nam để về quê hương thi đấu.

“Maxime Tabatruong có ba là người Việt, gốc ở Biên Hòa, Đồng Nai và đến Pháp sống từ rất lâu rồi. Mẹ cậu ấy là người quốc tịch Pháp. Maxime Tabatruong sinh ra ở Pháp và mang dòng máu Việt nhưng cậu ấy không về đây thường xuyên. Tabatruong như Daniel Nguyễn, có nhiều điểm chung lắm.

Cậu ấy mới chỉ thi đấu chuyên nghiệp 5 năm nay, sự nghiệp gián đoạn vì cậu ấy phải lo học đại học. Cậu ấy chỉ thi đấu chuyên nghiệp sau khi tốt nghiệp đại học như Daniel Nguyễn”. Ngoài Tabatruong, vị giám đốc này còn đang là đại diện của khá nhiều tay vợt trẻ gốc Việt đang sinh sống ở châu Âu. Đó có thể xem là những nguồn lực hứa hẹn rất tiềm năng.


Tổng thư ký VTF Nguyễn Quốc Kỳ khẳng định cánh cửa đội tuyển quốc gia luôn rộng mở.Ảnh: V.H

Với những người làm quần vợt Việt Nam, đó là tin đáng mừng khi “bỗng nhiên” đội tuyển quốc gia lâu nay không mấy nổi bật được thổi luồng sinh khí mới để lớn mạnh hơn.

Tổng thư ký VTF Nguyễn Quốc Kỳ chia sẻ: “Trong giải Vietnam Open 2015 thì chúng ta có thấy Daniel Nguyễn nhưng năm nay anh ta gặp chấn thương không về tham dự được. Năm nay chúng ta thấy Maxime Tabatruong cũng là một tay vợt từng trong top 360 thế giới. Vừa qua anh ta chấn thương quay trở lại thi đấu với hạng ngoài 500, dự Vietnam Open 2016 xong thì bị tuột 74 bậc nên giờ xếp hạng trong top 600 ATP.

Đây là VĐV rất có tiềm năng, có kinh nghiệm chinh chiến quốc tế, nếu được bổ sung vào đội tuyển quần vợt Việt Nam thì sẽ giúp quần vợt Việt Nam phát triển. Chúng ta không trông vào tay vợt nước ngoài nhưng chúng ta cũng không thể bỏ phí những con người có nguồn gốc sinh ra ở Việt Nam. VTF đã đặt vấn đề với Tabatruong để anh ấy nhập quốc tịch Việt Nam và về cống hiến cho màu cờ sắc áo. Anh ta đã nhận lời và trước mắt sẽ thi đấu cho đội tuyển quần vợt Việt Nam ở SEA Games 2017.

Maxime Tabatruong trước khi tham dự Vietnam Open và thua Hoàng Nam ở vòng 1 giải năm nay đã đến Bình Dương để tham dự giải Men’s Future, do đó chàng trai quốc tịch Pháp này mau chóng được chú ý với cái họ Trương thừa hưởng từ cha mình. Maxime từng chinh phục thứ hạng 360 ATP và đối với chàng trai sinh năm 1989 xác định quần vợt chuyên nghiệp chỉ là một phần thử thách của cuộc đời đằng sau ưu tiên số 1: học vấn. Thế nên dù mang tiếng chơi chuyên nghiệp 5 năm nhưng số lượng giải đấu mà Tabatruong tham gia không nhiều vì bận học.

Trưởng thành trên đất Pháp, nơi có giải quần vợt Roland Garros danh giá, tay vợt sinh ngày 24/9/1989 được rèn luyện kỹ năng trên sân đất nện nhiều hơn. Thói quen di chuyển trượt bằng gầm giày để cứu bóng và những cú đánh uy lực là sở trường của Tabatruong.

Nhưng cũng vì rèn luyện trên mặt sân đất nện nhiều nên tay vợt thuận tay phải này không được đánh giá cao khi chơi trên những mặt sân cứng. Ở giải Men’s Future tại Bình Dương trước đây không lâu, thành tích tốt nhất của Tabatruong là chỉ lọt đến tứ kết. Còn ở Vietnam Open 2016 vừa qua, đối diện với tài năng trẻ số 1 nước chủ nhà, Maxime đã thua 0-2 (4-6, 4-6). Tabatruong chia sẻ: “Tôi gặp vấn đề về thời tiết và dạ dày khi về Việt Nam tham dự Vietnam Open 2016. Tôi không muốn dựa vào lý do đó để đổ thừa cho trận thua trước Hoàng Nam nhưng tôi gặp khá nhiều vấn đề sau khi trải qua chấn thương”.

Giới chuyên môn nhận định, nếu không có vấn đề với chấn thương và biết khắc chế tâm lý sau những tình huống trọng tài xử lý khá nhạy cảm hôm đó, Maxime Tabatruong không dễ bị loại ngay vòng đầu. So về thể lực và đặc biệt là sức nặng trong những cú đánh trả, Tabatruong đều trội hơn Hoàng Nam.

Tuy nhiên, sự chính xác là vấn đề khiến Tabatruong bại trận. Một chi tiết khác mà Tabatruong Maxime dù thua nhưng vẫn chiếm được nhiều tình cảm của các CĐV Việt chính là phong cách chơi phóng khoáng. Dù bị Hoàng Nam dẫn điểm nhưng Tabatruong vẫn điềm tĩnh bỏ nhỏ, cắt bóng rất “mượt” khiến người xem không khỏi thích thú.

Vietnam Open nâng tầm quần vợt Việt Nam

Chia tay Vietnam Open 2016 nhưng Tabatruong không quên nhắn gửi những lời cảm ơn cho VTF khi đã ưu ái cho tay vợt này suất đặc cách vào vòng chính thi đấu. Sự nhiệt tình và trân trọng tài năng của VTF cũng là một trong những lý do thuyết phục được tài năng người Pháp gốc Việt quy hồi cố hương.

Tabatruong hẹn “sẽ quay lại Việt Nam để có nhiều trải nghiệm hơn ở quê hương mà cha mình đã sinh ra”. Tabatruong cũng chia sẻ: “2 năm trước tôi đã gặp Hoàng Nam ở Bỉ và nhận thấy cậu ấy có nhiều tố chất tốt để phát triển hơn trong sự nghiệp”. Nếu những cái tên này cùng đứng trong một chiến tuyến ở tương lai gần, quần vợt Việt Nam hứa hẹn sẽ mạnh mẽ hơn như chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Kỳ.

Đa số thành viên BCH đề cử ông Nguyễn Quốc Kỳ vào chức Chủ tịch VTF

Đa số thành viên BCH đề cử ông Nguyễn Quốc Kỳ vào chức Chủ tịch VTF

Hầu hết những cáo buộc mới đây đối với ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng thư ký Liên đoàn đã được Ban Kiểm tra của Liên đoàn kết luận là thiếu căn cứ từ hồi tháng 8.

Không chỉ thu nạp thêm nhân tài, giải đấu trên đất Việt Nam còn mang ý nghĩa tích cực cho những tài năng trẻ nước nhà. Ông Quốc Kỳ nhận định: “Thành công lớn nhất của giải năm nay chính là sự khẳng định các tay vợt Việt Nam đủ sức thi đấu ở giải Challenger.

Nhiều người bảo rằng giải năm ngoái khi chúng tôi tổ chức là cái gì đó trên trời, Việt Nam không có khả năng, không nên tổ chức. Nếu suy nghĩ yếm thế như vậy thì không bao giờ quần vợt Việt Nam phát triển được. Chúng ta phải có cái nhìn khác, xa rộng hơn, từng bước cho thấy sân chơi Men’s Future quan trọng nhưng sân chơi lớn hơn như Challenger chúng ta phải bước vào.

Đó mới là sân chơi các tay vợt phải đi qua nếu muốn vươn đến đẳng cấp cao hơn trong sự nghiệp. Không tay vợt nào chỉ dự Men’s Future mà lọt vào top 100, 200 được, phải khẳng định chuyện đó. Hy vọng những giải đấu lớn sẽ giúp VĐV chúng ta đi lên từng bước để vươn đến tầm ATP World Tour”.

“Năm nay khẳng định được VĐV chúng ta đã tiến bộ hơn, năm ngoái bị loại hết từ vòng đầu nhưng năm nay các VĐV Việt Nam chỉ dừng bước ở vòng 2. Hãy nhìn lại những VĐV đã loại VĐV chúng ta. VĐV loại Hoàng Nam ra khỏi nội dung đơn là Go Soeda chính là người giành Á quân giải này.

Còn đôi thắng Hoàng Nam và Hoàng Thiên chính là anh em song sinh người Thái Lan đã vô địch đôi nam. Khả năng của chúng ta như thế là tốt dù sự cách biệt trên bảng xếp hạng thế giới ATP là rất lớn. Điều đó khẳng định nếu chúng ta dám nghĩ dám làm thì quần vợt Việt Nam sẽ phát triển được”, ông Quốc Kỳ nói thêm.

634 – Cột mốc mới của Lý Hoàng Nam

Hoàng Nam đang có thứ hạng kỷ lục trong sự nghiệp của mình với thứ hạng 634 ATP, thăng tiến 49 bậc so với trước khi tham dự Vietnam Open. Hoàng Nam đang có 43 điểm và mục tiêu sắp tới của tay vợt gốc Tây Ninh sẽ là 3 giải đấu Men’s Future còn lại ở Bình Dương. Tiếp đó, Hoàng Nam dự kiến sẽ đến Indonesia tham dự 3 giải Men’s Future. Tay vợt 19 tuổi sẽ tìm kiếm khoảng 30 điểm nữa để hoàn thành top 500 ATP.

Hoàng Nam chia sẻ đó cũng là thành công lớn của tay vợt này nhưng bản thân còn phải cải thiện sức mạnh trong kỹ năng giao bóng và sức bền để trưởng thành hơn. Ở nội dung đôi nam, Hoàng Nam có thứ hạng 707, hơn 67 bậc so với người đàn anh Nguyễn Hoàng Thiên. Đây cũng là những kỷ lục mà chưa tay vợt Việt Nam nào làm được trong quá khứ.


Bình Minh
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›