Tony Fernandes, người giải cứu AirAsia với 0,2 USD

Thứ Hai, 29/12/2014 08:40 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Một giấc mơ thời thơ ấu, chút kiến thức nhờ được tỷ phú Anh Richard Branson dạy dỗ và một thương vụ có chi phí 0,2 USD đã đưa doanh nhân Tony Fernandes của Malaysia lên vị trí lãnh đạo hãng hàng không giá rẻ AirAsia, hiện đang ở trung tâm của một vụ mất tích máy bay mới nhất.

Sinh ra tại Kuala Lumpur vào năm 1964, Fernandes đã đi học trường dòng ở Epsom, Surrey, trước khi theo học Trường kinh tế London. Ông đã đi theo đúng quỹ đạo của Brandson khi khởi nghiệp trong ngành âm nhạc, làm việc cho hãng đĩa Virgin sau khi ra trường.

Năm 2001, ở tuổi 37, ông đã tiến vào lĩnh vực hàng không thông qua việc mua lại AirAsia. Thời điểm ấy, đây là một hãng hàng không nhà nước đang gặp khó khăn, ngập trong nợ nần. Ông mua hãng này với giá tượng trưng là 1 ringgit (0,2 USD). Theo tạp chí Forbes, Fernandes giờ có tài sản cá nhân hơn 600 triệu USD. Ông đã được phong tước Hiệp sĩ Anh vào năm 2011.

Hình ảnh thương hiệu của hãng AirAsia khiến người ta cảm tưởng như nó là anh em của hãng Virgin thuộc sở hữu của Branson. Hai hãng giống nhau từ cách phối màu máy bay và kiểu logo. Thực tế khi tiếp quản AirAsia, Fernandes đã lấy cảm hứng từ hãng Virgin.

Nhưng AirAsia cất cánh còn nhờ cảm hứng lớn hơn, từ hoạt động di chuyển bằng hàng không giá rẻ, đã thay đổi hẳn bản đồ bay của châu Âu. Không lâu sau khi được Fernandes mua lại, đội máy bay của AirAsia đã mở rộng rất nhanh về số lượng. Trong vòng 1 thập kỷ, AirAsia đã vận chuyển mỗi năm hơn 30 triệu hành khách.


Lãnh đạo AirAsia, Tony Fernandes

Trong khi trụ sở chính của AirAsia nằm ở Malaysia, thương hiệu này đã trở thành cái ô chung của nhiều hãng hàng không nước ngoài mà Fernandes có cổ phần. Ví dụ như ông đã mua 49% cổ phần trong hãng hàng không giá rẻ AWAIR của Indonesia hồi năm 2004 và đổi tên nó thành Indonesia AirAsia trong năm tiếp theo. Các dự án tương tự đã đưa AirAsia vào Philippines, Thái Lan, Nhật Bản và gần đây nhất là Ấn Độ. Cùng với việc đặt mua mới một lượng lớn máy bay, Fernandes đã nghĩ tới ý tưởng AirAsia X, kết nối châu Âu với châu Á thông qua các chuyến bay đường dài với giá rẻ trong thời gian tới.

Sau khi thành công và trở thành một gương mặt quen thuộc ở châu Á, Fernandes đã không tránh khỏi việc có những hành động kỳ quái, lập dị như Branson. Thực tế thì gần đây, sau một màn cá cược giữa 2 đại gia này, Branson đã phải mặc đồ của một nữ tiếp viên để phục vụ các hành khách trên một chuyến bay của hãng AirAsia.

Fernandes là người đam mê công nghệ, thích dùng mạng xã hội nên ông đã nhanh chóng lên tiếng chia sẻ thông tin với công chúng về vụ mất tích chiếc máy bay AirAsia mang số hiệu QZ8501, ngay khi ông đang bay tới Surabaya, Indonesia, để gặp gỡ thân nhân các hành khác.

"Đây là cơn ác mộng tồi tệ nhất của tôi" - ông viết trên Twitter - "Nhưng không thể dừng lại. Hỡi các nhân viên của tôi ở AirAsia, hãy trở nên mạnh mẽ và tiếp tục là những người giỏi nhất... Hãy tiếp tục làm tốt nhất vì tất cả các vị khách của chúng ta. Hẹn sớm gặp lại các bạn".

V.L

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›