(Thethaovanhoa.vn) - Ngoài Nguyễn Thị Ánh Viên, giải vô địch bơi lội thế giới 2015 tại Kazan, Nga còn có nhiều VĐV châu Á đáng chú ý khác.
Sun Yang (Trung Quốc)
“Bad boy” của làng bơi Trung Quốc Sun Yang kì vọng giành thêm chức vô địch thế giới nội dung 400m tự do nam, 2 năm sau khi anh bị cấm thi đấu thời hạn 3 tháng vì dương tính với doping. Choáng váng bởi thất bại ở nội dung 200m tự do nam tại Asian Games 2014, kình ngư người Trung Quốc vướng vào tranh cãi vì chế giễu quốc ca Nhật Bản trong lễ trao giải rồi ngạo mạn tuyên bố sẽ trả thù Hagino.
Kình ngư Sun Yang (Trung Quốc)
Vừa vật lộn tìm lại phong độ cao nhất, Sun vừa cố gắng chứng minh đẳng cấp ở nội dung 1.500m tự do nam, nơi anh giành HCV Olympic 2012 và lập kỉ lục thế giới với thành tích 14’31,02”.
Sun sẽ được chú ý không chỉ vì cá tính và tài năng, mà còn bởi anh là kình ngư nổi bật nhất ở giải lần này, khi Hagino của Nhật Bản chấn thương còn Park Tae-Hwan của Hàn Quốc bị cấm thi đấu.
Ye Shiwen (Trung Quốc)
Sau các HCV nội dung 200m và 400m nội dung hỗn hợp cá nhân nữ tại Olympic London 2012, Ye tiếp tục khẳng định sức mạnh ở hai nội dung này bằng các tấm HCV tại Asian Games 2014. Kình ngư 19 tuổi hiện giữ kỉ lục thế giới nội dung 400m hỗn hợp nữ với thành tích 4’28”43, cải thiện 3 giây so với kỉ lục cũ. Đáng chú ý, cô bơi 50m cuối cùng trong 28”93, thậm chí nhanh hơn cả 50 mét cuối của Ryan Lochte, nhà vô địch nội dung của nam (29”10).
Ye Shiwen hiện giữ kỉ lục thế giới nội dung 400m hỗn hợp nữ với thành tích 4’28”43
Thành tích này khiến Ye bị cáo buộc dùng doping. Tuy nhiên, các nhà bình luận làm rõ rằng so sánh ấy là sai lầm. Tổng thời gian của Lochte nhanh hơn Ye tới 23”25 (4’05”18) và cả 8 VĐV dự tranh chung kết nội dung 400m hỗn hợp của nam đều nhanh hơn ít nhất 10 giây so với kỉ lục của Ye.
Ye thi đấu không thành công ở giải vô địch thế giới năm 2013 tại Barcelona (không giành được huy chương nào) và cô mô tả 2013 là “năm ác mộng” của mình. Dù thi đấu tốt tại giải VĐ quốc gia đầu năm nay, Ye thật ra vẫn chưa trở lại đỉnh cao phong độ.
Yasuhiro Koseki (Nhật Bản)
Trở nên nổi tiếng sau khi đánh bại Kosuke Kitajima, chàng trai vàng của làng bơi Nhật Bản ở giải Nhật Bản mở rộng năm ngoái, Koseki, 23 tuổi, có tiềm năng trở thành nhà vô địch thế giới nội dung bơi ếch.
Koseki là ứng viên nặng kí của các nội dung bơi ếch ở Kazan.
Anh khiến nhà vô địch Olympic Kitajima đến ranh giới của việc giải nghệ và đe dọa vị thế của Akihiro Yamaguchi, VĐV đang giữ kỉ lục quốc gia nội dung 200m ếch.
Một cú đúp HCV ở giải bơi Pan Pacific năm ngoái phản ánh chính xác khả năng của Koseki, giúp anh trở thành ứng viên nặng kí của các nội dung bơi ếch ở Kazan.
Joseph Schooling (Singapore)
Đất nước nhỏ bé Singapore giờ không còn nhỏ bé nữa với nhà vô địch châu Á nội dung 100m hỗn hợp nam tại Asian Games và người giành 9 HCV ở SEA Games 2015 Joseph Schooling. Thành tích 51”76 của Schooling ở Asian Games chẳng là gì so với các VĐV đẳng cấp cao ở Kazan, nhưng kình ngư 20 tuổi vẫn được kì vọng sau khi trở thành VĐV bơi đầu tiên trong lịch sử Singapore giành HCV ở Đại hội thể thao khối Thịnh vượng chung vào năm ngoái.
Schooling gây ấn tượng từ Olympic London 2012
Là sinh viên của Đại học Texas, Schooling gây ấn tượng từ Olympic London 2012. Đối thủ chính của anh sắp tới là Takuro Fujii của Nhật Bản và Li Zhuhao người Trung Quốc.
Dimitri Balandin (Kazakhstan)
Chàng trai có giọng nói nhỏ nhẹ đã làm nên lịch sử ở Asian Games bằng cách hoàn tất cú ăn ba ở nội dung bơi ếch, kì tích đầu tiên trong lịch sử bơi lội Kazakhstan.
Balandin khiến những cường quốc bơi lội châu Á như Nhật Bản hay Trung Quốc phải bối rối
Bùng nổ ở giải đấu với các kỉ lục ở nội dung 100 và 200m, Balandin là một trong những VĐV được chú ý nhất ở Hàn Quốc năm ngoái, sau truyền thống chỉ mạnh ở các môn boxing, đua xe đạp, cử tạ của thể thao Liên Xô trước đây.
Balandin khiến những cường quốc bơi lội châu Á như Nhật Bản hay Trung Quốc phải bối rối. Họ coi anh là chú ngựa ô ở giải lần này.
Gia Hưng
Thể thao & Văn hóa
Tags