(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 23/1, tại Đường sách Nguyễn Văn Bình (Quận 1, TP.HCM, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM đã phối hợp với Công ty Đường sách TP.HCM tổ chức buổi ra mắt Sổ tay Xử lý khi nghi ngờ hoặc phát hiện trẻ em bị xâm hại tình dục và trao đổi chuyên đề về nội dung này giữa nhóm tác giả và các nhà chuyên môn.
Qua đó, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trao đổi, chia sẻ và lan tỏa đến cộng đồng những biện pháp hữu ích về pháp lý cũng như những gợi ý từ chuyên gia tâm lý để xử lý khẩn cấp khi nghi ngờ, phát hiện trẻ em bị xâm hại tình dục.
Theo Luật sư Võ Thị Anh Loan (Văn phòng Luật sư Gold Key Law Firm, Thành phố Hồ Chí Minh), xâm hại tình dục trẻ em không chỉ gây ra tổn thương cho nạn nhân trước mắt, mà có thể còn để lại di chứng lâu dài. Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội ghi nhận số liệu chính thức có 6.432 trẻ em bị xâm hại tình dục giai đoạn từ 1/1/2015 đến 30/6/2019 trên cả nước, nghĩa là trung bình cứ khoảng 5 giờ đồng hồ thì có một trẻ em bị xâm hại tình dục. Tuy nhiên, quá trình đưa tội phạm xâm hại tình dục trẻ em ra trước pháp luật có thể kéo dài, hoặc gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân, mà một trong số đó là gia đình nạn nhân không thực hiện đầy đủ quy trình thu thập, giao nộp chứng cứ, trình báo, tố cáo kịp thời theo quy định pháp luật.
Cùng quan điểm, Tiến sỹ Phạm Thị Thúy, chuyên gia tâm lý, Học viện Hành chính Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, hành trình đến công lý cần thời gian. Bên cạnh đòi hỏi pháp luật trừng phạt tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, vấn đề cấp thiết không kém là chăm sóc nạn nhân từng bước vượt qua biến cố. Trong trường hợp trẻ nghi ngờ bị xâm hại tình dục, không nên để xảy ra trường hợp sáng người này hỏi, tối người khác tra về sự việc đã xảy ra vì làm như vậy trẻ sẽ sợ hãi, dễ rơi vào hoảng loạn. Việc cần làm lúc này là cha mẹ cần liên minh với nhau để tạo tâm lý vững vàng trấn an trẻ; nếu trẻ còn nhỏ, cha mẹ có thể đưa con đi chơi, dỗ dành, gần gũi...
Tiến sỹ Phạm Thị Thúy cũng chia sẻ, gợi ý, định hướng những cách thức cơ bản, chủ động làm bạn đồng hành cùng trẻ trong hành trình chữa lành tổn thương nếu chưa có điều kiện đưa trẻ điều trị với bác sĩ tâm lý. “Tuy nhiên, điều quan trọng là cần chuẩn bị về tâm lý, pháp lý để mạnh dạn xử lý những trường hợp này nhằm tránh gây hại, làm tổn thương đối với trẻ cũng như những trường hợp tương tự khác.
Trước những tác động, ảnh hưởng về tâm lý của trẻ, Luật sư Lê Ngọc Luân, thành viên tham gia soạn thảo Sổ tay Xử lý khi nghi ngờ hoặc phát hiện trẻ em bị xâm hại tình dục, khuyến nghị những người làm cha, mẹ, nhất là gia đình có trẻ em gái, trai đặc biệt cần trang bị những kiến thức cơ bản này để kịp thời xử lý khi nghi ngờ hoặc phát hiện trẻ em bị xâm hại tình dục. Theo Luật sư Lê Ngọc Luân, thực tiễn thường gặp trong những trường hợp này thì các bậc phụ huynh, người làm cha, mẹ e ngại... "Nếu như đã quyết định tố cáo với cơ quan điều tra để trừng trị nghi can thì các bậc phụ huynh cần thu thập các chứng cứ; ghi âm, ghi hình để đảm bảo đúng giá trị chứng cứ; trình báo, tố cáo kịp thời theo quy định để các cơ quan chức năng có cơ sở để điều tra truy tố nghi phạm. Bên cạnh đó, người làm cha mẹ cũng cần hết sức cẩn trọng và chuẩn bị tâm lý rất kỹ trong suốt quá trình điều ra, cũng như lúc xử án bởi đây là tội phạm hết sức phức tạp…”, Luật sư Lê Ngọc Luân chia sẻ.
- Vụ bé gái 3 tuổi bị bắn đinh vào đầu: Khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự người tình của mẹ cháu bé
- Cục Trẻ em đề nghị nhanh chóng điều tra, làm rõ vụ bé gái có 9 đinh ghim trong đầu
- Điều tra nguyên nhân bé gái 3 tuổi ở Hà Nội bị nhiều đinh găm vào đầu
Quan sát từ thực tiễn, các luật sư cùng chuyên gia đã thống nhất hình thành sáng kiến cộng đồng trong việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Cụ thể, là cần thiết cho ra mắt sổ tay xử lý khi nghi ngờ hoặc phát hiện trẻ em bị xâm hại tình dục miễn phí trong cộng đồng.
Theo Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, nội dung cơ bản của sổ tay là những hướng dẫn cần thiết cho tất cả các phụ huynh, là công cụ trợ giúp pháp lý ban đầu trong giai đoạn tiền tố tụng. Qua đó, nhằm trang bị cho mọi người, nhất là người làm cha, mẹ của trẻ hiểu rõ hơn về pháp luật, các yếu tố pháp lý để xử lý khẩn cấp khi nghi ngờ, phát hiện trẻ em bị xâm hại tình dục; đồng thời động viên mọi người khi phát hiện mạnh mẽ đứng lên tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật, nhất là đối với trẻ em trong giai đoạn hiện nay.
TTXVN
Tags