Trong bối cảnh hành lang pháp lý, quy định còn chồng chéo, ngân sách hạn chế, những đóng góp này đã giúp ngành giáo dục có sự đổi mới, nhà trường, học sinh có thêm máy móc, trang thiết bị hiện đại.
Chiều 6/10, tại cuộc họp cung cấp thông tin về dịch COVID-19 và các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM, trước thông tin dư lận phản ánh về tình trạng hội phụ huynh “lạm thu” các loại quỹ đầu năm học những ngày gần đây, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM chia sẻ, việc tài trợ của doanh nghiệp, phụ huynh, mạnh thường quân trong suốt thời gian qua đã giúp việc dạy và học có thêm cơ sở vật chất, phát huy hiệu quả.
Trong bối cảnh hành lang pháp lý, quy định còn chồng chéo, ngân sách hạn chế, những đóng góp này đã giúp ngành giáo dục có sự đổi mới, nhà trường, học sinh có thêm máy móc, trang thiết bị hiện đại.
Tuy nhiên, việc nhà trường làm chưa đúng quy định khiến dư luận bức xúc, chưa đáp ứng được mong muốn, nguyện vọng của phụ huynh học sinh. Trong đó, một số nhà trường, giáo viên chủ nhiệm chưa thực hiện đúng các nội dung theo quy định, còn thu gộp, chưa rõ ràng về khoản thu bắt buộc và vận động tài trợ.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, Sở đã có văn bản nghiêm khắc phê bình các hiệu trưởng, thủ trưởng đơn vị để xảy ra tình trạng này. Đồng thời, Sở cũng ban hành các văn bản chấn chỉnh và ghi rõ những khoản thu cần nghiêm cấm.
Theo ông Hồ Tấn Minh, hiện, hội phụ huynh chỉ có một quỹ duy nhất để duy trì và thực hiện các hoạt động đơn giản như hội họp, tư vấn. Hội cũng không được đại diện nhà trường để vận động, tổ chức, kêu gọi tài trợ các khoản khác. Ngoài ra, những khoản tài trợ, khoản thu cần được nhà trường công bố cụ thể, minh bạch trên cổng thông tin và bằng văn bản tới các phụ huynh. Nội dung công khai cần làm rõ mục đích, thời gian thu, không gộp các khoản với nhau.
"Sắp tới, Sở sẽ tiếp tục rà soát, kiểm tra vấn đề thu các quỹ ngoài quy định, nhà trường, với phương châm sai đến đâu, xử lý đến đó, nhằm ngăn chặn triệt để", ông Hồ Tấn Minh khẳng định.
Liên quan đến tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh sau khi ghi nhận ca bệnh đầu tiên, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) Lê Hồng Nga cho biết, ca bệnh đã được cách ly điều trị, những trường hợp tiếp xúc gần được lập danh sách theo dõi trong 21 ngày. Đến nay, thành phố chưa ghi nhận thêm ca bệnh đậu mùa khỉ mới từ những người tiếp xúc.
- Quảng Ninh miễn học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông
- Hà Nội hỗ trợ học phí cho học sinh - chủ trương nhân văn, thiết thực
- Hà Nội: Đề xuất giảm học phí 25% khi học trực tuyến
Về nguy cơ có thêm ca bệnh đậu mùa khỉ trong thời gian tới, bà Lê Hồng Nga đánh giá, với mức độ giao lưu, tiếp xúc như hiện tại, việc xuất hiện thêm ca mắc đậu mùa khỉ xâm nhập là hoàn toàn có thể xảy ra. Hiện, hệ thống giám sát dịch bệnh của thành phố tiếp tục tăng cường, củng cố từ khu vực cửa khẩu, sân bay.
Trước đó, một nữ bệnh nhân 35 tuổi (trú tại quận Bình Thạnh) khởi phát bệnh đậu mùa khỉ vào ngày 18/9, khi đang du lịch tại Dubai. Sau khi về Việt Nam, bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Từ Dũ ngày 23/9 và nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, được chuyển sang Bệnh viện Da liễu rồi được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán. Ngày 25/9, bệnh nhân có kết quả dương tính với bệnh đậu mùa khỉ và được chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh để tiếp tục cách ly, điều trị và lấy mẫu giải trình tự gen.
TTXVN
Tags