(Thethaovanhoa.vn) - Chiều tối 5/9, tại cuộc họp báo định kỳ về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố khẳng định, một số thông tin đang lan truyền về việc phục hồi kinh tế, cho phép hoạt động kinh doanh, kiểm soát theo mũi vaccine khi ra đường… là sai sự thật.
Chưa có kế hoạch hoạt động cụ thể sau ngày 15/9
Theo ông Phạm Đức Hải, hiện nhiều trang mạng xã hội đang lan truyền các tin nhắn, kế hoạch được cho là của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc bắt đầu thực hiện sống chung với COVID-19 kể từ ngày 15/9 như: mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh được tái khởi động khi đảm bảo các điều kiện an toàn phòng, chống dịch; việc mở cửa lưu thông đối với người dân được thực hiện có lộ trình, tăng dần theo tỉ lệ lần lượt 30%, 50%, 70%; các hoạt động nguy cơ cao sẽ giảm quy mô hoặc không được hoạt động; cấp chữ ký số cá nhân để thực hiện online cho người dân; bắt đầu thu phí dịch vụ điều trị COVID-19… Ông Phạm Đức Hải khẳng định, những thông tin này là sai sự thật.
Bên cạnh đó, còn xuất hiện một số thông tin về việc người dân đã tiêm một hoặc đủ hai mũi vaccine phòng COVID-19 sẽ được ra đường, đi làm, tham gia giao thông sau ngày 6/9 và 15/9. Ông Phạm Đức Hải cho biết, sau khi đại dịch được kiểm soát, Thành phố sẽ có quy định cụ thể về từng đối tượng được hoạt động. Hiện chưa có thông tin cụ thể, các kế hoạch phải do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành nên người dân không nên tin vào các thông tin lan truyền thất thiệt trên mạng mà hãy kiên nhẫn chờ những thông báo chính thức từ lãnh đạo thành phố.
Ông Phạm Đức Hải thông tin thêm, ngày 1/9 vừa qua, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ký quyết định 3204 về việc thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế. Theo quyết định này, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thành lập 4 tổ công tác, tổ phòng, chống dịch COVID-19 gồm: Tổ công tác phòng, chống dịch COVID-19, Tổ công tác an sinh xã hội, Tổ công tác phục hồi kinh tế và Tổ công tác thúc đẩy các dự án đầu tư. Các tổ có nhiệm vụ chuẩn bị nội dung, các kịch bản và giải pháp cho công tác phòng chống dịch, công tác an sinh xã hội, công tác phục hồi kinh tế và thúc đẩy các dự án đầu tư sau dịch trong 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ ngày 15/9 đến 31/12/2021 và giai đoạn 2 từ năm 2022 trở đi. Hiện các tổ này chỉ mới ở giai đoạn nghiên cứu, chuẩn bị nên các thông tin trên mạng về kế hoạch hoạt động của thành phố sau ngày 15/9 là không đúng.
Bên cạnh đó, ông Phạm Đức Hải cho biết, sáng 5/9, Ủy ban nhân dân quận 7 có trình phương án dự kiến về thúc đẩy, đưa hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn quận trở lại trạng thái như bình thường sau khi kiểm soát được đại dịch. Hiện đây mới chỉ là phương án dự kiến. Ủy ban nhân dân quận 7 đang xin ý kiến của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi Ủy ban nhân dân Thành phố thống nhất chỉ đạo, mới chính thức thi hành. Do vậy, phương án này chưa có thông tin chính thức.
Trong thời gian tới, theo ông Phạm Đức Hải, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác xét nghiệm COVID-19, xem công tác xét nghiệm là chìa khóa để xác định vùng lây nhiễm, bóc tách các đối tượng bị nhiễm để điều trị kịp thời; là mắt xích quan trọng trong chiến lược phòng, chống COVID-19 trên địa bàn, đặc biệt là với sự lây lan nhanh và mạnh của biến chủng Delta.
Tuy nhiên, do dân số Thành phố Hồ Chí Minh đông, nguồn nhân lực hạn chế nên khả năng lặp lại xét nghiệm để loại bỏ triệt để nguồn lây nhiễm còn khó khăn. Tại một số nơi, việc xét nghiệm chưa đảm bảo an toàn sinh học, có thể gây ra nguy cơ lây nhiễm cho cả người lấy mẫu và người được lấy mẫu. Thành phố sẽ khuyến khích người dân tự thực hiện xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên cho bản thân và gia đình để bảo đảm an toàn.
Không đổi giấy đi đường sau ngày 6/9
Đến ngày 6/9, vấn đề được nhiều cá nhân, đơn vị quan tâm là về thời hạn của giấy đi đường do Công an Thành phố Hồ Chí Minh cấp phát. Phát biểu tại cuộc họp, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, quyết định của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kéo dài thời gian giãn cách đến ngày nào, Công an Thành phố sẽ gia hạn kéo dài thời gian hiệu lực của giấy đi đường đã cấp đến ngày đó. Công an Thành phố Hồ Chí Minh sẽ không đổi giấy đi đường để tránh gây thêm phiền phức cho các đối tượng đã được cấp.
Cũng theo ông Lê Mạnh Hà, thời gian tới, đối với các địa phương kiểm soát được tình hình dịch như Quận 7, huyện Củ Chi…, thành phố sẽ có các phương án khởi động lại các hoạt động sản xuất kinh doanh để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh về kinh tế và đời sống của người dân. Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã tính đến nhiều giải pháp để đến khi thành phố đặt ra các tiêu chí an toàn (hiện vẫn đang bàn luận) như: tiêm vaccine, xét nghiệm, tuân thủ các quy định về 5K trong các hoạt động, lưu thông có điều kiện… sẽ áp dụng kịp thời.
Theo đó, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đang phối hợp với Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức cập nhật dữ liệu liên quan tới tiêm ngừa vaccine, bệnh nhân mắc COVID-19, an sinh xã hội, các trường hợp được cấp giấy đi đường... vào cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư. Khi thành phố đặt ra các điều kiện an toàn với đối tượng nào, diện nào được lưu thông, Công an Thành phố sẽ quản lý được thông qua mã QR.
Hiện nay, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đang mở rộng thêm các điểm kiểm soát quét mã QR để kiểm tra diện lưu thông trên đường xem có đúng tiêu chuẩn, tiêu chí hay không. Khi hoàn thành, không cần tới giấy đi đường vẫn có thể xác minh được người dân có thuộc đối tượng được lưu thông hay không.
Về trường hợp luật sư chưa được cấp giấy đi đường mặc dù các hoạt động pháp lý vẫn đang diễn ra liệu có ảnh hưởng đến việc bảo vệ quyền lợi của người bị tạm giam, tạm giữ, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết: Hiện nay, các luật sư không nằm trong đối tượng được cấp giấy đi đường nhưng Ban lãnh đạo Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo đến các cơ quan tố tụng trên địa bàn rằng, đối với từng vụ việc cụ thể, khi có nhu cầu bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho bị can, người tạm giam, Cơ quan điều tra có trách nhiệm báo cáo để Công an Thành phố cấp giấy đi đường cho luật sư được chỉ định trong phạm vi thời gian nhất định.
Tính toán mở lại chợ truyền thống đảm bảo các tiêu chí an toàn
Về tình hình nguồn cung ứng thực phẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết, trong thời gian qua, công tác cung ứng hàng hóa, đặc biệt là lương thực thực phẩm thực phẩm tươi sống do đặc thù thu hoạch, vận chuyển khó khăn nên thời gian đầu đã xảy ra lúng túng khi thực hiện, đến nay đã đi vào nề nếp. Sở Công thương Thành phố đã lên các phương án mở ra giúp cho việc cung ứng hàng hóa phong phú thêm, đáp ứng được yêu cầu của người dân tốt hơn.
Theo dự báo, đến ngày 15/9, nhu cầu tiêu dùng của người dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có sự tăng đột biến. Ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết Sở Công Thương đã làm việc với các hệ thống phân phối, cung cấp thực phẩm chế biến và nhận thấy họ còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, các nhà cung ứng chưa được ưu tiên trong hoạt động cung ứng hàng hóa, không được cấp giấy đi đường. Trước mắt, thành phố sẽ ưu tiên cho các nhà cung cấp lớn. Đối với các nhà cung cấp vừa và nhỏ, Sở sẽ trao đổi thêm với các sở ngành hữu quan để bổ sung những đơn vị này vào danh sách các đối tượng được ưu tiên hoạt động trong thời gian tới.
Về việc mở lại các chợ truyền thống, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết, đây là phương án giúp tăng nguồn cung hàng hóa phục vụ cho người dân. Do vậy, Sở rất quan tâm và đang làm việc với các cơ quan liên quan để tính toán khi việc đi chợ hộ cho người dân ổn định, sẽ phân bổ lực lượng chuẩn bị cho chợ truyền thống hoạt động lại, đảm bảo cung ứng hàng hóa nhưng trên hết là đảm bảo các tiêu chí an toàn. Trước mắt, có thể mở các điểm trung chuyển hàng hóa, giúp các tiểu thương tập kết, lưu thông hàng hóa.
“Sở Công Thương đã làm việc với đơn vị quản lý chợ đầu mối Bình Điền, dự kiến ngày 7/9 sẽ bắt đầu tổ chức điểm trung chuyển hàng hóa cho các thương nhân, cung ứng về các hệ thống phân phối, điểm cung ứng, chợ truyền thống”, ông Nguyễn Nguyên Phương nói. Trước đó, từ ngày 6/7, chợ đầu mối Bình Điền (Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh) phải tạm dừng hoạt động sau khi ghi nhận chuỗi lây mắc COVID-19 tại đây.
- Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp trực tuyến toàn quốc về phòng, chống dịch Covid-19
- Phê bình nhiều xã, phường không thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch
- Các chốt kiểm soát dịch Covid-19 liên tiếp phát hiện ma túy
Xét nghiệm và điều trị người mắc COVID-19 tại nhà
Về hiệu quả xét nghiệm và hiệu quả thuốc điều trị cho người mắc COVID-19, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, thời gian qua, thành phố thực hiện xét nghiệm diện rộng để phục vụ công tác đánh giá tình hình kiểm soát dịch và là tiền đề cho các quyết sách.
Chiến lược xét nghiệm theo từng vùng xanh và cận xanh là xét nghiệm đại diện hộ gia đình, xét nghiệm PCR gộp 10, vùng vàng gộp 5. Vùng cam và đỏ sẽ test nhanh toàn bộ cư dân. Xét nghiệm nhanh khoảng 15 - 30 giây sẽ có kết quả, xét nghiệm PCR khoảng 2 – 3 ngày sau, do vậy, tốc độ triển khai và hoàn thành của một số địa bàn trong thời gian qua khác nhau.
Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, tới ngày 4/9, tất cả quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã thực hiện xong xét nghiệm COVID-19 đợt 1 ở tất cả các vùng xanh và vùng nguy cơ. Trong đó, huyện Cần giờ, huyện Củ Chi và quận Gò Vấp hoàn thành sớm và bước vào đợt xét nghiệm thứ 2 với tốc độ nhanh hơn các địa phương khác. Đến hết ngày 6/9, dự kiến tất cả quận, huyện và thành phố Thủ Đức sẽ thực hiện xong đợt xét nghiệm thứ 2 cho toàn bộ người dân. Dựa trên số liệu sơ bộ, đến nay, báo cáo tỷ lệ dương tính vùng xanh và cận xanh là 0,8 %; vùng vàng là 1,5%; cam đỏ đợt 1 là 3,6%, đợt 2 là 2,7%.
Về túi thuốc kháng virus điều trị đặc hiệu cho người mắc COVID-19 được triển khai trong thời gian qua, ông Nguyễn Hồng Tâm cho biết, loại thuốc này trực tiếp khống chế làm giảm tải lượng virus và cải thiện tình trạng bệnh của người bệnh. Thành phố đã nhận 16.000 liều và phát về các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, đến nay đã cấp 5.058 liều, tức gần 1/3 số thuốc.
Ông Nguyễn Hồng Tâm cho biết, loại thuốc này là thuốc rất mới, có một số chống chỉ định nên được kiểm soát đặc biệt, không phải ai cũng có thể dùng, những người được dùng phải ký cam kết tuân thủ theo đúng hướng dẫn liều dùng của bác sỹ. Do được giám sát chặt chẽ về chuyên môn và pháp lý, hiện tại dù thuốc đã có sẵn nhưng nhiều người bệnh còn dè dặt, chưa tự tin sử dụng. Do đó, tỷ lệ tiếp nhận còn thấp. Trong thời gian tới, ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chủ động truyền thông để người dân mạnh dạn dùng thuốc. Theo đánh giá, loại thuốc này đã được nhiều nước trên thế giới sử dụng và có ghi nhận khả quan, giúp giảm tải lượng virus, giảm tỷ lệ tử vong và tác dụng phụ hầu như không đáng kể.
TTXVN
Tags