(Thethaovanhoa.vn) - TP.HCM đã xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và được thống nhất việc thực hiện giãn cách thêm 2 tuần theo tinh thần Chỉ thị 16.
(Tiếp tục cập nhật)
Theo thông tin trên báo điện tử VOV, ông Nguyễn Văn Nên cho biết, sáng 14/9, TP.HCM đã xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và được thống nhất việc thực hiện giãn cách thêm 2 tuần theo tinh thần Chỉ thị 16. Trong đó, những địa phương đã kiểm soát được thì từng bước mở dần theo nguyên tắc an toàn là trên hết.
Chiều nay (14/9), Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 8 mở rộng để xem xét cho ý kiến về tờ trình của Ban Cán sự đảng UBND TP.HCM về kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế sau ngày 15/9. Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM chủ trì hội nghị.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu các đại biểu tham dự tập trung đánh giá sâu sát về tình hình của thành phố. Cụ thể là đã làm được gì, những gì làm chưa được và đề nghị cho ý kiến các nhiệm vụ trọng tâm trong những ngày tới. Theo ông Nguyễn Văn Nên, đến nay TP.HCM đã đạt những kết quả trong thực hiện giãn cách xã hội như xét nghiệm diện rộng và triển khai thần tốc; điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 ưu tiên hàng đầu là giảm tử vong; đảm bảo an sinh xã hội; tiêm vaccine…
Cấp mã QR cho người dân 3 quận, huyện ở TP.HCM trở lại làm việc
Sở TT&TT TP.HCM vừa có văn bản về triển khai thí điểm nền tảng ứng dụng thống nhất hỗ trợ phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn. Theo đó, UBND quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp; Ban Quản lý khu Công nghệ cao sẽ thí điểm nền tảng ứng dụng này.
Cụ thể, Sở TT&TT đã phối hợp với Sở Y tế phát triển nền tảng khai báo y tế điện tử của thành phố (Y tế HCM) thành nền tảng ứng dụng thống nhất để phục vụ người dân tham gia sản xuất, kinh doanh, lưu thông trong điều kiện phòng chống dịch COVID-19.
Mỗi người dân được cấp một mã QR trên ứng dụng điện thoại thông minh (Y tế HCM). Trong trường hợp người dân không dùng điện thoại thông minh thì sẽ được cấp mã số qua tin nhắn điện thoại (SMS) hoặc được cơ quan Nhà nước, đơn vị sử dụng lao động in mã QR ra thẻ.
Theo đó, người dân thực hiện khai báo y tế điện tử trên ứng dụng điện thoại di động hoặc truy cập địa chỉ https://khaibaoyte.tphcm.gov.vn/ trước khi ra đường.
Đơn vị sản xuất, kinh doanh sẽ lập và duyệt danh sách người lao động được tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh theo số lượng và điều kiện của UBND TP Thủ Đức, quận, huyện. Doanh nghiệp kiểm tra người ra vào tại khu vực cần kiểm soát; kiểm tra, giám sát yếu tố dịch tễ khi phát hiện các cảnh báo từ hệ thống.
Sở TT&TT đề nghị các đơn vị xây dựng kế hoạch thí điểm ứng dụng nền tảng trong phạm vi quản lý của đơn vị, lập danh sách đối tượng dự kiến tham gia thí điểm và gửi về Sở TT&TT trong ngày 14/9.
Mã QR hoặc mã số sẽ được dùng để xuất trình tại trạm kiểm soát; trụ sở sản xuất kinh doanh; các nơi kiểm soát ra vào theo quy định như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cơ sở bán thực phẩm... F0 cách ly tại nhà cũng sẽ khai báo sức khỏe trên ứng dụng này.
Ứng dụng "Y tế HCM" được triển khai trên nguyên tắc liên thông, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia, các nền tảng công nghệ phòng chống dịch của Bộ TT&TT, Bộ Y tế thông qua nền tảng kết nối chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) và thành phố (HCM LGSP). Nền tảng sử dụng mã QR cá nhân thống nhất quốc gia, dùng chung giữa các ứng dụng như Bluezone, NCOVI, VHD, VNEID. |
Shipper được chạy liên quận huyện, thành phố Thủ Đức sau ngày 16/9
Tại chương trình livestream "Dân hỏi - Thành phố trả lời" do Sở Thông tin và Truyền thông Tp. Hồ Chí Minh tổ chức tối 13/9, ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh cho biết, sau ngày 16/9, Thành phố cho lực lượng shipper chạy liên quận với điều kiện an toàn về phòng chống dịch. Thành phố hỗ trợ kinh phí xét nghiệm cho shipper từ ngày 16-30/9.
Lý giải việc Thành phố tiếp tục giãn cách sau ngày 15/9 (là ngày Nghị quyết số 86 của Chính phủ yêu cầu Thành phố kiểm soát được dịch COVID-19), ông Lê Hòa Bình cho biết, sau ngày 15/9 Thành phố sẽ đánh giá lại các tiêu chí kiểm soát dịch bệnh theo tiêu chí của Bộ Y tế, xác định cụ thể một số việc và có những điều chỉnh trong quá trình thực hiện; trong đó có việc thực hiện thí điểm "vùng xanh" ở địa bàn huyện Cần Giờ, Củ Chi và Quận 7 để có thể áp dụng ở các địa bàn khác. Trong thời gian này, Thành phố thí điểm cho người dân 3 địa bàn nói trên đi chợ 1 tuần/lần.
Đối với việc cập nhật thông tin tiêm vaccine phòng COVID-19 để làm thẻ xanh COVID, ông Lê Hòa Bình thông tin, sắp tới Thành phố sẽ tích hợp dữ liệu tiêm vaccine của Bộ Y tế vào ứng dụng sổ sức khỏe của mỗi cá nhân.
Tuy nhiên, vaccine chưa phải là điều kiện đầy đủ. Vì vậy Thành phố đang xây dựng một ứng dụng thí điểm ở huyện Củ Chi, Cần Giờ, Quận 7 để người dân cập nhập điểm đến, nơi đã tiêm, chứng nhận tiêm chủng… Trên cơ sở đó khi Thành phố mở rộng giảm giãn cách ở các địa phương khác sẽ áp dụng và quản lý được, người dân không cần phải sử dụng nhiều giấy tờ để được lưu thông.
Đối với người dân đang mắc kẹt có nhu cầu về quê, ông Lê Hòa Bình cho biết, Thành phố sẵn sàng hỗ trợ người dân về vấn đề xét nghiệm, vaccine để trở về quê hương, tuy nhiên trong thời điểm khó khăn này, người dân nên ở yên, chịu khó thêm một thời gian ngắn nữa để cùng Thành phố vượt qua.
- TP.HCM tạo điều kiện cho shipper đưa hàng hóa đến với người dân
- Từ 30/8, TP HCM cho phép shipper hoạt động tại 'vùng đỏ'
- TP. HCM siết chặt quản lý dịch vụ shipper
Trong khi đó, thông tin về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình cho biết, Thành phố đang xây dựng kế hoạch dài hơi, đã tham vấn ý kiến nhiều cộng đồng doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp FDI.
Thành phố sẽ kiến nghị Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp. Cùng với đó, trong tháng 9/2021 sẽ nỗ lực hoàn tất chính sách của Thành phố cho doanh nghiệp như về lãi suất vốn vay, khoanh nợ, giãn nợ…
Về kế hoạch phục hồi kinh tế, ông Lê Hòa Bình cho hay, hiện nay UBND Thành phố đã trình và Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố đã cho ý kiến, cơ bản lộ trình đã được chốt với 3 giai đoạn (từ ngày 16/9/2021– 31/10/2021, 31/10/2021 – 15/1/2022, sau ngày 15/1/2022) và sẽ có nghị quyết thông qua. Theo đó, từ ngày 16/9 – 30/9 Thành phố sẽ thí điểm để rút kinh nghiệm, bước đệm việc mở cửa, khôi phục kinh tế trên địa bàn huyện Củ Chi, Cần Giờ và Quận 7.
"Thành phố đang xây dựng các tiêu chí an toàn để doanh nghiệp mở cửa, tập trung vào 8 lĩnh vực, cùng 4 phương thức sản xuất, sẽ sớm được thí điểm ban hành sớm", Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình cho biết thêm.
Trần Xuân Tình/TTXVN
Tags