(Thethaovanhoa.vn) - Sau câu chuyện về trà với một người đàn ông mê trà và “chơi trà” ở Hà Nội, tôi lần tìm về các tài liệu liên quan đến văn hóa trà ở Việt Nam để đối chiếu, tổng hợp và suy ngẫm về những cái hay cái đẹp trong nghệ thuật trà Việt.
Anh Phạm Trung Thực (ngõ 26 Hoàng Cầu, Hà Nội) là một người đam mê trà. Đối với anh, trà không chỉ giúp tỉnh táo, mà việc thưởng thức, thực hành nghệ thuật trà còn khiến anh thay đổi cả “tâm và tướng”. Điều này cũng dễ lý giải bởi trà được xếp vào loại thảo mộc quý, uống trà đúng cách sẽ làm thay đổi thân thể theo hướng tích cực. Anh có cho tôi xem ảnh anh đã giảm 20 kg sau 1 năm uống trà. Nhưng trà mà khiến tâm thay đổi là vì sao?
Trà thay đổi “tâm, tướng”
Trà mà pha ra trà thì…chưa đạt! Trà phải pha ra hương, ra hoa, ra mật. Đó là cách anh chiêm nghiệm khi thực hành việc pha trà, uống trà trong nhiều năm để cảm được cái tinh túy trong trà.
Khi pha trà, có một loại cốc dùng để chuyển trà từ ấm nhỏ ra chén để uống, mùi vị trà ở cốc này mới là hương thơm của hoa mật mà người dùng trà gọi đó là cốc lưu hương (hay cốc chuyên trà). Khi người ta tĩnh lại để cảm nhận được mùi hoa mật đó, rồi cảm nhận được vị của trà, thì chính lúc đó, họ cũng đã nhận ra hiện tại và trở nên tinh tế hơn rồi.
Đến dụng cụ pha trà, anh có đầy nhà ấm chén quý sưu tập được nhưng giờ đây anh chỉ cần vài chiếc thô sơ, thậm chí anh nói: “Đến nhà người khác có đồ gì dùng đồ nấy, mà không có ấm chén anh pha bằng bát cũng được, uống vẫn ngon”. Tiền nhân có câu "Nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh".
Nước trà ngon, thì trà quan trọng nhất hay nước quan trọng nhất? Trà đúng là nguyên liệu chính để tạo ra một cốc nước trà. Nhưng nếu không có nước, không có môi trường dung dưỡng thì trà liệu có thể chuyển hóa ra được mọi phẩm chất tốt đẹp của nó? Bởi vậy "nhất nước" mang một ý nghĩa sâu rộng. Tam bội, tứ bình: Là thứ tự của cốc và ấm. Tất nhiên, ấm và cốc được liệt vào danh sách quan trọng để có được một cuộc trà ngon, nhưng nó chỉ xếp sau 2 cái cốt yếu là nước và trà.
Ở đây, anh Thực đã thể hiện đúng tinh thần ấy. Chén và cốc và vật đựng trà, tiếp xúc trực tiếp với trà, xúc giác, thị giác của người uống nhưng nó chỉ là công cụ. Nếu quá coi trọng phương tiện mà bỏ quên mục đích thì cũng không khác nào thấy ngón tay mà không thấy trăng. Điều này cũng phù hợp với tinh thần giản lược, mộc mạc của người Việt trong đời sống dân dã.
Có nhiều người tìm đến anh học cách pha trà sao cho ngon, cho điệu nghệ, nhưng đến rồi thì thấy chả có gì phải học cách pha trà…mà lại học được nhiều ở cách hiểu trà và tâm thế pha trà. Anh chia sẻ, điều quan trọng nhất anh muốn giúp những người khác đến với trà một cách tự nhiên nhất bởi trà vốn là thức uống thân thiện và dễ hiểu. Cái tinh thần của trà Việt không hề cầu kỳ như trà kinh của Trung Quốc hay cao siêu như trà đạo của Nhật Bản. Bởi tất cả bí quyết chỉ nằm trong sự “hòa hợp” giữa người pha và người uống, giữa ấm và nước sẽ cho ra được những chén trà ngon - đủ các tiêu chí về vị, sắc, hương. Có người ưa uống chát xít, có người muốn chát vừa, có người chỉ uống được vị thanh… nhờ đó mà có nhiều cách pha từ sự kết hợp giữa trà, nước và thời gian. Nước bao giờ cũng phải sôi đủ 100 độ, nếu:
- Ít trà mà nhiều nước, hãm thật nhanh thì sẽ ra vị thanh thơm béo ngậy.
- Nhiều trà hơn, hãm nhanh sẽ ra vị chát vừa.
- Nhiều trà, hãm lâu thì sẽ chát xít.
Chỉ có vật, trà ngon là vừa lòng người uống, hiểu được mình được người là đạt! Anh quan niệm: “Mình đối đãi với trà như thế nào thì trà sẽ đối đãi lại với mình như thế”. Như vậy đúng với tính chất của trà là một thức uống giao đãi giữa người với người mà kể cả người Nhật, người Trung Quốc cũng dùng trà như thức uống đãi khách để tìm tri âm tri kỷ.
Đến đây, chắc chúng ta cũng hiểu anh đã thay đổi tâm tính như thế nào nhờ trà.
Trà Việt “chiết trung”?
Trong cuốn Hành trình tìm về cội nguồn, (NXB Văn học, 2008), tác giả Hà Văn Thùy dẫn lời Khổng Tử dạy học trò rằng:“Dân Bách Việt chuyên làm ruộng lúa mà ăn, không như chúng ta trồng kê và lúa mì. Họ uống nước nấu bằng thứ lá cây lấy trong rừng gọi là trà”. Điều đó chứng tỏ, trà Việt đã có từ rất lâu đời thậm chí người Việt biết đến loại thức uống này trước cả người Hán. Tuy vậy người Nhật và Trung Quốcđã hình thành nên 2 nền văn hóa trà có ảnh hưởng tới nghệ thuật trà của người Việt.
Ở Việt Nam, lịch sử trà ghi nhận 2 dấu ấn lớn. Thứ nhất, giới tăng lữ của Thiền tông thời Trần trong tu hànhphải giữ giới luật “quá ngọ bất thực” - không ăn sau khi mặt trời đứng bóng. Cho nên, họ dùng trà để tinh thần phấn chấn sảng khoái, đẩy lùi cơn buồn ngủ, làm dịu cơn khát và loại bỏ mệt mỏi, thế là trà trở thành thực phẩm cần thiết lý tưởng nhất cho tăng chúng mà không vi phạm tín ngưỡng và giáo luật.
Tuy nhiên, văn hóa trà trong giới tăng lữ dung dị mang nét đẹp phương Nam chứ không cầu kỳ như ở các vương triều phương Bắc. Mặc dù trà kinh của Trung Hoa rất cầu kỳ tinh nghệ trong những nguyên tắc lựa trà, dụng cụ trà… nhưng các vị thiền sư đời Trần lại chọn theo lối dân dã: Uống trong chén rộng. Bằng chứng là đồ gốm Việt thời Trần rất nhiều loại bát/ chén nông miệng rộng dùng để uống trà có vẽ hoa văn ám họa bên trong.
Cho tới tận sau này, văn hóa trà Việt trong dân gian cũng không cầu kỳ về dụng cụ, người ta có thể dùng bất cứ cái gì có thể để pha trà. Ấm đất, bình tích, siêu, ca, nồi đồng, hay vật dụng gì sẵn có. Trà được pha chế đủ kiểu cách: Hãm nước sôi, đun trà rồi ủ, ủ trà bằng ấm đất… tùy ý, miễn sao cho tiện. Nét văn hóa uống chè tươi bằng bát là dấu ấn quý báu còn lưu lại từ thuở nền văn hóa Việt sơ khai khi người Việt chưa từng biết đến cốc.
Đến thời Trịnh - Nguyễn, hoàn cảnh đất nước đã khác, các chúa bắt đầu có sự mở mang học hỏi cả phương Tây, nhiều loại rượu của phương Tây đã có trong cung đình, nhưng trà được chúa Trịnh Sâm đối đãi hoàn toàn khác. Với trà, chúa phải nhún mình theo nó, chúa luôn là người tự tay pha trà mỗi sáng, cho người săn tìm những loại trà ngon nhất trong nước.
Từ thời chúa Trịnh Sâm về sau, mỗi khi có sứ bộ qua Trung Quốc đều dặn đặt đồ ấm chén trà ở lò Cảnh Đức Trấn Giang Tây, nặn ra theo mẫu mã do chúa Trịnh phác qua, gọi là “đồ ký kiểu” hay “đồ sứ” một dòng đồ gốm quý còn lại đến ngày nay ở Việt Nam. Chúa có một triết lý uống trà: “Muốn thưởng thức được vị ngon của trà - hãy làm nô bộc cho trà! Từ đó, triết lý “trà nô” ra đời. Chúa Trịnh học tập những cái tinh tế cầu kỳ của Trung Hoa trong việc chọn trà, pha trà, dùng trà bằng chén nhỏ… nhưng khi thưởng thức trà, sự nhún mình của chúa Trịnh vừa dí dỏm dân dã mà lại tài tử phong lưu làm nên văn hóa “trà nô” một thời chỉ Việt Nam mới có.
- 'Người Việt ai cũng uống trà nhưng ít thưởng trà!'
- Ăn chè, uống trà các loại ở Hà Nội những chỗ nào là ngon nhất?
- Hoa hậu Phạm Hương học uống trà đạo kiểu Nhật
Ngày nay, văn hóa uống trà Việt một bộ phận ở làng quê vẫn giữ những nét đặc trưng của văn hóa trà dân gian như trước. Còn ở thành thị, người ta học tập nhiều văn hóa trà đạo của Nhật Bản. Rất nhiều quán trà đạo mọc lên, nhiều trà thất mở ra, nhưng đều chỉ là học hỏi một phần cái tinh thần thiền (zen) của trà đạo Nhật Bản, mà bỏ hết bộ luật của họ, kết hợp trong đó cả các dụng cụ của trà Trung Quốc… mà lược bớt lễ nghi, thêm vào cái tinh thần ấm cúng của Việt Nam.
Quay lại với anh bạn có thú chơi trà ở trên, những suy nghĩ về trà và việc thực hành nghệ thuật pha trà của anh chẳng đúng theo trà Trung Quốc cũng không phải trà Nhật. Nó mang một vẻ tưởng như xuề xòa của người Việt nhưng lại thấp thoáng tinh thần của đạo Phật, đạo Lão. Như vậy để thấy, đối với người Việt,việc thưởng thức trà đã hoàn toàn mang sắc thái của bản địa. Đó là sự lựa chọn, tổng hợp và dung hòa của những nền văn hóa trà lớn như Nhật, Trung Quốc… để làm nên một trà Việt chiết trung cũng như sự chiết trung trong tinh thần tam giáo đồng quy của văn hóa Việt xưa hay trong nghệ thuật kiến trúc, hội họa Việt Nam hiện đại.
Huyền Giang
Tags