Trách nhiệm của các ngân hàng trong vụ 'siêu lừa' Nguyễn Thị Hà Thành

Thứ Hai, 20/03/2023 14:51 GMT+7

Google News

Sáng 20/3, tại phiên tòa xét xử "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành cùng 25 đồng phạm trong vụ lừa đảo chiếm đoạt hơn 430 tỷ đồng của 3 ngân hàng, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã khẳng định trách nhiệm bồi thường của các ngân hàng trong vụ án này đối với các bị hại. 

Trong đó nhấn mạnh vai trò tố tụng của các ngân hàng trong vụ án này là bị hại, bị Nguyễn Thị Hà Thành lừa đảo chiếm đoạt tài sản, không phải với vai trò là người liên quan như đề nghị của đại diện các ngân hàng.

Trong vụ án này, đại diện 3 ngân hàng: NCB, PVcomBank và VietABank đều xin giữ lại các sổ tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng của khách song đại diện Viện Kiểm sát phản đối.

Trước đó, trong phần luận tội, đại diện Viện Kiểm sát cũng nêu quan điểm về xử lý dân sự, bồi thường thiệt hại và hướng xử lý các sổ tiết kiệm của các "đại gia" trong vụ án. Các ngân hàng được xác định là bị hại trong vụ án, do đó, thiệt hại sẽ do Hà Thành bồi thường (249 tỷ đồng cho VietABank, 47,5 tỷ đồng cho NCB và 49,4 tỷ đồng cho PVcomBank). Ba ngân hàng phải trả lại cho 4 bị hại, là các chủ sổ tiết kiệm, tổng 109 tỷ đồng.

Trách nhiệm của các ngân hàng trong vụ 'siêu lừa' Hà Thành - Ảnh 1.

Trong ảnh: Các bị cáo trả lời thẩm vấn tại phiên tòa. Ảnh: Kim Anh - TTXVN

Phản đối quan điểm này, ba ngân hàng sau đó đồng loạt đưa ra phân tích và đề nghị tòa giải quyết theo hướng có lợi cho mình.

VietABank, PVcomBank và NCB đều cho rằng, quan hệ giữa Thành và các khách hàng là quan hệ vay tiền, hứa hẹn trả lãi cao và các ngân hàng chỉ là "công cụ đảm bảo", "công cụ tài chính" để rút tiền vay từ những khách hàng này. Các bước gửi tiền, lập sổ tiết kiệm tại ngân hàng, đều là "giả tạo", phục vụ cho việc lừa đảo.

Đại diện PVcomBank cho rằng: Các sổ tiết kiệm cần được coi là vật chứng vụ án, công cụ phạm tội, đề nghị tuyên hủy tiết kiệm. Bị cáo Thành sẽ phải trả tiền cho khách, còn số tiền tại sổ tiết kiệm của họ thì đền bù cho ngân hàng. Trước việc các bị cáo cho rằng một phần trách nhiệm trong vụ án thuộc về ngân hàng do quy trình không chặt chẽ, PVcomBank phản đối và cho rằng nếu các bị cáo làm đúng quy trình, không bao giờ xảy ra sai phạm.

Chung ý kiến, đại diện VietABank cũng khẳng định, thực chất các khách hàng cho Thành vay lấy lãi cao, VietAbank chỉ là nơi trung chuyển khoản tiền. Ngân hàng này khẳng định không phải bị hại, không bị thiệt hại, do các khoản vay của Thành đều có tài sản đảm bảo là các sổ tiết kiệm đồng sở hữu.

Đối đáp lại các quan điểm này, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định, không thay đổi quan điểm về tư cách tố tụng của ba ngân hàng và cho rằng các phân tích của ba ngân hàng là "suy luận thiếu logic".

Việc đánh đồng số tiền các khách hàng gửi vào sổ tiết kiệm với số tiền Hà Thành vay ngân hàng là vô căn cứ, vì đó rõ ràng là hai nguồn tiền khác nhau. Bị cáo Thành làm mất tiền là mất tiền của ngân hàng, không phải làm mất tiền của chủ sở hữu sổ tiết kiệm.

Trách nhiệm của các ngân hàng trong vụ 'siêu lừa' Hà Thành - Ảnh 2.

Ảnh: Kim Anh - TTXVN

Về các khoản vay của Thành, theo các ngân hàng, đều có tài sản đảm bảo là các sổ tiết kiệm Hà Thành đồng sở hữu với các khách hàng. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát xác định, bản chất các chủ sổ tiết kiệm đều không biết và không đồng ý cầm cố các sổ này. Vấn đề đã được thể hiển rõ qua lời khai của Thành và các kết luận giám định của cơ quan điều tra, cho thấy các chữ ký trên các hợp đồng cầm cố đều là do Thành giả chữ ký đồng sở hữu. Do đó, các sổ tiết kiệm này không thể coi là tài sản đảm bảo hợp pháp.

Theo Viện Kiểm sát, việc VietAbank tự ý tất toán các sổ tiết kiệm này là không có căn cứ. Từ tháng 12/2019, cơ quan điều tra đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng không được tự ý tất toán các khoản tiền liên quan vụ án hình sự mà cơ quan điều tra đang giải quyết, thụ lý. Việc làm này là không tuân thủ các quyết định của cơ quan điều tra.

Là bị hại có số tiền bị chiếm đoạt nhiều nhất trong vụ án này, ông Đặng Nghĩa Toàn cho rằng: Khi cán bộ các ngân hàng câu kết với các đối tượng làm hồ sơ giả mạo, cho vay không có tài sản đảm bảo, người cho vay không đồng ý, cho vay sai quy định… như cáo trạng đã nêu mà không chịu trách nhiệm trước khách hàng thì sẽ tạo tiền lệ xấu. Bởi trên thực tế, khách hàng đang phải gánh chịu mọi thiệt hại, rủi ro, trong khi sự việc này bắt nguồn từ những việc làm sai trái của một số nhân viên, giám đốc ngân hàng. Mặt khác, việc tự ý phong tỏa tiền gửi tiết kiệm của khách hàng là không tôn trọng quyền lợi của khách hàng, không tuân thủ các quy định pháp luật, gây hoang mang cho dư luận, cho những người gửi tiền, giảm niềm tin của người dân đối với hệ thống tín dụng trên cả nước.

Ông Toàn đề nghị Hội đồng xét xử tuyên buộc 3 ngân hàng giải tỏa và trả tiền tiết kiệm cho vợ chồng ông theo đúng quy định pháp luật.

Kim Anh/TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›