Hè đến, sân khấu 5B lại dựng kịch thiếu nhi. Năm nay vở Trạm cứu hộ động vật (kịch bản: Vương Huyền Cơ, đạo diễn: Minh Quốc - Trần Tuấn Kiệt) đã đem đến một sự thú vị rất lớn cho khán giả nhí lẫn phụ huynh.
Kịch tác gia Vương Huyền Cơ có vẻ thích đề tài bảo vệ môi trường, nên sau khi Đại náo long cung thắng lớn vào năm ngoái, thì năm nay chị viết tiếp Trạm cứu hộ động vật, cũng với nội dung giáo dục các em nhỏ tình yêu thiên nhiên, yêu muông thú, yêu môi trường.
Câu chuyện nhân văn
Đặc biệt, khi thị trường mua bán động vật hoang dã thịnh hành để cung cấp cho những người giàu có những cái gọi là "đặc sản quý hiếm" như sừng tê giác, mật gấu, lông công, da báo… thì các loài thú quý ấy càng bị truy sát, tận diệt hoặc bị khai thác, bóc lột tàn tệ.
Vở diễn đã thể hiện sự sợ hãi, đau khổ của những con thú đáng thương khi bị bẫy, bị săn, chúng co cụm vào nhau, tìm nơi nương tựa là trạm cứu hộ động vật của bác sĩ Từ Tâm. Cô bác sĩ đã che chở những con thú bằng cả tấm lòng yêu thương và nghiệp vụ giỏi giang của mình. Mái nhà yên bình đó làm khán giả xúc động.
Những sinh hoạt đời thường của các con thú vừa gần gũi, vừa đáng yêu, hình như cũng giống như cuộc sống của những em bé đang ngồi trong khán phòng, cho nên các em rất dễ đồng cảm.
Nhưng dễ gì bọn thợ săn và tên trùm chịu để yên cho trạm cứu hộ động vật hoạt động. Những "con mồi" đang tập trung trong đó khiến chúng thòm thèm. Nào báo hoa, hươu sao, bé tê giác, khỉ, voọc, gấu mập, con công có bộ lông đuôi cực đẹp… đúng là một nguồn lợi lớn. Thế là chúng tìm cách để bắt bầy thú đi. Bắt bằng cách nào? Bằng một con cáo "gián điệp" vô cùng sinh động. Các khán giả nhí được một bài học phân biệt thật - giả, tốt - xấu, chính diện - phản diện rất hay.
Cuối cùng thì bên thiện vẫn thắng bên ác. Nhưng câu chuyện còn nhân văn ở chỗ, những kẻ xấu như tên thợ săn, bé tà lọt, con cáo, tắc kè tay sai, đều nhận ra lỗi lầm của mình mà cải tà quy chánh và góp sức giải thoát bầy thú. Riêng ông trùm thì có điểm sáng là dù có tham lam, ác độc thì vẫn là một người cha thương con, khi mất con đã đau khổ vô cùng, và chính nhờ cô bác sĩ đã cứu con mình mà ông ta biết hối lỗi.
Câu chuyện nhiều chi tiết, nhiều kịch tính, cuốn khán giả đi gần hai tiếng đồng hồ không cần giải lao vẫn đầy phấn khởi.
Câu chuyện và diễn xuất đủ thu hút
Dàn diễn viên trẻ lần này diễn đã "lên tay" rất nhiều. Những Minh Quốc, Kỳ Thiên Cảnh, Tuyết Oanh, Quốc Cường, Minh Thảo, Tuấn Kiệt, Huỳnh Nhu, Khánh Đăng, Cao Anh Kim, Duy Hakoota… vốn xuất thân từ kịch người lớn, nhưng từ khi thâm nhập thế giới kịch thiếu nhi thì đã tạo nên một sân chơi mới mẻ và thú vị cho nghề của mình, diễn ngày càng sinh động, tự nhiên, duyên dáng. Các bạn cũng biết diễn hài, biết pha trò, nhưng không bị lố, không bị nhây, không phản cảm, khiến phụ huynh yên tâm khi dẫn con đi xem. Hài nhây, nói tào lao, là điều mà phụ huynh "sợ" nhất, sợ con mình bắt chước.
Thú vị nhất là những chi tiết rất thời sự, hiện đại, chẳng hạn cái cái điều khiển điện giựt để khống chế bầy thú, hoặc bấm nút thì cửa đóng, cửa mở… Thế giới tưởng tượng nhưng vẫn có đủ những thứ thực tế trong cuộc sống, làm cho các em thích thú, dễ cảm. Lại thêm phần ảo thuật của Huỳnh Nhu trong vai con tắc kè khiến vở kịch càng thêm hấp dẫn. "Chiêu trò" này thành công, giúp vở kịch có thêm thời lượng mà khán giả không thấy ngán.
Âm nhạc, trang phục, tạo hình các con thú cũng rất đáng khen. Người trong nghề nhìn qua là biết kinh phí tiết kiệm, nhưng vẫn tạo được những bộ trang phục đẹp, đó mới đáng nể. Minh Minh là người thiết kế phục trang cho kịch thiếu nhi của 5B đã mấy vở liền, rất thông minh, giỏi xoay xở. Thực ra, kịch thiếu nhi với chừng mực như thế này đã đủ hấp dẫn, phần còn lại chinh phục khán giả chính là từ câu chuyện và diễn xuất.
Thật sự, những đề tài và nội dung như thế này rất bổ ích và cần thiết cho khán giả, không chỉ trẻ em, mà ngay cả người lớn cũng nên xem, để thay đổi suy nghĩ, điều chỉnh lại cách sống, biết bảo vệ môi trường, bảo vệ sinh thái, động vật quý hiếm. Chúng ta đã quá đặt nặng câu "phục vụ con người" mà chà đạp lên quyền sống của các loài khác, tận diệt những thứ quý hiếm, đẹp đẽ trên thế giới. Nếu không cảnh tỉnh, thì có lẽ sau này thế hệ con cháu chúng ta chỉ còn lại những sa mạc hoang vu. Xét riêng vở này, đã thấy làm tròn chức năng giải trí, chức năng giáo dục, chức năng thẩm mỹ. Chỉ mong 5B tiếp tục có thêm những tác phẩm như vậy.
"Trạm cứu hộ động vật" đã làm tròn chức năng giải trí, chức năng giáo dục, chức năng thẩm mỹ.
Tags