Tóm tắt vụ việc như sau: Hôm 3/12, TAND TP.HCM mở phiên xét xử vụ tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ giữa Trần Quyết Lập (nghệ danh Trần Lập) và bị đơn - Công ty cổ phần VNG. Trần Lập đòi VNG bồi thường hơn 150 triệu đồng (gồm nhuận bút, tiền thiệt hại và phí luật sư); VNG thì cho rằng mình không vi phạm nên không trả tiền bồi thường. VNG đề nghị Trần Lập rút đơn kiện và ký hợp đồng hợp tác với công ty; Trần Lập không chịu. TAND TP.HCM sẽ đưa ra phán quyết vào ngày 10/12/2014.
Kiện, chuyện thường thấy
Tại Việt Nam đã có một số trang web bị thanh tra Bộ VH,TT&DL xử phạt hành chính 8 triệu đồng vì đăng tải (hoặc để người dùng tự đăng tải) những ca khúc không phù hợp thuần phong mỹ tục, đó là: chacha.vn, nhac.vui.vn, nhaccuatui.com, mp3.zing.vn, nhacso.net, nhacvietplus.com.vn… Nghĩa là các web này đã chấp nhận mình sai phạm hành chính, nhưng đây chưa hẳn là kết quả pháp lý của các vụ vi phạm sở hữu trí tuệ.
Với riêng VNG, việc bị kiện có lẽ không quá xa lạ. Riêng năm 2014, hồi tháng 2, Trung tâm sản xuất, phát hành nhạc Làng Văn đã gửi công văn đến các báo “đánh tiếng” về việc VNG vi phạm bản quyền. Hồi tháng 8, ca sĩ Đăng Khôi (Giám đốc Công ty Việt Giải Trí) gửi đơn lên TAND TP.HCM kiện VNG vi phạm bản quyền gần 10.000 ca khúc nhạc Kpop mà họ được ủy quyền. Kết quả xử kiện thế nào, chưa thấy công bố; quốc tế đã có những vụ kiện bản quyền trên mạng kéo dài cả chục năm mới có kết quả, thắng-thua đều có.
Quan điểm của Zing Mp3 vẫn như cũ: Tất cả nội dung do người dùng đăng tải nếu không đảm bảo bản quyền và bị yêu cầu gỡ bỏ từ chủ sở hữu nội dung thì Zing Mp3 sẽ ngay lập tức xóa nội dung này khỏi hệ thống. Hoạt động của Zing Mp3 tương tự các mạng xã hội khác như Facebook, Youtube… Tương tự như việc người dùng đã đăng bài Đường đến ngày vinh quang trên Youtube từ lâu, hiện nay vẫn còn, nếu Trần Lập yêu cầu thì Youtube cũng sẽ rút xuống.
Nhưng có dễ xử lý?
Việc Trần Lập kiện VNG hiện nay không khác nhiều việc Lê Kiều Như kiện Apple. Lúc đó ông Nguyễn Thành Công (luật sư điều hành Công ty Đông Phương Luật) đã cho rằng Apple vi phạm nhiều điều luật và hiệp định song phương. Tuy nhiên, cũng chính luật sư Công xác định đây là việc khó khăn.
Lý giải về những khó khăn của những vụ việc tương tự, ông Phùng Anh Tuấn (luật sư trưởng của VCI Legal) cho rằng về lộ trình và các chế tài pháp lý thì sẵn có rồi, nhưng để chứng tỏ cho được các vi phạm dẫn tới thiệt hại thì rất khó khăn về mặt kỹ thuật, công nghệ. Các công ty chủ quản mạng xã hội có hệ thống lập trình, máy chủ riêng, đặt ở nhiều nơi, phía nguyên đơn phải làm sao chứng tỏ được các vi phạm xuất phát trực tiếp từ một lập trình hay máy chủ nào đó thì lộ trình kiện mới rõ ràng hơn.
Luật sư Kevin Fayle của FindLaw (chuyên gia pháp lý của Facebook) chỉ ra rằng có hai đạo luật quan trọng nhất để xem xét về trách nhiệm pháp lý và nghĩa vụ của các trang mạng xã hội. Nhưng trong đó cũng có Mục 512 (c) của Digital Millenium Copyright Act (Đạo luật bản quyền kỹ thuật số thiên niên kỷ) và Mục 230 của Communications Decency Act (Đạo luật truyền thông về khuôn phép) nhằm miễn trừ trách nhiệm đối với đơn vị chủ quản. Nó cho phép người sử dụng tự đăng nhiều nội dung mà họ mong muốn lên mạng xã hội, còn khi có kiện tụng thì tùy vụ việc mà giải quyết, chứ không thể áp dụng theo kiểu “cào bằng”.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa
Tags