Hiếm hoi, giới mộ điệu đĩa than Việt mới có một sản phẩm đáng trông đợi, đó là tam tấu "thuần Việt" mang tên Mùa Thu cho em của saxophonist Trần Mạnh Tuấn. Việc nghệ sĩ này vượt qua bạo bệnh để trở lại sân khấu và ra đĩa than là câu chuyện truyền được cảm hứng.
Nói Mùa Thu cho em là hiếm hoi, bởi hình thức biểu diễn tam tấu này, giới mộ điệu đĩa than trong nước chỉ có thể nghe qua các đĩa quốc tế. Đĩa "Made in Vietnam" này do các nghệ sĩ Việt Nam thực hiện phần sản xuất âm nhạc, cùng sự tham gia của nghệ sĩ quốc tế, nên chất lượng âm nhạc đảm bảo.
Đĩa giới thiệu tác phẩm của 3 nhạc sĩ Vũ Thành An, Lam Phương và Ngô Thụy Miên; tam tấu gồm nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn, nghệ sĩ piano Vũ Trọng Hiếu và nghệ sĩ đàn contrabass (đại hồ cầm) Chris Jennings, người Canada.
Đĩa than cho sự trở lại của một tiếng kèn
Đây là những bài được thu âm trước khi xảy ra biến cố khủng khiếp ập xuống cuộc đời Trần Mạnh Tuấn. Có vẻ như trời không ngừng thử thách Trần Mạnh Tuấn, số phận không ngừng đặt anh vào những hoàn cảnh éo le, nhiều khi đến nghiệt ngã.
Năm 13 tuổi, Trần Mạnh Tuấn đã bị mất một con mắt. Cách đây 17 năm, khi đang lưu diễn, anh mới phát hiện bị hư hai quả thận. Ca ghép thận đã thành công, anh tiếp tục sự nghiệp cùng cây kèn saxophone quen thuộc.
Cuối tháng 9/2021, Trần Mạnh Tuấn không may bị đột quỵ. Với sự cứu chữa tận tình của các y bác sĩ, anh đã phục hồi khá nhanh chóng và quay lại với niềm đam mê saxophone. Những thử thách ấy khiến Trần Mạnh Tuấn thấy cuộc đời và âm nhạc càng trở nên ý nghĩa với mình hơn bao giờ hết.
Sáu ca khúc trong đĩa than lần này được chọn lọc từ 100 ca khúc anh đã từng thu âm rải rác trước đây. Điều đó cũng có nghĩa là, trước khi sức khỏe yếu đi và đang cần thời gian nhất định để hồi phục, anh cũng đã kịp có cho mình nhiều bản thu âm và như thế, người yêu nhạc còn nhiều dịp để được nghe những phần trình tấu khi Trần Mạnh Tuấn còn sung sức trong Mùa Thu cho em và một số album khác dự tính phát hành sau này.
Trước đây, trong thời gian đang phục hồi lại sức khỏe, một đôi lần, Trần Mạnh Tuấn có thổi kèn trong dịp tưởng niệm/giỗ Trịnh Công Sơn và một chương trình thiện nguyện tháng 11 năm rồi. Nhưng nay mới là lúc anh chính thức bắt đầu trở lại với đam mê, khi sức khỏe hồi phục dần dà, cùng với ý chí mạnh mẽ.
Hôm xem anh chơi nhạc ngay tại nhà mình, Trần Mạnh Tuấn không đứng lâu được, lúc nói chuyện, anh giao tiếp với tất cả sự cố gắng phát âm để người đối diện có thể nghe tiếng mình rõ nhất. Tay anh vẫn run run liên hồi. Thế mà, khi cầm cây kèn và thổi, là khi anh như trở thành một con người khác hẳn vài mươi giây trước đó. Và trong lúc ngẫu hứng, anh đã đứng dậy trình tấu trong nhiều phút.
Trần Mạnh Tuấn cũng rất thẳng thắng thừa nhận, sau 3 lần mổ, anh xử lý ca khúc không còn nhanh như trước, các nốt khó bây giờ anh không biểu diễn được như xưa, rồi nửa đùa nửa thật, có lẽ dành phần cho cô con gái - truyền nhân của anh - nghệ sĩ trẻ An Trần.
"Âm nhạc xung quanh chúng ta đẹp đến thế, cuộc đời này dù qua bao thăng trầm, vẫn rất đẹp. Và những người bạn, có người đã đi xa, nhiều người còn ở lại, vẫn tràn đầy tình yêu vào cuộc đời. Đó là lý do mà tôi lại muốn cất lên tiếng kèn của mình" - nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn chia sẻ.
Cha, con và sự trở lại của Saxn'art Club
Trần Mạnh Tuấn là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên nhận được học bổng của Đại học Âm nhạc Berklee ở Boston (Mỹ). Cô con gái 19 tuổi của anh cũng là người tiếp bước cha, theo học và nhận được học bổng cũng tại ngôi trường danh tiếng này. (An Trần cũng mới được bổ nhiệm làm đại sứ của trường, một vinh dự hiếm có, lần đầu cho một nghệ sĩ trẻ đến từ Việt Nam).
Những ngày đầu năm mới, An Trần về thăm gia đình và là dịp cha con cùng những người yêu jazz có dịp gặp nhau ở tầng hầm của căn nhà hạnh phúc ở Thảo Điền, TP Thủ Đức. Nơi đây vừa trở thành địa điểm mới cho việc mở cửa trở lại câu lạc bộ jazz nổi tiếng của anh mang tên Saxn'art Club.
Từ năm 2024 này, nơi đây sẽ là điểm hẹn của người yêu nhạc jazz ở TP.HCM, cũng như được kỳ vọng sẽ lan xa, trở thành tụ điểm nhạc jazz hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Saxn'art Club vốn là một địa chỉ/tụ điểm của nhạc jazz có tiếng của cả nước. Trước đây, Saxn'art Club "đóng đô" tại đường Lê Lợi, quận 1, TP.HCM từ năm 2004 và chỉ mới đóng cửa trong thời gian dịch Covid-19. Nay thì Trần Mạnh Tuấn mở không gian mới ngay tại tầng hầm tư gia của anh, nơi từng là một trong những phòng thu âm uy tín nhất trong giới chơi nhạc. Phòng thu rộng 200m2 được thiết kế lại, hóa ra hợp với không gian biểu diễn của jazz với chừng 90 chỗ ngồi.
Bạn bè âm nhạc của Trần Mạnh Tuấn ai cũng biết chuẩn âm thanh của anh rất khó. Saxn'art Club do Thivan Labs thực hiện, một đơn vị sản xuất thiết bị âm thanh của Việt Nam có tiếng trên thị trường quốc tế. Họ cùng nhau giải bài toán làm sao tái tạo lại âm thanh tốt nhất có thể. Trần Mạnh Tuấn mong muốn tổ chức các đêm nhạc định kỳ hàng tháng với những nghệ sĩ quốc tế nổi tiếng, bên cạnh việc vẫn duy trì biểu diễn hàng đêm như trước đây.
Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh cho biết, không phải vì là chỗ bạn bè mà khen nhau, nhưng tình thật chị đã đi nhiều nơi trên thế giới để nghe nhạc jazz, nhưng chị cảm thấy thích thú, tự tin là Saxn'art Club đúng chuẩn, có thể nói hàng đầu thế giới. Những lời khen tặng của giới văn nghệ sĩ trong nước cũng phần nào phản ánh tham vọng của nghệ sĩ kèn saxophone trong nhiều dự án dài hơi khác, đang được ấp ủ thực hiện.
Sự xuất hiện của nghệ sĩ jazz Pháp gốc Việt nổi tiếng thế giới Nguyên Lê trong những đêm nhạc mở màn không chỉ là sự tái ngộ của họ sau 6 năm, mà còn minh họa cho thông điệp mà Trần Mạnh Tuấn muốn khẳng định: chất lượng ở câu lạc bộ nhạc jazz này sẽ luôn là như vậy.
Và lời cảm ơn tình yêu
Đĩa than Mùa Thu cho em có chủ đề tưởng chừng như lệch mùa, hóa ra là lời tự tình mà Trần Mạnh Tuấn dành cho vợ. Anh làm đĩa nhạc này, hình bìa cho đến hình trang trong album, đều là hình vợ mình, thay cho lời cảm ơn người vợ đã đi cùng anh bao thăng trầm. Lý do chọn những ca khúc thể hiện trong đĩa này, là cũng không nằm ngoài lý do trên.
Điều thú vị, những ca khúc nhạc tình xưa vào hàng kinh điển này, những Bản tình cuối, Bài không tên số 4, Mùa Thu cho em…, ai cũng biết đều là những bài ca về những cuộc tình mất mát, chia xa. Nhưng khi trình tấu cùng tiếng kèn, những câu Trần Mạnh Tuấn trích dẫn từ các bài hát, thì không chỉ có sự đổ vỡ chia ly, mà còn là những câu hát tụng ca về tình yêu, thay lời Trần Mạnh Tuấn nói lên những lời yêu thương dành cho người bạn đời.
Như "Ta đã yêu và ta đã mơ, mơ trăng sao đưa đến bên người/ Một lần gặp gỡ, đã như quen thuở nào" (Bản tình cuối - Ngô Thụy Miên), hoặc "Đếm cho em giây phút mặn nồng, giữ cho em mái tóc bồng/ Lời anh nói sẽ còn mãi đấy" (Bài không tên số 4 - Vũ Thành An)... Chắt lọc lấy những câu ca qua tiếng kèn tha thiết, thì quả là sự cảm ơn, lời yêu thương chưa bao giờ tình đến như vậy.
Mùa Thu đã qua, mùa Xuân đang về, mùa tình yêu sắp sửa tới, "Những bản nhạc này, mùa Thu đầy tình yêu này, và mọi thứ anh có trên đời, là để dành cho em. Hạnh Linh". Trần Mạnh Tuấn đã viết như vậy, trong đĩa nhạc riêng cho một người.
Có một Trần Mạnh Tuấn mê nhiếp ảnh
Ngoài âm nhạc, Trần Mạnh Tuấn rất đam mê nhiếp ảnh. Anh sở hữu nhiều máy ảnh dòng hiệu Leica, những tấm ảnh anh chụp vợ được giới thiệu trong đĩa than này cũng minh họa cho tình yêu bền chặt của mình.
Anh từng có cuộc triển lãm ảnh Vẻ đẹp ánh sáng chung với nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Thanh. Người mẫu thường xuyên của anh không ai xa lạ, chính là Kiều Đàm Linh, tức Hạnh Linh, vợ anh, nàng thơ bất tận trong tất cả các tấm ảnh.
Tags