Thanh Thúy vừa phải kết thúc sớm hợp đồng với CLB Kuzeyboru của Thổ Nhĩ Kỳ do chấn thương và đã về nước hôm 17/11/2024. Một trải nghiệm không như mong muốn của 4T nhưng đáng nói hơn là thái độ khó có thể chấp nhận của một bộ phận CĐV bóng chuyền Việt Nam.
Thanh Thúy, từ biểu tượng cống hiến đến nạn nhân của sự bất công không đáng có
Năm 2023 là một mùa giải rực rỡ với Thanh Thúy khi cô đóng góp lớn cho tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam ở hàng loạt giải đấu quan trọng. Tuy nhiên, bước sang năm 2024, phong độ của Thanh Thúy chịu ảnh hưởng nặng nề từ chấn thương đầu gối mà cô gặp phải khi còn khoác áo CLB PFU Blue Cats tại giải VĐQG Nhật Bản.
Chấn thương này khiến cô không thể tham dự AVC Challenge Cup và chỉ thi đấu cầm chừng tại FIVB Challenger Cup. Đỉnh điểm, tại SEA V.League 2024, Thanh Thúy phải rời sân ngay từ set đầu tiên trận gặp Thái Lan, nhường chỗ cho Như Quỳnh.
Trong khi Thanh Thúy nỗ lực phục hồi chấn thương nhưng chỉ đạt khoảng 60% thể lực như đánh giá của HLV Tuấn Kiệt thì Bích Tuyền lại nổi lên là "máy ghi điểm" mới của đội tuyển.
Những màn trình diễn bùng nổ của Bích Tuyền đã giúp đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam bảo vệ thành công ngôi vô địch AVC Challenge Cup, giành hạng ba tại Challenger Cup, và lần đầu kéo Thái Lan vào trận đấu 5 set căng thẳng ở SEA V.League 2024. Sự xuất sắc của Bích Tuyền mang đến nhiều kỳ vọng, nhưng cũng vô tình trở thành cái cớ để một số CĐV quay lưng, chê bai Thanh Thúy.
Chỉ vì không thể thi đấu hết mình do chấn thương, Thanh Thúy nhận về những lời chỉ trích thiếu công bằng. Thậm chí, một số ý kiến cực đoan cho rằng với sự xuất hiện của Bích Tuyền và Như Quỳnh, đội tuyển không còn cần đến Thanh Thúy. Điều này không chỉ phiến diện mà còn phủ nhận những đóng góp và cống hiến to lớn cho ĐTQG của tay đập có biệt danh "4T".
Thanh Thúy là một biểu tượng của sự nỗ lực và khát khao cống hiến. Ngay cả khi chưa hoàn toàn hồi phục, cô vẫn muốn đồng hành cùng đội tuyển, không chỉ vì trách nhiệm mà còn vì muốn trở thành nguồn động viên tinh thần cho đồng đội trong những thời khắc quan trọng.
Ở FIVB Challenger Cup 2024, dù không ghi điểm vượt trội, cô vẫn để lại dấu ấn ở khâu phòng ngự và đỡ bước một – những yếu tố chuyên môn mà cả Bích Tuyền và Như Quỳnh vẫn cần cải thiện nhiều.
Sự so sánh giữa Thanh Thúy, Bích Tuyền, và Như Quỳnh cũng cần được nhìn nhận công tâm. Bích Tuyền mạnh ở khả năng ghi điểm nhưng phòng ngự và bước một còn thua kém nhiều so với Thanh Thúy.
Như Quỳnh trẻ khỏe nhưng chiều cao hạn chế (1m75) và kinh nghiệm xử lý bóng trên lưới còn thiếu linh hoạt. Khả năng đỡ bước một và phòng ngự của Như Quỳnh cũng chưa thể so sánh với Thanh Thúy. Mỗi người đều có điểm mạnh riêng, và sự đa dạng khi kết hợp họ với nhau mới chính là chìa khóa giúp đội tuyển bóng chuyền Việt Nam ngày càng mạnh mẽ hơn.
Việc Thanh Thúy phải kết thúc sớm hợp đồng tại Thổ Nhĩ Kỳ để về nước là thời khắc khó khăn trong sự nghiệp của cô. Nhưng không ai có thể phủ nhận những thành công mà Thanh Thúy đã góp phần mang lại cho đội tuyển quốc gia trong những năm qua. Từ các danh hiệu vô địch khu vực đến những cột mốc lịch sử trên đấu trường Châu Lục, cô luôn là một nhân tố có đóng góp quan trọng.
CĐV Việt Nam cần trân trọng hơn những đóng góp của Thanh Thúy thay vì chỉ trích khi cô chưa đạt phong độ tốt nhất. Thay vì so sánh, hãy nhìn nhận giá trị mà mỗi VĐV mang lại để cùng nhau ủng hộ đội tuyển. Thanh Thúy không chỉ là một vận động viên xuất sắc mà còn là tấm gương về sự nỗ lực và tinh thần không từ bỏ.
Tags