22 giờ đêm 6/9, trong khi người người, nhà nhà đang nghỉ ngơi, yên tâm "trú ẩn" trong căn nhà của mình trước cuộc đổ bộ của siêu bão số 3 thì tại Trung tâm Điều hành tác nghiệp khí tượng thủy văn- căn phòng quen thuộc trên tầng 12, trụ sở Tổng Cục khí tượng thủy văn (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) -nơi thường được gọi với cái tên "căn phòng không bao giờ tắt điện", các cán bộ khí tượng thủy văn thuộc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia vẫn không mệt mỏi dõi theo mắt bão để kịp thời mang tới những bản tin dự báo, cảnh báo về siêu bão số 3.
Thường xuyên ứng trực xuyên đêm, các cán bộ khí tượng thủy văn đã và đang cung cấp những thông tin dự báo, cảnh báo chính xác, sát thực tế nhất để giảm thiểu độ rủi ro do thiên tai khí tượng thủy văn gây ra cho người dân và xã hội.
Nơi căn phòng không bao giờ tắt điện
Có mặt tại Trung tâm Điều hành tác nghiệp khí tượng thủy văn trong đêm 6/9, thời điểm bão số 3 chuẩn bị vào đất liền, chúng tôi chứng kiến quang cảnh làm việc miệt mài, nghiêm túc của các dự báo viên Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đang nỗ lực theo dõi diễn biến về siêu bão số 3. Trên bàn làm việc của các dự báo viên, hàng loạt bảng số liệu dày đặc về bão số 3 liên tục "dội" về khiến các dự báo viên đôi lúc trĩu mắt. Phút nghỉ ngơi hiếm hoi giữa các luồng thông tin đổ về với họ là đến cuối phòng họp, nhấp ngụm chè mạn hoặc ly cà phê cho tỉnh táo rồi trở lại ngay vị trí làm việc.
Trực cùng các dự báo viên ca này là Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ông Mai Văn Khiêm. Điện thoại trên tay vị giám đốc liên tục đổ chuông để nhận thông tin từ các Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, khu vực; lực lượng chức năng liên quan; chỉ đạo nhanh của lãnh đạo ngành về bão số 3. Vừa giải quyết công việc, ông Khiêm vừa tranh thủ động viên các dự báo viên ca trực nỗ lực theo dõi sát sao hướng đi, diễn biến của bão để ghi nhận dù là những chuyển động nhỏ nhất của cơn bão nhiều diễn biến phức tạp này.
Ông Mai Văn Khiêm chia sẻ: "Công việc của các cán bộ khí tượng thủy văn là thế; luôn sẵn sàng ứng trực 24/24h, không để sót lọt, chậm thông tin về thiên tai, bởi chúng tôi hiểu, nếu xảy ra sự chậm trễ, dù chỉ tính bằng giây, sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường".
Tham gia đêm trực bão tối 6/9, dự báo viên Nghiêm Thị Ngọc Linh, người đã có 23 năm công tác tại ngành Khí tượng thủy văn dường như đã quá quen với mỗi đêm thức trắng khi có bão đổ bộ.
"Theo dự báo, đêm nay bão về, tôi được phân công trực từ 17 giờ chiều 6/9 đến 8 giờ ngày 7/9. Đây là công việc thường xuyên của chúng tôi và do tính chất công việc nên không kể ngày đêm. Thực tế khi tôi đang trao đổi với bạn thì cũng là thời điểm sắp chuyển sang ngày mới. Ngày hôm qua, tôi đã trực bão từ 8 giờ đến 17 giờ, sau đó về nhà, đến 17 giờ ngày 6/9, tôi có mặt tại cơ quan và sẽ thức suốt đêm để trực bão", chị Nghiêm Thị Ngọc Linh chia sẻ.
Dự báo viên Nghiêm Thị Ngọc Linh cho biết, mỗi khi có khả năng xuất hiện các loại hình thiên tai nguy hiểm, đặc biệt là bão thì dự báo viên thời tiết chịu áp lực lớn ngay từ khi bão chưa vào Biển Đông rồi đến lúc kết thúc các ảnh hưởng, tác động của hoàn lưu bão.
"Công việc căng thẳng, nhiều áp lực nhưng tôi may mắn được gia đinh cảm thông và tạo điều kiện; điều này làm tôi có thêm động lực trong công việc, yêu nghề hơn. Tôi vui khi được làm công việc dự báo vì đơn giản tôi nghĩ rằng, sau khi các bản tin dự báo, cảnh báo nhanh, sớm được xuất bản, gửi đi với tính chính xác cao sẽ giúp công tác phòng, chống thiên tai hiệu quả hơn, từ đó giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người dân và cộng đồng", chị Nghiêm Thị Ngọc Linh tâm sự.
Dự báo viên Nghiêm Thị Ngọc Linh cho biết thêm, hiện trên trang website của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cứ mỗi tiếng lại có một bản tin nhanh cập nhật diễn biến mới nhất bão số 3, ba tiếng lại có tin khẩn. Ngoài ra còn có các thông tin khác cảnh báo về mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất tại những khu vực bị ảnh hưởng. Để có những bản tin dày đặc này, cứ 10 phút, các dự báo viên lại cập nhật ảnh mây vệ tinh, ảnh radar… để quan sát hướng di chuyển, tốc độ, cường độ của bão. Bão càng gần bờ thì mỗi một sự thay đổi dù là nhỏ thôi cũng rất quan trọng.
Mới tham gia công tác dự báo được gần 9 tháng, dự báo viên Ngô Hà Hoàng, sinh năm 1988 chia sẻ, là "lính mới" của Trung tâm Dự báo từ đầu năm 2024 đến nay, tuy nhiên Hoàng nhận thấy đây là một nghề thú vị, giúp anh được cống hiến sức lực, kiến thức chuyên môn cho công tác phòng chống thiên tai, đóng góp thiết thực cho cộng đồng. "Hôm nay tôi tham gia trực siêu bão số 3, với sự hỗ trợ của phần mềm, công nghệ cùng sự giúp đỡ của đồng nghiệp, tôi đã học hỏi được nhiều từ công tác chuyên môn. Tôi mong muốn các bản tin dự báo, cảnh báo có độ tin cậy và chính xác cao sớm đến được với cộng đồng để họ nắm được và chủ động các biện pháp ứng phó hiệu quả".
Anh Ngô Hà Hoàng cho rằng, việc trực ngày hay đêm hoặc có những đêm dài thức trắng nhất là khi có bão mạnh, mức độ và phạm vi ảnh hưởng lớn, cần cập nhật thường xuyên như siêu bão số 3 hiện nay là đặc thù công việc của những dự báo viên. Mỗi lần trực bão, anh Hoàng luôn mong những bản tin tiếp theo sẽ là thông tin bão đã suy yếu đi, tan trên Biển Đông, hoặc giảm cấp, ảnh hưởng nhẹ, thậm chí không ảnh hưởng đến người dân, đến cơ sở hạ tầng... Đó luôn là niềm vui của những dự báo viên.
Đảm bảo tối đa an toàn cho người dân
Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết, các bản tin dự báo khí tượng thủy văn có độ chính xác cao, phù hợp với thực tế, được cung cấp nhanh cho các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương...với mục đích cao nhất là đảm bảo an toàn cho người dân, cho xã hội, góp phần hướng tới xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai.
Dự báo, bão số 3 tiếp tục diễn biến phức tạp, Đây là cơn bão rất mạnh, hoàn lưu rộng. Vùng gió mạnh cấp 8 có bán kính khoảng 250 km, vùng có gió mạnh cấp 10 khoảng 150 km, vùng có gió mạnh cấp 12 khoảng 80 km xung quanh tâm bão. Do vậy, trong thời gian trước, trong và sau bão, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia tiếp tục thực hiện nghiêm túc quy định về Quy trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm, trong đó có siêu bão số 3; tăng cường các bản tin dự báo, cảnh báo; cập nhật, cung cấp đầy đủ, kịp thời bản tin dự báo thiên tai và dự báo tác động của bão số 3 phục vụ tốt công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai cho Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự Quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành, địa phương và nhân dân biết chủ động phòng, tránh nhằm giảm thiểu thiệt hại của thiên tai.
Bên cạnh đó, đảm bảo hoạt động ổn định hệ thống công nghệ thông tin, thiết bị phụ trợ dự báo; cung cấp thông tin về bão số 3, các hình thái thời tiết liên quan có khả năng xảy ra hoặc do ảnh hưởng của bão trên website của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia tại địa chỉ nchmf.gov.vn, trên ứng dụng di động phục vụ người dùng khai thác; cung cấp các sản phẩm dự báo đến các đơn vị theo quy định. Trung tâm tiếp tục ban hành bản tin nhanh, tin bão khẩn bão số 3 để chính quyền và người dân địa phương biết và chủ động ứng phó.
Với Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm, ông đưa ra khuyến cáo cụ thể trong ứng phó bão số 3. Người dân ở các tỉnh, thành phố ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, những nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu bão số 3 cần tuyệt đối không cố ra ngoài lúc mưa to gió lớn khi hoàn lưu bão ảnh hưởng trực tiếp. Dự báo từ đêm 6/9, người dân các huyện đảo, sau đó là khu vực đất liền ven biển Quảng Ninh -Thanh Hóa, trong khoảng từ sáng đến chiều tối 7/9, sẽ chịu ảnh hưởng của bão số 3.
Đối với các tỉnh thành phố vùng núi, trung du Bắc Bộ, khu vực Thanh Hóa là những nơi đối mặt với nguy cơ ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là nhà ở, các công trình (nhà tạm, nhà cạnh các khai trường, hạ lưu hồ chứa...)..., cần tổ chức di dời ngay người dân và tài sản khi thấy không đảm bảo an toàn. Sau khi bão qua, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất vẫn còn hiện hữu những ngày sau đó nên người dân cần hết sức đề phòng thời điểm này.
Tags