Tranh cãi không dứt về tiêu chí xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú

Chủ nhật, 29/04/2018 10:07 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Hai năm một lần, Nhà nước xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú ở các lĩnh vực văn học nghệ thuật nhằm tôn vinh những đóng góp của các nghệ sĩ, những người góp phần bảo tồn, xây dựng, phát huy những giá trị văn hóa nghệ thuật giàu bản sắc dân tộc.

Tuy nhiên, trước và sau mỗi đợt xét tặng này luôn có những tranh luận về tiêu chí bình xét, người được phong tặng có xứng đáng, người không được phong tặng có thiệt thòi… Có lẽ “nóng” nhất, nhiều ý kiến nhất vẫn là trong lĩnh vực sân khấu, nghệ thuật biểu diễn – những lĩnh vực mà sự cống hiến, sáng tạo của người nghệ sĩ bị chi phối quá nhiều bởi tuổi nghề, thanh sắc, cơ hội nhận vai diễn, sự hỗ trợ của cả một tập thể đồng sáng tạo…

Chú thích ảnh
Vừa qua, nghệ sĩ Xuân Bắc đã gửi đơn đến Nhà hát kịch Việt Nam bày tỏ nguyện vọng rút hồ sơ xét tặng danh hiệu NSND

Đợt xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân năm 2018 đã được khởi động và đang "nóng" dần qua việc các địa phương, các hội văn học nghệ thuật lựa chọn, gửi danh sách lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Một trong những nơi được coi là “nóng” nhất thời gian qua là Thành phố Hà Nội với việc đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và Nghệ sĩ Ưu tú năm 2018 cho 46 người. Trong đó, có không ít những ý kiến cho rằng một số nghệ sĩ được đề nghị xét tặng danh hiệu chưa thật sự xứng đáng.

Đội ngũ nghệ sĩ luôn mong muốn được công chúng, xã hội sự ghi nhận trước những cống hiến cho nghề nghiệp của mình bằng các danh hiệu như Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú. Điều này đối với họ như một sự bù đắp cho bao cố gắng cống hiến mà đôi khi, những gì nhận được từ các hoạt động nghệ thuật còn chưa xứng đáng, như ý kiến của Nghệ sĩ Ưu tú Trần Nhật Lệ: Cả cuộc đời của nghệ sĩ cống hiến cho nghệ thuật mà sự nhận lại về vật chất cũng không nhiều, nhất là với các diễn viên kịch hát truyền thống… Bất kỳ nghệ sĩ nào cũng rất vui mừng, hạnh phúc nếu trong đời họ đạt được danh hiệu cao quý này.

Tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân, Đạo diễn Ngọc Trúc cũng khẳng định, được tôn vinh là niềm hạnh phúc, nhưng phải làm sao để việc tôn vinh ngày một chính xác hơn. Làm sao để mỗi đợt xét tặng thực sự đúng với tinh thần tôn vinh nghệ sĩ mà Đảng và Nhà nước hướng tới, tạo động lực sáng tạo, động viên họ tiếp tục phấn đấu.

Là người thường xuất hiện trong Hội đồng xét tặng ở nhiều cấp, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, cho rằng: Các quy định mới chỉ là khung cứng, để đạt danh hiệu thì không chỉ có huy chương, mà cần phải thuyết phục được hội đồng để họ bỏ phiếu… Thuờng thì các thành viên Hội đồng xét tặng đều là những người có nhãn quan, tư duy nghệ thuật chuẩn mực. Tuy nhiên, cũng không thể loại trừ yếu tố cảm tính của cá nhân chi phối quyết định của chính những người cầm cân nảy mực này.

Nhà nghiên cứu Sân khấu Nguyễn Văn Thành khá quyết liệt khi nhắc tới các thành viên Hội đồng xét tặng từng ở vị trí này quá lâu, quá nhiều đợt, gây ra những bất lợi, khó đạt được độ công tâm.

Đã có những thay đổi khá tích cực nhằm đem lại sự công bằng nhất định trong quá trình xét, phong tặng. Tuy nhiên, ngay trong những điều được cho là rõ ràng của tiêu chí này, cũng có những điểm còn mơ hồ như sức lan tỏa với công chúng, rồi tư cách đạo đức. Đây cũng là nguyên nhân của bao điều ì xèo “hậu xét tặng”.

Thực tế hiện nay, không ít nghệ sĩ được phong tặng nhưng ngay người hoạt động trong lĩnh vực ấy cũng không thấy rõ đóng góp của họ. Điều này có thể được hiểu là sự cống hiến, tác động và uy tín nghề của họ hoàn toàn chưa cao.

Khá nhiều người có trách nhiệm, có uy tín trong các lĩnh vực nghệ thuật đều từng mơ hồ đặt câu hỏi rằng “việc cân đong đo đếm” hồ sơ xét tặng liệu có phù hợp không, khi sức lan tỏa lại là yếu tố khó đánh giá được và cũng không công bằng đối với các loại hình nghệ thuật khác nhau.

Trong cuộc sống hiện nay, có nhiều loại hình nghệ thuật có điều kiện tiếp cận nhanh, gần với khán giả nhưng cũng có các hình thức như Tuồng, Chèo..., ít được tiếp cận hoặc tiếp cận với số lượng không nhiều công chúng. Nếu nghệ sĩ không tham gia vào các live show trên truyền hình, phim truyền hình... thì gương mặt ít được biết tới trong khi cống hiến trong nghề, trong lĩnh vực cũng rất cao. Ví dụ như kịch quân đội, kịch công an lượng khán giả đa số là bộ đội, biên giới hải đảo… Đó là còn chưa kể tới đội ngũ đông đảo các nghệ sĩ không thuộc bất kỳ đơn vị nghệ thuật nào đang ngày đêm cống hiến cho nền sân khấu nước nhà. Hay có những nghệ sĩ luôn bị thiệt thòi khi không có vai tại những cuộc thi lớn do vai chính không phù hợp…

Thêm vào đó, việc kéo ngắn thời gian phong danh hiệu từ 5 năm một đợt xuống 3 năm rồi 2 năm trong khi các kỳ, cuộc liên hoan hội diễn ngày một dày, chỉ tiêu huy chương cũng vì thế mà dễ dàng hơn rất nhiều. Dường như có gì đó phi lý trong bối cảnh sân khấu đang thưa vắng người xem, sự tác động với xã hội ngày một ít đi, các nghệ sĩ được vinh danh ít người biết tới.

Tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Ngọc Trúc đã phải thốt lên đầy chua chát: Với cách xét hiện nay, nếu các hội đồng còn nể nang, còn né tránh, tôi cho rằng sắp tới, danh hiệu “nghệ sĩ thường” sẽ quý vì hiếm hoi hơn các danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú. 

Rõ ràng, để tìm kiếm cái chuẩn cho công việc như “làm dâu trăm họ” này hoàn toàn không dễ dàng. Và trong dư luận vẫn tiếp tục có những ý kiến xung quanh mỗi đợt xét tặng.

Công Lý, Trần Hạnh được đề nghị xét tặng Nghệ sĩ nhân dân

Công Lý, Trần Hạnh được đề nghị xét tặng Nghệ sĩ nhân dân

Diễn viên Công Lý, nghệ sĩ chèo Thu Huyền có tên trong danh sách 12 người được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND) vừa được Sở VH&TT Hà Nội công bố.

TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›