(Thethaovanhoa.vn) - Tại phiên đấu giá Tableaux Des XIXÈ & XXÈ Siècles Art Contemporain (Tranh thế kỷ 19-20 và nghệ thuật đương đại) của nhà Aguttes tại Pháp, tranh Việt đáng áp đảo về giá ước đoán.
- SỐC: Tranh Lê Phổ đã vượt ngưỡng 1 triệu USD
- Vì sao Lê Phổ là họa sĩ đắt giá nhất Việt Nam?
- Giấc mơ 'triệu đô' của tranh Việt (bài 1): Lê Phổ vẫn là 'vua' giá tranh
Phiên đấu này diễn ra lúc 14h30 ngày 12/6 tại khu đấu giá Drouot ở quận 9, thủ đô Paris, với 77 lô hàng, Việt Nam có 12 đại diện.
Phiên đấu có tác phẩm của nhiều tên tuổi lừng danh như Edgar Degas (1834-1917), Qi Baishi (Tề Bạch Thạch, 1864-1957), Adolphe Monticelli (1824-1886), Pierre-Auguste Renoir (1841-1919), Amedeo Modigliani (1884-1920), Paul-Émile Pissarro (1884-1972), Andy Warhol (1928-1987), Zao Wou-Ki (Triệu Vô Cực, 1921-2013), Camille Claudel (1864-1943)…, nhưng Lê Phổ lại đang áp đảo về giá.
Cụ thể, tác phẩm Tourterelles (Đôi chim cu gáy, lụa, 64 cm x 96 cm, khoảng 1937) và Maternité (Tình mẫu tử, lụa, 50 cm x 38 cm, khoảng 1937-1938) của Lê Phổ cùng có giá ước đoán từ 180.000 - 220.000 Euro, cao gần như gấp 5-10 lần các danh họa còn lại.
Mà không chỉ có Lê Phổ, các tên tuổi khác từ Việt Nam như Vũ Cao Đàm (1908-2000), Joseph Inguimberty (1896-1971)… cũng có giá khởi điểm thuộc hàng cao tại phiên này.
Vẫn chủ để quen thuộc về phụ nữ Bắc kỳ, tác phẩm Au bord de l'eau (Ven sông, sơn dầu trên bố, 65 cm x 92 cm, 1933) của Joseph Inguimberty có cái nhìn thật sống động, trìu mến về một sinh hoạt miền quê.
Tất nhiên, giá bán tại một phiên đấu chỉ có tính nhất thời, còn đẳng cấp và phong độ của từng tên tuổi mới là dài lâu, ổn định. Thế nhưng, nhờ có kinh nghiệm nhiều năm về nghệ thuật Việt, lại có đội ngũ công tác thẩm định tốt, nhà đấu giá Aguttes đã khá thành công khi đưa ra các lô hàng đợt này. Đa số tranh Việt có chất lượng tốt về thị giác, tình trạng bảo quản hoàn hảo.
Bên cạnh hai tác phẩm có giá khởi điểm cao nhất phiên, hai tác phẩm khỏa thân Allégorie du sommeil (Giấc mơ huyền thoại, màu nước - gouache và chì trên giấy, 26 cm x 40,5 cm, 1940) của Lê Phổ và của Vũ Cao Đàm cũng rất đáng chú ý vì giá trị tạo hình và cách nhìn táo bạo.
Văn Bảy
Tags