Tranh luận Lịch sử thành môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT: Người nhiệt tình hưởng ứng, người lo học sinh áp lực "chồng" áp lực

Chủ nhật, 19/02/2023 19:27 GMT+7

Google News

Theo đại diện từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT dự kiến sẽ gồm bốn môn bắt buộc là Toán, Ngoại ngữ, Ngữ văn và Lịch sử. Trước thông tin này, phụ huynh và học sinh đã chia ra nhiều luồng tranh luận.

Rầm rộ trên các diễn đàn mạng xã hội từ sáng nay là thông tin Lịch sử dự kiến sẽ trở thành môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia từ năm 2025, bên cạnh 3 môn quen thuộc là Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ. 

Cụ thể, trong chiều ngày 18/2, tại buổi làm việc với trường Nguyễn Siêu về triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho hay: Hiện nay các chuyên gia đang xây dựng, tính toán số môn thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 và đề xuất với Bộ xem xét, sau đó trình Chính phủ xin ý kiến. Đến năm 2024 sẽ có thông báo điều chỉnh, tuy nhiên học sinh và thầy cô yên tâm việc thi cử sẽ tập trung vào 4 môn bắt buộc là Toán, Văn, Lịch sử và Ngoại ngữ.

Trước thông tin này, nhiều cuộc tranh luận đã nổ ra. Theo đó, một bộ phận hưởng ứng nhiệt tình vì cho rằng Lịch sử là môn học quan trọng trong chương trình đào tạo bậc phổ thông. Thế nhưng, ở chiều hướng ngược lại, cũng có không ít phụ huynh và học sinh bày tỏ quan ngại về áp lực học tập đổ lên vai học sinh lớp 12 sẽ ngày càng nặng nề khi khối lượng kiến thức phải chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia sắp tới có thể gia tăng.

Tranh cãi Lịch sử thành môn thi bắt buộc - Ảnh 1.

Thông tin Lịch sử dự kiến trở thành môn thi bắt buộc thứ 4 trong trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia từ năm 2025 được hàng loạt tài khoản MXH đăng tải và nhận được lượng quan tâm đông đảo

"Đừng để còn học trò nhầm lẫn giữa Quang Trung và Nguyễn Huệ"

Từ lâu, câu chuyện về tầm quan trọng của môn Lịch sử trong chương trình đào tạo phổ thông đã trở thành chủ đề tranh luận trên các diễn đàn cộng đồng. Ở một khía cạnh, một vài ý kiến cho rằng việc giảng dạy môn học này tại môi trường học đường chưa thực sự hiệu quả, chưa thu lại được kết quả mong muốn. Điều này được minh chứng khi điểm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia môn Lịch sử của học sinh còn thấp, nhiều bạn nhầm lẫn kiến thức cơ bản như cho rằng Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai anh em...

Cô Bùi Xuân Nga, một giáo viên dạy Lịch sử ở Hà Nội cho rằng: Việc Lịch sử góp mặt trong môn thi bắt buộc của kỳ thi xét tuyển Đại học sẽ tạo động lực để học sinh chú tâm hơn đến môn học này.

"Trước đây, trừ những bạn chọn Lịch sử để thi tốt nghiệp, còn lại đại đa số đều thờ ơ với môn học này. Bên cạnh những lý do chính như chương trình dạy còn nhàm chán, kiến thức học thuộc nặng, học sinh không dành thời gian cho Lịch sử vì biết môn học không ảnh hưởng đến kết quả thi Đại học của các em.

Thực ra, học Lịch sử không khó, các em chỉ cần chịu khó đầu tư tìm hiểu sẽ thấy đây là môn học thú vị, giúp ích rất nhiều cho tương lai sau này. Nếu Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc thứ 4, tôi nghĩ đây sẽ là động lực để học trò tìm hiểu được cái hay - cái đẹp của lịch sử nước nhà".

Tranh cãi Lịch sử thành môn thi bắt buộc - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Nỗi niềm trăn trở của cô Nga cũng là ý kiến của rất nhiều người khi hay tin danh sách môn thi tốt nghiệp bắt buộc bao gồm môn Lịch sử. Lướt nhanh trên các diễn đàn MXH, không khó để bắt gặp quan điểm hưởng ứng của học sinh và phụ huynh về quyết định mới này của Bộ Giáo dục và Đào tạo:

- Tuyệt vời quá, tôi mong đợi quyết định này từ lâu lắm rồi. Lịch sử là môn học rất hay, rất tốt. Thế nhưng, chính vì Lịch sử chỉ là môn thi tự chọn đã khiến các em thờ ơ với chính lịch sử nước nhà. 

- Quyết định mới này cần được nhanh chóng thực hiện để khuyến khích học trò học sử. Thế hệ trẻ phải biết được thăng trầm của đất nước, sự hy sinh vất vả của thế hệ cha ông. Tuy nhiên, chính việc sắp xếp môn Lịch sử sau các môn khác như Toán, Anh, Văn đã khiến nhiều người không hiểu được cái tốt đẹp của môn học này.

- Lịch sử không hề khô khan, nhàm chán. Mình đã từng ghét học Lịch sử cho đến khi phải "bắt buộc" học chúng để thi tốt nghiệp. Mình nghĩ chỉ cần một "cú đẩy" của Bộ để bắt học sinh phải học sử, các bạn sẽ chăm chú tìm hiểu và dần thấy môn học này rất hay.

- Hoàn toàn ủng hộ. Chỉ nghĩ đến việc nhiều bạn trẻ còn nhầm lẫn kiến thức cơ bản về lịch sử nước nhà là mình thấy quyết định này hoàn toàn hợp lý. Đừng để còn học sinh nào nhẫm lần giữa Quang Trung và Nguyễn Huệ nữa.

- Mình thấy Lịch sử trở thành môn bắt buộc là đúng, tuy nhiên nếu ra đề thi thì nên chọn cấu trúc nhẹ nhàng để học sinh không phải học nhồi thêm mấy trăm trang sách, thay vào đó là nắm bắt được kiến thức cơ bản. Lịch sử rất tuyệt vời. Mình đi du học, thấy các bạn học sinh khi được hỏi về lịch sử nước họ thì trả lời vanh vách, quả thật mình rất ngưỡng mộ nền giáo dục của nước bạn.

- Lịch sử dân tộc và thế giới gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của mỗi quốc gia. Đặc biệt, Lịch sử được xem như sợi dây kết nối từ quá khứ tới hiện tại. Nếu một người đỗ thủ khoa đại học mà kiến thức lịch sử nửa vời thì cũng khó chấp nhận, bởi họ đã không biết tổ tiên mình là ai, đến từ đâu.

Tranh cãi Lịch sử trở thành môn thi xét tốt nghiệp bắt buộc thứ 4: Người nhiệt tình hưởng ứng, người lo ngại  áp lực đè nặng lên học sinh cuối cấp  - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ

Tăng thêm một môn thi bắt buộc: Vẫn còn nhiều ý kiến phản đối

Bên cạnh các quan điểm đồng tình, nhiều người cũng bày tỏ lo ngại việc thêm một môn thi bắt buộc cũng đồng nghĩa gia tăng áp lực gấp bội cho học sinh cuối cấp. Nhất là với học sinh theo đuổi khối thi Khoa học Tự nhiên, vốn đã "bỏ lỡ" việc học Lịch sử từ năm lớp 10 thì việc bắt đầu ôn tập lại môn thi này sẽ ngày càng khó khăn.

Với định hướng chọn thi khối A, bạn Nguyễn Đức Minh, một học sinh lớp 11 tại Hà Nội có nhiều băn khoăn riêng về quy chế xét tốt nghiệp mới: "Từ lâu, mình đã tập trung chỉ ôn Toán, Lý, Hoá, học thêm cả Anh, Văn để thi tốt nghiệp. Giờ có thêm Lịch sử là môn bắt buộc sẽ khiến những đứa học ban A như mình phải phân bổ lại thời gian học tập, tìm thầy cô dạy Lịch sử thêm. 

Mọi người thường nói Lịch sử chỉ là môn xét tốt nghiệp, không cần phải lo. Thế nhưng thi cử thì chẳng nói trước được điều gì. Đã có rất nhiều anh chị đi trước từng trượt tốt nghiệp nên bản thân cũng không thể chủ quan", Đức Minh nhận định.

Lý Nam, học sinh tại trường THPT Phan Liêm (Bến Tre) thừa nhận cậu thấy lo lắng khi số lượng môn thi tốt nghiệp bắt buộc đã tăng lên. Cậu cho rằng: "Việc Lịch sử trở thành môn thi thứ 4 sẽ có lợi cho các bạn học ban Xã hội, còn với nhiều học sinh học khối A, A1, B thì áp lực nhiều hơn. Mình đồng tình Lịch sử là môn quan trọng, thế nhưng việc đột ngột tăng lên một môn thi sẽ khiến khối lượng bài vở của chúng mình nhiều hơn, nghĩ đến chuyện ôn thi Đại học năm sau tự dưng mình vô cùng chán nản".

Tranh cãi Lịch sử trở thành môn thi xét tốt nghiệp bắt buộc thứ 4: Người nhiệt tình hưởng ứng, người lo ngại  áp lực đè nặng lên học sinh cuối cấp  - Ảnh 4.

Đông đảo ý kiến lo ngại việc tăng thêm một môn thi bắt buộc trong chương trình xét tốt nghiệp THPT Quốc gia có thể gia tăng áp lực đè lên vai học sinh lớp 12 (Ảnh minh hoạ)

Ở diễn biến khác, có đông đảo học sinh và thầy cô bày tỏ không nên thêm Lịch sử vào danh sách môn thi bắt buộc chỉ vì đây là môn học giáo dục lòng yêu nước. Theo đó, có rất nhiều cách để giúp thế hệ trẻ học thêm về lòng yêu nước, hiểu biết lịch sử nước ta chứ không phụ thuộc nhiều đây là môn thi bắt buộc hay lựa chọn.

Đưa Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc chỉ có thể phát huy tác dụng giáo dục học sinh khi được song hành cùng nhiều biện pháp khác như giảm áp lực học tập, thay đổi chương trình học cuốn hút hơn, kết hợp giữa việc học trên lớp và giáo dục thực tế...

Dưới đây là một vài nhận định của phụ huynh, học sinh về việc đưa Lịch sử thành môn thi thứ 4:

- Thực tế Lịch sử là môn học thuộc, chứ không phải môn kiến thức, vậy thì bắt nó trở thành môn bắt buộc trong kỳ thi có khiên cưỡng quá không?

- Tâm lý học sinh đối với những thứ bắt buộc mà không đam mê luôn chỉ là học một cách đối phó. Trong trường hợp đó, các em sẽ học thuộc để vượt qua bài thi tốt nghiệp, thậm chí có điểm cao nhưng còn mấy ai nhớ được kiến thức để áp dụng vào cuộc sống. Vậy bắt buộc học trò học Lịch sử làm gì trong khi việc này có thể gia tăng áp lực gấp bội lên học sinh lớp 12?

- Lịch sử học thuộc rồi lại quên hết sau thi tốt nghiệp thì bắt buộc học sinh học làm gì? 

Tranh cãi Lịch sử trở thành môn thi xét tốt nghiệp bắt buộc thứ 4: Người nhiệt tình hưởng ứng, người lo ngại  áp lực đè nặng lên học sinh cuối cấp  - Ảnh 5.

Ảnh minh hoạ

- Theo mình, duy trì Lịch sử là môn bắt buộc trong chương trình giảng dạy thì còn hợp lý, chứ bắt ép để đi thi thì quá khiên cưỡng. Việc nói không học môn Lịch sử ở bậc THPT mà lo giảm bớt lòng yêu nước là không đúng. Có rất nhiều môn học khác cũng đều có ý nghĩa trong giáo dục lòng yêu nước như Giáo dục Công dân, Địa lý, Văn học, Quốc phòng, Âm nhạc, Mỹ thuật…

Hiện nay, Giáo dục Quốc phòng là môn học bắt buộc, học sinh được học về lịch sử quốc phòng, học lịch sử đấu tranh bảo vệ đất nước, học cách để biết sau này làm chiến sĩ bảo vệ đất nước. Nếu lấy tiêu chí giáo dục lòng yêu nước thì nhiều môn học đều có tác dụng và có ý nghĩa ngang nhau cho nên không thể nói môn nào hơn môn nào.

- Học là quá trình cả đời, học về lòng yêu nước, lịch sử dân tộc cũng vậy. Cách tốt nhất là chúng ta nên thay đổi chương trình học được thiết kế sao cho kích thích tìm tòi Lịch sử với các em học sinh. Chứ khối lượng ôn thi Đại học của các em đã nặng rồi, giờ gánh thêm một môn thi tốt nghiệp thì ứng phó sao nổi?

Tổng hợp

Dương

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›