(Thethaovanhoa.vn) - Nhà đấu giá danh tiếng Aguttes (Pháp) vừa cập nhật kết quả phiên đấu chiều 25/6/2018 tại Paris, một tranh sơn mài thuộc sưu tập của hoàng đế Bảo Đại bán hơn 6 tỷ đồng.
- Đấu giá bức tranh lụa đáng sưu tập 'Thôn nữ Bắc kỳ' của họa sĩ Nam Sơn
- Đấu giá Christie’s HongKong: 'Người bán ốc' của Nguyễn Phan Chánh lập kỷ lục?
Phiên đấu có tên Peintres D’asie - Tableaux Du Xixe Siècle, Impressionnistes & Modernes - Art Contemporain (tạm hiểu: Nghệ thuật Á châu), giới thiệu 59 lô hàng, trong đó 11/13 lô hàng thuộc nghệ thuật Việt Nam được bán vượt mức dự kiến.
Tiêu điểm nhất là bức Làng trung du Bắc bộ, một sáng chung của danh họa Hoàng Tích Chù (1912-2003) và danh họa Nguyễn Tiến Chung (1914-1978) đã bán 226.900 EUR, hơn 6 tỷ đồng. Mức giá bán dự kiến của bức này trong khoảng 50.000 đến 80.000 EUR, vậy là tăng giá hơn 400%.
Chuyên gia Ngô Kim Khôi, người được mời thẩm định và viết bài giới thiệu về bức này, cũng chỉ dám dự kiến giá bán vào khoảng 160.000 EUR, gấp đôi giá trần. Kết quả này làm anh khá bất ngờ, chứng tỏ sự ấm lên của nghệ thuật Việt Nam, nơi mà người sưu tập phải mở to mắt để gạn đục khơi trong.
Điều đặc biệt về nguồn gốc, bức này từng thuộc bộ sưu tập của hoàng đế Bảo Đại. Trên thế giới, những kỷ vật, vật phẩm, tác phẩm… thuộc bộ sưu tập của Bảo Đại rất được chú ý, nên thường có giá bán rất cao.
Trước đó, tranh này thuộc bộ sưu tập của Lê Thanh Cảnh (sinh năm 1893). Năm 1937, Lê Thanh Cảnh trúng cử vị trí Ủy viên thường trực của Viện Dân biểu Trung kỳ, về sau, ông là Đổng lý Văn phòng của hoàng đế Bảo Đại. Vợ ông thuộc dòng hoàng tộc, có họ hàng với Bảo Đại.
Trước đó nữa, tranh thuộc sưu tập cá nhân của một cựu giáo sư triết học ở Đại học Minh Đức, Sài Gòn.
Một trong những yếu tố quan trọng - quan trọng hơn cả giá trị nghệ thuật tự thân - để một tác phẩm tăng giá cao, đó là lịch sử sưu tập. Nếu Làng trung du Bắc bộ (100,5cm x 60,5cm) tiếp tục được đấu giá, sang tay 2-3 nhà sưu tập danh giá nữa, giá bán của nó sẽ vượt ngưỡng 1 triệu USD là bình thường.
Hoàng Tích Chù và Nguyễn Tiến Chung học cùng khóa 11 của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.
Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi nhận định: “Hoàng Tích Chù theo học lớp hội họa dự bị từ năm 1929 do Nguyễn Nam Sơn hướng dẫn, nhưng do hoàn cảnh khó khăn, việc học dở dang, đến 1936 mới thi đỗ chính thức, bạn bè tặng ông biệt danh “Chù già”, do lớn tuổi hơn các bạn.
Tốt nghiệp năm 1941, đứng thứ nhì sau Nguyễn Văn Tỵ, ông mở xưởng ở phố Hàng Khoai, làm sơn mài theo đơn đặt hàng của Hợp tác xã Các nghệ sĩ Đông Dương (Cooperative des Artistes Indochinois, do Inguimberty lãnh đạo và Trần Văn Cẩn điều hành).
Bút pháp nghệ thuật của Hoàng Tích Chù chịu nhiều ảnh hưởng nghệ thuật dân gian, đưa ông đến danh hiệu “bậc thầy trữ tình trong hội họa sơn mài”.
Nguyễn Tiến Chung có năng khiếu hội họa từ thuở bé, thi đậu vào trường cùng khóa 11 với Hoàng Tích Chù, Nguyễn Văn Tỵ, Bùi Trang Chước…
Ông rất thành công ở những tranh mang đậm tính Á Đông, diễn tả nông dân, làng thôn với những cánh đồng vàng rực, mây núi ngút ngàn, phong cảnh những ngôi chùa lặng lẽ, hoặc thiếu nữ thị thành lãng mạn mộng mơ…
Nguyễn Tiến Chung nổi tiếng với tranh lụa, những tạo nét tạo hình có giá trị nghệ thuật vững vàng. Khi hợp tác với Hoàng Tích Chù trong kỹ thuật sơn mài, họ đã cho ra đời những tác phẩm làm kinh ngạc giới thưởng ngoạn nghệ thuật thời bấy giờ. Đây là một trong những kết hợp sáng tạo hiếm hoi của mỹ thuật Việt Nam và thế giới.
Thực hiện vào thời kỳ vàng son của sơn mài Việt Nam, Làng trung du Bắc bộ ra đời cùng một năm với những tác phẩm khác của bộ đôi Hoàng Tích Chù và Nguyễn Tiến Chung, như Phong cảnh trung du (La moyenne région, sơn mài, 100 x 150 cm, 1942), Giáng sinh (La Nativité, sơn mài, 224 x 146 cm, 1942-1943)…”.
“Bức tranh sơn mài này có hai điểm cần lưu ý. Thứ nhất, nó được thực hiện với những nguyên liệu thuần túy tự nhiên như gỗ, nhựa cây sơn, vàng lá, cát và vỏ trứng. Những mảng vàng được dát lên tạo ra một thứ ánh sáng có màu sắc huyền hoặc, làm nên bóng nắng chiều khi ẩn khi hiện sau những ngọn núi mờ xa, hắt vào những hàng cau bừng lên trên nền son đỏ, nâu đen. Vỏ trứng được cẩn lên ngựa và con heo nhỏ, điểm xuyết trên một vài bông hoa, tạo nên tính linh động nhẹ nhàng…
Thứ hai, khi sờ vào tranh, chúng ta chợt nhận ra một kỹ thuật rất độc đáo. Tranh không hoàn toàn được mài bằng phẳng, mà có những chỗ được chạm nổi lên rất nhẹ, tại thân cau, trên vài nhánh lá…, như những bas-rélief”.
Cùng phiên đấu này còn có những tác phẩm đáng chú ý khác. Đó là Ðức Mẹ (lụa, 57cm x 43cm, khoảng 1935) của Lê Phổ, với dự kiến 100.000 đến 120.000 EUR, bán 156.000 EUR.
Bức Tắm (lụa, 37cm x 36,5cm, khoảng 1935) của Lê Phổ, dự kiến 30.000 đến 40.000 EUR, bán 144.300 EUR, tăng giá khoảng 450 %.
Bức Đồng lúa (sơn dầu, 73cm x100cm, 1928) của Joseph Inguimberty, dự kiến 35.000 đến 50.000 EUR, bán 97.500 EUR.
Bức Người mẹ trẻ (sơn dầu, 92cm x 73cm, khoảng 1984) của Lê Thị Lựu, dự kiến 20.000 đến 30.000 EUR, bán 143.000 EUR, tăng giá hơn 700%.
Bức Mẹ và con (lụa, 44cm x 52 cm, 1979) của Mai Trung Thứ, dự kiến 50.000 đến 80.000 EUR, bán 104.000 EUR, tăng giá hơn 500%.
Văn Bảy
Tags