Thế giới của Phú - Không chỉ là đẹp mà còn là… rất đẹp!

Thứ Năm, 15/01/2015 14:57 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - Sau 7 năm không ra mắt triển lãm, họa sĩ Trần Việt Phú sẽ trưng bày loạt sáng tác mới nhất, gồm khoảng 30 tác phẩm hội họa chất liệu pastel (mầu phấn) và sơn dầu, vừa hoàn thành cuối năm 2014 tại số 93 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội.

Sinh năm 1973 tại Hải Dương, họa sĩ Trần Việt Phú tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1997 và nhanh chóng trở thành gương mặt nổi bật của hội họa Việt Nam bởi tài năng và cá tính sáng tạo của mình, được khẳng định từ triển lãm cá nhân đầu tiên của anh vào năm 1999. Các cuộc triển lãm cá nhân của họa sĩ, tuy không diễn ra thường xuyên nhưng luôn được những người yêu hội họa và đồng nghiệp theo dõi mong chờ. Họa sĩ đem đến cho người xem, một thế giới giản dị xung quanh anh, như chúng ta vốn nhìn thấy, nhưng khai mở cho ta một nhãn quan khác thường dưới ánh sáng lung linh huyền diệu, đặc biệt tinh tế, đến nỗi có thể chạm vào tâm hồn tất cả chúng ta. Dường như mọi ngôn từ khác đều không đủ hoặc thừa thãi khi diễn tả cảm giác khi chiêm ngưỡng hội họa của Trần Việt Phú… nhưng lạ là tôi vẫn muốn nói một điều gì đó, từ lòng tôi mà ra…

Thế giới của Trần Việt Phú trở lại sau hơn bảy năm, kể từ cuộc triển lãm tháng giêng năm 2007. Vẫn là thế giới với những cảnh vật mà Trần Việt Phú tâm đắc chọn làm đề tài cho các tác phẩm của mình. Góc nhà cũ, bức tường cũ trong gian phòng trọ, khoảng ban công nhỏ xíu, hoặc khu ký túc xá sinh viên, khu vườn trong đêm, vườn chuối, luống rau…Những khung cảnh hiện hữu quen thuộc không hề xa lạ với bất cứ ai trong chúng ta.

Sau rất nhiều năm theo dõi hành trình sáng tác không dễ dàng của anh, tôi đã ngừng đặt câu hỏi rằng tại sao Trần Việt Phú không chọn một đề tài khác: sang trọng hơn, hấp dẫn hơn, dễ làm cho số đông thỏa mãn rằng tài năng của họa sĩ xứng đáng để tạo tác những thứ ta hay cho rằng nó kỳ vĩ hơn nữa. Sự duyên dáng – chắc chắn thừa; sự hấp dẫn của một ánh sáng huyền ảo ma thuật – chắc chắn anh biết cách làm; sự khéo tay, tinh tế đã thuộc về bản năng… Nhưng Trần Việt Phú dứt khoát từ khước điều đó. Điều anh hướng tới trong các tác phẩm của mình cũng không hẳn là sự cực đoan, hà khắc đến cùng trong các bố cục truyền thống của mình mà là việc dần buông bỏ và thanh lọc.

Họa sĩ càng ngày càng ít chú trọng đến chi tiết có tính trang trí, gợi cảm. Bớt tập trung vào các hình thù sắc nét của thế giới đồ vật và không gian thiên nhiên trước mắt anh. Cái sự khéo léo trong cách đặt sáng để hút cái nhìn mà chúng ta luôn ngưỡng mộ thích thú ở những bức tranh của anh lại là cái anh muốn lược bớt. Để đi đến gần nhất điều anh mong mỏi là sự lơi lỏng, sự không gắng sức, sự thảnh thơi của từng bố cục. Sự chân thành trong bút pháp, sự chân thành khi diễn tả những góc khuất, sự ít tô vẽ nhất những thế giới đồ vật xung quanh. Và ở đó còn lại sự mộc và nguyên sơ đến ám ảnh trước mắt chúng ta. Ám ảnh bởi một không gian càng ngày càng loãng và rỗng. Tất cả chỉ còn nhịp, nhịp của ánh sáng, của bóng đổ. Nhịp ngắn, dài, mờ ảo, không gian tĩnh và khe khẽ một giai điệu tự thân, một ánh nhìn và độ rung của ánh sáng. Thứ ánh sáng tự thân, thứ ánh sáng hiếm hoi càng tiết chế càng như báu vật.

Cái cảm quan tinh tường, tinh tế đến khắc nghiệt đó đã làm cho Trần Việt Phú nhiều lúc bế tắc và do dự. Bộ tranh dang dở cứ mỗi lúc một nhiều lên mà chẳng thể kết thúc. Nhưng anh không chấp nhận bỏ qua hay dừng lại. Chỉ như vậy, anh mới có thể thỏa mãn được mình và cái thế giới càng mộng mị của anh sẽ chạm được đến những góc khuất trong cảm nhận và cảm xúc của rất nhiều người trong chúng ta.

Như khi nghe một nghệ sỹ trình diễn ca khúc trên sân khấu, chúng ta sẽ có nhiều cách để thoả mãn cảm xúc của mình qua những  chuyển tải của họ. Có thể là tiết tấu với lời ca đẹp đầy ý thơ về tình yêu, giàu triết lý về cuộc sống và cõi tạm. Có thể chất giọng của ca sỹ với sự hoàn hảo của kỹ thuật thanh nhạc với những nốt cao hay quãng thấp. Nhưng chắc chắn  nghe một giọng hát hay ắt hẳn là ta phải cảm được đến tận cùng chất tinh khôi nguyên sơ của giọng ca đó. Ở đó là thứ đặc biệt, như một khối tinh khôi, được rút ra từ ruột gan, tuôn trào mà lại như là vô thức. Một sự nghiêm nhặt và tinh tường khi đánh giá về cái "chân "của nghệ thuật như vậy là cách ta tiếp cận các tác phẩm hội họa của Trần Việt Phú.

Khi thưởng thức các tác phẩm của anh, ta không cần gắn cho nó nhiều ý nghĩa cũng như màu mè của triết lý đi kèm. Hẳn nhiên ta sẽ nhận thấy ở đó có những mảnh gương soi, để ta hình dung và đo đếm được trạng thái cảm xúc của mình. Một thứ cảm xúc không ồn ào, lặng lẽ, đủ sâu và mạnh mẽ để ta biết rằng có những góc nẻo của chính mình mà chính ta cũng không hề biết tới. Có những yếu đuối, có những yếm thế, có những bất lực, có những tâm sự không dễ chia sẻ, có những ngạo nghễ khinh khi kiêu hãnh, khắc khoải của một thân phận và sự tồn tại. Nó là cá tính, là sự khác biệt, nó là nguyên bản.
Với tất cả những điều đó, từ "nghệ thuật " mới có đủ ngữ nghĩa chứa đựng sức mạnh nội tại mang đến cho ta một thế giới của cái đẹp, cái tình, bằng sự giản dị nhất của mình bất chấp thời gian, bất chấp những biến thiên của cuộc sống.


Dương Thu Hằng

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›